VĂN HOÁ GIAO TIẾP của NGƯỜI NAM BỘ qua TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH – MỘT GÓC NHÌNNGUYỄN VĂN NỞ
HUỲNH THỊ LAN PHƯƠNG
1.
Giao tiếp là một hoạt động phổ biến trong đời sống xã hội. Con người không thể tồn tại và phát triển nếu không giao tiếp. Giao tiếp hướng tư duy con người đến những nhận thức trong sáng lành mạnh, hình thành tình cảm cao quý. Giao tiếp là hoạt động hiệu quả nhất để đưa con người đến gần nhau hơn. Chính qua giao tiếp con người hiểu về nhau và hiểu cả chính mình. Giao tiếp còn là thước đo nhân cách và phẩm giá con người, bởi “bản chất con người chỉ bộc lộ ra trong giao tiếp” [1]. Trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, văn hoá giao tiếp của người Nam Bộ thể hiện rõ nét nhất qua cách nói năng, qua thái độ, tình cảm, cũng như hành vi ứng xử.
Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh ngổn ngang sự kiện, đa dạng về thế giới nhân vật cho nên đầy ắp những cuộc giao tiếp. Tuy nhiên, không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh thường là không gian nội thất, gắn với cuộc sống gia đình, trong sinh hoạt đời thường. Vì thế, giao tiếp trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, thường diễn ra giữa các thành viên thuộc quan hệ gia đình, hay quan hệ tình cảm cá nhân là chủ yếu. Hồ Biểu Chánh không chỉ tái hiện sinh động, cụ thể hoạt động giao tiếp của người Nam Bộ, mà còn thể hiện sắc nét tình cảm, thái độ khi ứng xử, lúc nói năng của người Nam Bộ.
Ý thức, tình cảm và thái độ của con người khi giao tiếp, luôn bộc lộ qua cách giao tiếp. Nó thể hiện ngay trong lời ăn, tiếng nói, trong nghi thức giao tiếp. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ nhấn mạnh những tác động của ý thức, tình cảm, thái độ của con người đến việc giao tiếp. Bởi nó là những yếu tố quan trọng đã góp phần hình thành văn hoá giao tiếp của người Nam Bộ. Các yếu tố này không đơn lẻ tác động đến giao tiếp của người Nam Bộ, cũng không bộc lộ theo từng yếu tố qua cách giao tiếp mà có sự đan cài, kết hợp, hoà quyện vào nhau.
2.
Người Việt rất thích giao tiếp. Hơn thế, còn coi trọng giao tiếp. Việc thường hay thăm viếng và tính hiếu khách là hai biểu hiện nổi bật của thái độ thích giao tiếp. Tục ngữ Việt có câu “Áo năng may năng mới, người năng tới năng thân”. Người Nam Bộ cũng có thói quen hay thăm viếng nhưng không hoàn toàn chỉ vì thích giao tiếp, mà còn nhằm thể hiện sự quan tâm lẫn nhau, để bày tỏ tình cảm và để thể hiện phép lịch sự trong xã giao. Khi thăm viếng, người Nam Bộ hay giải thích về mục đích của mình. Bao giờ cũng là nhân tiện ghé qua, sẵn dịp thì đến. Bá Hỉ (Khóc thầm) ghé nhà Hội đồng Chánh, chưa vào trong nhà, ngay từ ngoài sân, đã vội vàng giải thích với Thu Hà: “Nghe em thi đậu, nên có dịp đi Long Xuyên qua ghé mừng cho em” (tr. 18); Bà Tư Kiến (Thiệt giả giả thiệt) ghé thăm ông Phán Thêm cũng nói ngay lí do cùng chủ nhà, ngay từ lúc chưa được mời vào: “Ông mới chào bà, chưa kịp mời vô nhà, thì bà nói rằng: Mấy tháng nay tôi không gặp ông, nay có dịp đi lên mé trên này, nên ghé thăm ông một chút.” (tr. 25). Có lẽ trong quan niệm của họ như thế mới là thật lòng, là chân tình. Cuộc viếng thăm sẽ thể hiện sự vô tư, trong sáng, nói lên tình cảm giữa những người giao tiếp. Dường như đây cũng là cách hay nhất để xua tan mối nghi ngờ, có thể có, của gia chủ là họ có dụng ý đi thăm vì một mục đích nào đó không xuất phát từ nghĩa tình thâm giao. Nếu không phải vì tiện mà ghé hay sẵn dịp nên đến, thì cũng phải có một lí do thật chính đáng cho cuộc viếng thăm. Và bao giờ cũng được bày tỏ ngay khi hai bên vừa mới gặp nhau: “Cháu thiệt mạnh hay chưa. Hơn một tuần nay bác không được thơ của con Tuý Nga, bác không biết bịnh cháu có giảm hay không, nên chạy lên đây thăm thử coi” (Đoá hoa tàn, tr. 142). Việc hay giải thích lí do khi thăm nhau cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân người Nam Bộ có phần rụt rè, ngần ngại và rất dè dặt khi phải chủ động giao tiếp. Nhưng nếu được ai đến với mình thì lại rất vui vẻ, hiếu khách. Bất kì ai ở đâu xa đến vùng đất Nam Bộ đều nhanh chóng có được sự thân thiện, gần gũi. Bởi dân Nam Bộ rất cởi mở, hay bắt chuyện khi thấy có người đến, như bà Tư Kiến, chủ tiệm may Vĩnh Hưng trong tác phẩm Thiệt giả giả thiệt, phát hiện có một cô gái quê đang đứng rụt rè ở ngoài cửa tiệm, bà liền lên tiếng hỏi trước: “Cô em có việc chi muốn nói với qua hay sao?” (tr. 10).
Ở Nam Bộ, thăm viếng còn được xem như một hành động tốt, phải làm của những người sống có tình, có nghĩa. Việc đến thăm gia đình ông Huyện Tân của vợ chồng quan Chủ quận (Cư kỉnh) mang ý nghĩa nói trên. Chính vì thế, việc thăm viếng đã gây thêm cảm tình, tạo sự nể phục của gia chủ đối với khách. Hơn nữa, còn góp phần tô thêm nét đẹp tính cách của những con người sống có trước, có sau như quan Chủ quận. Hồ Biểu Chánh tái hiện lại một nét đẹp trong văn hoá giao tiếp của người Nam Bộ. Hình thức đáp lễ khi có ai đến thăm viếng cũng được người Nam Bộ quan tâm. Chí Cao, một văn sĩ mới đến ở cạnh nhà Huyện Tân, anh ta sang thăm viếng để chào hỏi láng giềng, tạo tình thâm giao. Bà Huyện đã đáp lại bằng những lời lịch sự, bày tỏ ý thức đáp lễ: “Ông qua thăm vợ chồng tôi, tôi rất cám ơn. Để ông Huyện tôi về rồi tôi sẽ thưa lại cho ông Huyện tôi hay, đặng bữa nào rảnh ông Huyện tôi sẽ trả lễ.” (Cư kỉnh, tr. 31).
Nam Bộ là đất mới. Di dân đến đây lập nghiệp đều là người từ miền Trung hoặc miền Bắc xa xôi, thậm chí có cả người Minh Hương. Những ngày đầu mở cõi, cuộc sống vất vả, đầy hiểm nguy, bao thử thách, lại thêm nỗi nhớ quê nhà da diết, người Nam Bộ lúc ấy có thói quen hay tụ tập nhậu nhẹt, đờn ca sau những buổi lao động cực nhọc hay lúc nông nhàn, giỗ tết, để xua bớt những buồn lo trong cuộc sống và cũng để giao tiếp. Có lẽ từ đó, việc họp mặt dần dần trở thành nhu cầu tất yếu trong cuộc sống. Không cần tết, không đợi ngày giỗ hay đám tiệc theo lễ nghi, người ta có thể họp mặt bất cứ lúc nào khi muốn và điều kiện cho phép. Việc họp mặt đi dần vào đời sống văn hoá của người Nam Bộ, thể hiện lối sống, cách giao tiếp mang nét riêng của vùng đất nông nghiệp và có thể xem đó cũng là thái độ thích giao tiếp của người Nam Bộ. Sinh hoạt mang tính chất văn hoá này khi diễn ra ở Nam Bộ không có vẻ trang trọng, kiểu cách, lễ nghi như ở các nơi khác trên miền Bắc cùng thời. Do đó, không có cảnh tranh giành, phân chia thứ bậc ở chốn đình, làng. Cũng không thấy hình thức nói năng, mời chào, đi lại kiểu quý ông, quý bà nơi thành thị. Người Nam Bộ, kể cả người sống ở thành thị, qua sự tái hiện của Hồ Biểu Chánh, nổi bật phong cách quê mùa nhưng chân chất, thiệt thà mà rất cởi mở, chân tình mỗi khi họp mặt. Mấy anh em: Cai tuần Bưởi, Ba Cam, Ba Rạng trong Con nhà nghèo, lâu ngày gặp lại, chỉ cần một con gà mái đem nấu cháo là họ có được một buổi họp mặt, ngay lúc đêm đã khuya nhưng thật ấm áp, thân tình. Bao nhiêu chuyện buồn, vui đều có thể trút cạn theo li rượu của đồng quê. Những người đứng tuổi, trải đời, có học thức cũng hay họp mặt. Buổi giao tiếp của họ nổi bật nét tao nhã, gợi lên một lối sống thanh cao kiểu nhà nho. Bên chung trà, dưới ánh trăng, trong khung cảnh yên ả nơi ruộng đồng, họ thường ngồi bên nhau để nói chuyện đạo nghĩa ở đời, bàn cách sống trong sạch. Đó là những buổi họp mặt được tái hiện trong tác phẩm Đoá hoa tàn, giữa Cai tổng Bình, ông giáo Lạc, Hải Đường và Tuý Nga.
Dân Nam Bộ hay họp mặt thường là vì ham vui, thích giao tiếp, hơn là hám lợi. Mặc dù, thực tế cho thấy việc giao tiếp rộng giúp họ thuận lợi nhiều trong công việc và có không ít người biết tận dụng lợi thế của việc giao tiếp rộng, như Bà Hương quản Viện: “Hễ nhà có cúng quải thì bà ưa mời hết mấy thầy mà đãi, còn ngày thường thầy nào tới chơi thì bà tiếp rước cũng ân cần lắm… Bởi cách cư xử của bà như vậy, nên bà goá bụa mà việc làm ăn của bà chẳng hề trắc trở một chút nào.”(Thầy thông ngôn, tr. 50-51). Cũng có trường hợp chứng minh giao tiếp rộng sẽ tạo được thân tình với nhiều đối tượng trong xã hội, dễ khiến người khác kiêng dè, nể sợ. Phạm Kì trong Ngọn cỏ gió đùa nhiều lần muốn hại Lê Văn Đó nhưng không dám vì biết Lê Văn Đó là người giao tiếp rộng, có quan hệ thân thiết với quan trên: “Ông đội Phạm Kì giận hết sức, mặt mày tái xanh, tay chơn run rẩy, ông muốn bắt luôn ông Thiên Hộ mà giải lên tỉnh một lượt với con Ánh Nguyệt, đặng cho quan trên tra xét lại coi ông Thiên Hộ Chánh Tâm này có phải là Lê Văn Đó hay không, còn nàng Ánh Nguyệt làm như vậy có phải là làm đĩ hay là không phải, nhưng vì ông nhớ lại Thiên Hộ là bực giàu sang lại thân thiết với các quan trên tỉnh, sợ chén đá khó hơn chén kiểu được…” (tr. 237). Tuy nhiên, trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, có lắm kẻ biến sinh hoạt mang ý nghĩa văn hoá này thành hình thức ăn chơi hưởng thụ để thoả mãn lối sống ích kỉ như buổi họp mặt bạn bè ở nhà Hội đồng Đàng trong Bỏ chồng, hay để gặp nhau cho có cơ hội thể hiện mình, chê bai người khác như buổi họp mặt bạn bè trong Thiệt giả giả thiệt. Hồ Biểu Chánh luôn tái hiện bức tranh hiện thực muôn màu muôn vẻ, đầy tính chân thật cho nên không che đậy cái xấu. Nó hiện lên như một sự cảnh báo những tiêu cực xã hội cần được chấn chỉnh.
Giao tiếp được xem như một phương diện thể hiện năng lực ứng phó của con người trong môi trường xã hội. Từ việc giao tiếp, con người bộc lộ rõ nhất tình cảm, tính cách và phẩm chất đạo đức. Qua cái nhìn của Hồ Biểu Chánh, người Nam Bộ rất trọng đạo lí ở đời, lấy tình nghĩa làm tiêu chí trong giao tiếp. Và trở lại, giao tiếp cũng là cách thực hiện lối sống tình nghĩa. Một việc làm khá phổ biến trong giao tiếp của người Nam Bộ, được Hồ Biểu Chánh thể hiện như một nét văn hoá tiêu biểu: tặng quà. Người Nam Bộ thường tặng quà khi nhận được sự giúp đỡ, nhằm bày tỏ lòng tri ân. Dân Nam Bộ vốn trọng nghĩa khinh tài, làm ơn không bao giờ nghĩ đến việc người khác sẽ trả ơn mình nhưng nhận được sự giúp đỡ của ai là nhớ suốt đời không quên. Tặng quà chỉ là một cách để họ bày tỏ tấm lòng, hoặc muốn bù đắp phần nào công lao đối với người đã nhiệt tình giúp mình. Nhất là đối với người làm ơn mà có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ càng muốn nhân trả ơn để được giúp đỡ lại. Dù thế nào đi nữa thì trong giao tiếp, ở những mối quan hệ trong sáng, khách thể và chủ thể giao tiếp đều xem vật chất chỉ là phương tiện của cuộc sống. Tình cảm mới thực sự làm nên giá trị tốt đẹp của cuộc đời. Chính vì thế tặng quà đã trở thành một nét đẹp trong văn hoá giao tiếp. Nó phân biệt hẳn với những hình thức quà cáp mua chuộc, dụ dỗ, cầu cạnh, đút lót để tư lợi hay làm điều tội lỗi. Việc tặng quà của ông Phán Thêm trong Thiệt giả giả thiệt không thể đồng nhất với việc tặng quà của Cậu Hai Nghĩa trong Con nhà nghèo. Mặc dù trong cả hai trường hợp người tặng đều có tình cảm đặc biệt đối với người được tặng.
Ở Nam Bộ, chỉ cần được ăn một bữa cơm đạm bạc mà thân mật, là người dân nơi đây xem như có tình nghĩa nên cần phải đáp trả sao cho xứng với nghĩa tình. Bà Nhiêu trong Đại nghĩa diệt thân dạy con: “…kiếm dừa chuối đốn đem cho chủ nhà nghe hôn con. Bữa hổm ăn cơm của người ta. Nay mình ra thì phải cho chút đỉnh gì đó mà đền ơn.” (tr. 70).
Khi đã thành văn hoá trong giao tiếp, việc tặng quà trở nên quen thuộc trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Vô tình nó bị biến dạng theo những hành vi không tốt. Những lúc ấy nó còn được khoác thêm chiếc áo cầu kì dệt bằng ngôn từ hoa mĩ, khách sáo, dễ khiến đối tượng tiếp nhận bị đánh lừa, sự giả dối được ngộ nhận là cái lịch lãm trong giao tiếp. Hồ Biểu Chánh đã tái hiện lại trường hợp nói trên qua việc tặng quà của Tất Đắc (Từ hôn), khi anh ta đóng vai một Bác vật, mới du học ở Pháp trở về, đến nhà Bạch Yến để dạm hỏi cô:
“Đến thăm cô tôi chẳng biết lấy vật chi làm lễ tấn kiến cho xứng đáng, nên tôi tạm dưng cho cô một bó bông hường với một ve dầu thơm: bông trắng tặng cái tiết của cô, dầu thơm tặng cái danh của cô, nếu cô nhận chút lễ mọn của tôi, thì tôi lấy làm vinh hạnh lắm.” (tr. 64).
Xã hội Nam Bộ đầu thế kỉ XX trượt dài theo con dốc của sự tha hoá về đạo đức. Sức mạnh của đồng tiền và quyền lực cứ lớn lên vùn vụt. Lối sống mới đã rèn tập cho con người đầu óc thực tế, thực dụng. Cơn lốc đó đã vô tình làm biến dạng các giá trị văn hoá tốt đẹp vốn có. Người ta bắt đầu và quen dần với ý thức tặng quà để tư lợi, thậm chí là vụ lợi hay mưu cầu bất chính. Có lẽ quan niệm “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã được tích cực quảng bá trong thời gian này. Cho nên, ngay cả người tốt, sống trọng nhân nghĩa như Thủ Nghĩa trong Chúa tàu Kim Quy cũng bị chi phối vào việc phải tặng quà quan trên để ra mắt quan, lúc mới đến An Giang, với mong muốn được quan dễ dãi cho việc làm ăn của mình. Nhân vật Đạt trong Đại nghĩa diệt thân, vốn con nhà gia giáo, từng là nghĩa binh đánh Tây, khi bắt đầu có ý định cầu thân với kẻ theo giặc, nhằm được sống yên thân, cũng dùng hình thức tặng quà để tạo mối quan hệ trong giao tiếp lúc sơ ngộ “để tôi làm kiếm được cá ngon chị sẽ đem qua cho ông rồi nhơn dịp chị gởi gắm giùm tôi cho tôi an thân làm ăn” (tr. 92). Trong cái nhìn của Hồ Biểu Chánh, những gì đi sâu vào lối sống, trở thành tập quán, thói quen lâu đời đều mang ý nghĩa văn hoá. Nhưng nó có được bền vững theo năm tháng, đánh bật mọi tác động xấu, để giữ trọn vẹn những giá trị tốt đẹp hay không là tuỳ thuộc vào bản lĩnh của con người. Người Nam Bộ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh đã chứng minh cho bản lĩnh của mình. Mọi hành vi xấu, mọi ứng xử trái với truyền thống văn hoá đều được nhận diện. Người có hành vi như Đạt trong Đại nghĩa diệt thân không thể nào đón nhận kết quả tốt đẹp, mà phải trả giá bằng cái chết nhục nhã. Tặng quà như Thủ Nghĩa (Chúa tàu Kim Quy) đã được nhắc nhở khéo léo bằng sự thanh liêm của vị quan mẫu mực. Tất Đắc biết hồi tâm chuyển ý khi thấy mình đã sống giả dối.
Lối sống quý tình trọng nghĩa đã trở thành cố hữu ở người Nam Bộ. Cũng chính vì quá trọng tình nên khi bị phụ tình, không riêng trong tình yêu nam nữ, người Nam Bộ cay đắng đến cay cú. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là tình cảm đổi thay, hình thức giao tiếp cũng theo đó mà thay đổi, kể cả theo hướng tiêu cực. Cô Sáu Lí (Thầy thông ngôn) khi còn yêu thầy thông Phong, lời trao gửi cùng thầy nghe thật ngọt ngào, tình tứ, nồng thắm, đượm chất duyên dáng, vẻ lịch thiệp. Nhưng khi nhận ra chàng ta đang có ý định quất ngựa truy phong, cô lập tức thay đổi cách xưng hô (thầy, tôi à mầy, tao), tỏ thái độ khinh bỉ (lấy khăn và phong thơ liệng trúng ngay mặt thầy), còn buông lời mắng nhiếc không chút nể nang. Không thể phủ nhận, tình cảm đã chi phối rất nhiều đến cách giao tiếp của người Nam Bộ.
Trong xã hội có sự phân chia giai cấp và độ chênh lệch quá lớn về điều kiện sống giữa các giai tầng, rất khó tránh sự phân biệt đối xử trong giao tiếp. Tình nghĩa, đạo lí cũng có khi bị đẩy lùi bởi yếu tố bằng cấp, vị trí xã hội, quyền lực và tiềm năng kinh tế trong giao tiếp ở người Nam Bộ. Trước một người trẻ tuổi nhưng chức phận cao, người ta có thể nói năng nhún nhường, tỏ ra quá tôn kính, thậm chí còn làm mất đi vẻ tự nhiên và tính chân thật trong lời nói: “Mời quan Kinh lí ngồi uống nước, cho phép tôi vô lễ ra sau dạy bầy trẻ sửa soạn dọn cơm cho quan Kinh lí dùng” (Con nhà nghèo, tr. 254). Đó là lời của Cô Ba Nhân, một phụ nữ đã trên bốn mươi nói với Kinh lí Hai, chàng trai 25 tuổi, đáng tuổi cháu bà. Với những đối tượng khác, thân phận thấp kém, nhân vật này không hề có cách giao tiếp như trên. Sống trong xã hội có sự phân biệt sang hèn, văn hoá giao tiếp ở Nam Bộ vào những năm đầu thế kỉ XX, không tránh khỏi những tác động của tư tưởng coi trọng địa vị, thứ bậc. Có khi, khách thể còn nhận được sự trân trọng, tôn vinh đến mức quá đáng: “Thầy Hội đồng Chánh bắt tay Vĩnh Thái và nói: Tôi lấy làm may mắn mà được cậu tú tài đến nhà, vậy tôi xin thỉnh cậu vô” (tr. 19). Vì nghe giới thiệu Vĩnh Thái mới du học bên Tây trở về, với bằng cấp tú tài, cho nên dù chưa biết hắn là người như thế nào, một ông Hội đồng rất nhân đức, trọng nghĩa khinh tài như Hội đồng Chánh vẫn không thể không có thái độ trọng thị.
Những biểu hiện trên cho thấy giao tiếp theo đối tượng cũng khá phổ biến ở Nam Bộ thời bấy giờ. Nó đối lập với biểu hiện trọng tình cảm, đạo lí. Nó gặm nhấm những giá trị tốt đẹp trong văn hoá giao tiếp của người Nam Bộ. Ngay cả một tên lính, kẻ làm tôi tớ cho Phạm Kì (Ngọn cỏ gió đùa) cũng có sự phân biệt đối tượng khi giao tiếp. Với Ánh Nguyệt, một cô gái thân cô, thế cô, hắn đã “nắm đầu mà kéo xển đi, rồi nói rằng: “Ê! Thứ đồ đĩ khéo nhiều chuyện! Về đồn đây rồi mi coi.” (tr. 231). Nhưng khi gặp ông Thiên Hộ, một người giàu có, thế lực nhiều thì lập tức hắn có thái độ giao tiếp khác hẳn: “Tên lính lật đật buông Ánh Nguyệt ra, rồi xá ông Thiên Hộ và thưa rằng: “Thưa ông Thiên Hộ, con nầy nó đi làm đĩ nên ông Phạm Kì sai tôi đi bắt nó mà đem về đồn.” (tr. 232).
Người Việt khi giao tiếp thường có ý thức xem trọng danh dự và sĩ diện. Dân Nam Bộ không ngoại lệ, cũng rất sĩ diện và trọng danh dự. Cho nên, dù có thế nào chăng nữa cũng “đóng cửa dạy nhau”, không bao giờ muốn “trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã thông”. Nhân vật Thu Hà trong tác phẩm Khóc thầm, biết chồng làm nhiều chuyện phi lí, thất đức, bó buộc tá điền nghèo khó quá đáng, cô muốn bước ra nói lời ngăn cản chồng trong buổi họp mặt tá điền nhưng: “mới bước được vài bước rồi cô nghĩ: Chồng mình đương nói chuyện với người ta, nếu mình ra bỉ sử, thì còn gì là thể diện của chồng mình. Hễ mình không trọng chồng mình thì thiên hạ coi chồng mình ra cóc rác gì nữa.” (tr. 124). Đến lúc đã hiểu rõ lòng dạ xấu xa, ác độc của chồng, trong lòng Thu Hà không còn chút tình cảm vợ chồng, cô vẫn bị cái sĩ diện của ngưởi tử tế ràng buộc mãi, khiến cô không dám bày tỏ sự thật trước mọi người, thậm chí không dám tham gia giao tiếp. Bao giờ Thu Hà cũng cố gắng tìm cách nói đỡ cho chồng trước mặt người khác, nhằm bảo vệ thanh danh cho chồng. Bắt con Phó Lí Thâu ở đợ trừ nợ, đòi ông Hai Sửu thối tiền ở đợ của con,… Vĩnh Thái ngần ngại gì mà không dám làm những việc đó, Thu Hà biết hết sự thật, cô vẫn tìm cách giải quyết sao cho êm thắm và luôn miệng nói với mọi người: “Thầy Hai thẩy nói chơi với chú chớ bắt nó lên ở mà làm gì” (tr. 131), hay “thầy Hai thẩy giận nó nên thẩy nói như vậy, không sao đâu, ông đừng có lo” (tr. 150). Đối với cô, thể diện của chồng cũng chính là thể diện của chính mình và của cả gia đình cô. Thà cô âm thầm nuốt lệ ôm sầu chứ nhất quyết không để cho người ngoài thấy rõ sự rệu rã trong đời sống gia đình của mình. Cách ứng xử của Thu Hà dễ gợi cho người đọc một cảm nhận về con người cam chịu, không dám đấu tranh cương quyết với cái ác. Nhưng nghĩ sâu hơn vào sự việc sẽ nhận ra những duyên cớ sâu xa. Đó không chỉ là sự mềm mỏng khéo léo trong giao tiếp mà còn là biểu hiện của phẩm hạnh cao quý ở người phụ nữ Nam Bộ. Thu Hà rất sĩ diện nhưng không phải là thứ sĩ diện hảo. Cô sĩ diện để bảo vệ danh dự cho gia đình, cho người thân. Bởi vì với cô, Vĩnh Thái có thế nào cũng đã là chồng của cô. Thu Hà là hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ quên mình để sống cho bổn phận. Sĩ diện của Thu Hà có cội nguồn từ đạo lí làm vợ, làm con theo quan niệm phong kiến, luôn nghĩ đến việc tòng phu, tòng phụ.
Không chỉ người tốt biết sĩ diện trong giao tiếp, mà ngay cả những kẻ có lòng dạ xấu xa, tham phú phụ bần như thầy thông Phong trong Thầy thông ngôn cũng rất sĩ diện khi giao tiếp. Anh ta mê mẩn nhan sắc của cô Diệu Anh, những mong được cưới cô làm vợ nên kiên trì lân la nhà cô, muốn tìm cách lấy lòng mẹ con cô bằng sự lịch lãm trong giao tiếp, không ngờ bị Trường Sanh làm nhục ngay tại bữa tiệc đông đúc. Sĩ diện của một thầy thông mới tập việc, lại học đòi kiểu cách quý ông ở chốn quan trường khiến thầy căm giận kẻ đã hạ nhục mình trước mọi người. Thầy định thưa kiện để rửa hận nhưng không thành. Chính câu nói chơi của bà Hương quản Viện cùng nụ cười ngụ đầy ý mỉa mai, xem thường của cô Diệu Anh đã đánh thức lòng tự trọng trong thầy, đẩy ý thức sĩ diện lên đến đỉnh điểm, vì vậy “từ đó về sau thầy không chịu xuống xóm Cái Sơn chơi nữa, dầu ai rủ cho mấy thầy cũng không đi.” (tr. 60).
Người nghèo sĩ diện càng lớn và lòng tự trọng cũng rất cao. Dù cuộc sống có khó khăn, bức bách đến đâu, họ vẫn sống theo tâm niệm đói cho sạch, rách cho thơm. Tí trong Cha con nghĩa nặng được bà Hương quản Tồn cho mượn tiền. Bà chủ động muốn giúp vốn để Tí làm ăn. Bà không mong số tiền đó được sớm hoàn lại nhưng con người nghèo khó đầy tự trọng như Tí luôn ý thức sĩ diện của người nghèo. Anh ta không lạm dụng lòng tốt người giàu. Tí có được tiền là trả lại ngay cho bà Hương Quản.
Tính sĩ diện, ý thức về danh dự như đã thấm sâu vào máu thịt của người Việt, nó hình thành từ khi con người mở mắt chào đời. Nó lớn lên và lộ diện ngày càng rõ nét theo sự trưởng thành của mỗi cá nhân. Cho nên, không ai là không có ý thức về lòng tự trọng và không biết sĩ diện. Ngay một đứa trẻ sống nghèo khổ, vất vưởng như Thu Cúc (Chút phận linh đinh) cũng biết sĩ diện trong giao tiếp. Được bạn mời về nhà, nhân có đám giỗ, Thu Cúc do dự không muốn đi, chỉ vì lí do: “có khách khứa đông mà em ăn mặc dơ dáy quần áo lấm lem, em thẹn lắm chị à!” (tr. 122). Không phải Thu Cúc mặc cảm cho phận nghèo nhưng dù nghèo nó vẫn muốn được tươm tất, sạch sẽ trước mọi người, để mình không quá tệ trong mắt người khác. Đó chính là tâm lí phổ biến của người Việt khi giao tiếp.
3.
Giao tiếp của người Nam Bộ được tái hiện trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh mang nhiều nét tinh tế. Bởi nó hình thành từ trong lối sống, cách ăn, nếp ở của người Nam Bộ. Và cũng là thói quen, tập quán trong quan hệ giữa người và người. Người Nam Bộ thích giao tiếp nhưng lại có biểu hiện dè dặt và ít nhiều rụt rè trong giao tiếp. Bản tính người Nam Bộ rất cởi mở nhưng lại có đôi chút thiếu tự tin. Cho nên thật dễ hiểu vì sao người Nam Bộ ngại chủ động trong giao tiếp. Người Nam Bộ sống tình cảm và luôn hành xử, giao tiếp theo nghĩa tình. Chính vì thế, văn hoá giao tiếp ở Nam Bộ là văn hoá của nghĩa tình. Dân Nam Bộ bộc trực, thẳng thắn, thích đơn giản mà chân tình cho nên trong sinh hoạt, lối sống, kể cả giao tiếp đều không ham cầu kì, hoa mĩ mà chuộng sự tự nhiên, thích cái thật lòng. Tất cả những điều nói trên chính là các yếu tố hợp thành đặc điểm văn hoá giao tiếp của người Nam Bộ. Qua sự sàng lọc của thời gian, những gì hợp với lối sống, quan niệm thời đại sẽ mãi tồn tại cùng con người, kết tinh thành truyền thống văn hoá xứ sở.
Đặc điểm giao tiếp của người Nam Bộ được hình thành từ cái nôi văn hoá dân tộc. Mặc dù có gợi lên nét riêng, gắn với lối sống, tâm hồn của những con người Nam Bộ phóng khoáng, bộc trực nhưng không vì thế mà hoàn toàn khác biệt với nếp ăn, cách nói, hình thức quan hệ của con người Việt Nam nói chung.
Tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đã làm sống lại đời sống văn hoá Nam Bộ ở một thời kì đầy biến động, nhiều xáo trộn dữ dội nhưng những gì làm nên bản sắc văn hoá của vùng đất vẫn còn nguyên vẹn. Đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là cách đi tìm lại các giá trị văn hoá truyền thống của một thời đã qua, cách đây không lâu nhưng dễ bị lãng quên do tác động của lối sống hiện đại. Chính vì thế càng tìm hiểu, càng phát hiện thêm nhiều giá trị đặc sắc ở tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Mai Ngọc Chừ, Văn hoá & ngôn ngữ phương Đông, NXB Phương Đông, 2009.
2. Nguyễn Văn Nở, Phong cách học tiếng Việt, NXB Đại học Cần Thơ, 2012.
3. Huỳnh Thị Lan Phương, Đời sống văn hoá ở nông thôn Nam Bộ trong một số tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Nghiên cứu Văn học, số 7 (413), 2006.
4. Trang Quang Sen – Phan Tấn Tài – Nguyễn Văn Nở, Hồ Biểu Chánh người mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2006.
5. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2004.
TÁC PHẨM KHẢO SÁT
1. Hồ Biểu Chánh, Thiệt giả giả thiệt, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 1997.
2. Hồ Biểu Chánh, Khóc thầm, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1997.
3. Hồ Biểu Chánh, Ngọn cỏ gió đùa, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
4. Hồ Biểu Chánh, Nợ tình, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
5. Hồ Biểu Chánh, Đoạn tình, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2001.
6. Hồ Biểu Chánh, Kẻ làm người chịu, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
7. Hồ Biểu Chánh, Chút phận linh đinh, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
8. Hồ Biểu Chánh, Con nhà nghèo, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1997.
9. Hồ Biểu Chánh, Từ hôn, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
10. Hồ Biểu Chánh, Lời thề trước miễu, NXB Văn hoá Sài Gòn, 2006.
11. Hồ Biểu Chánh, Nợ đời, NXB Đức Lưu Phương, 1936.
12. Hồ Biểu Chánh, Cha con nghĩa nặng, NXB Văn hoá Sài Gòn, 2005.
13. Hồ Biểu Chánh, Đoá hoa tàn, NXB Văn hoá Sài Gòn, 2006.
14. Hồ Biểu Chánh, Tân phong nữ sĩ, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1997.
15. Hồ Biểu Chánh, Cư kỉnh, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1997.
16. Hồ Biểu Chánh, Đại nghĩa diệt thân, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1997.
17. Hồ Biểu Chánh, Thầy thông ngôn, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1988.
THẠC SĨ TRƯƠNG HOÀNG LONG SƯU TẦM VÀ GIỚI THIỆU