Thứ Tư, 10 tháng 11, 2021

VĂN HÓA XƯNG HÔ trong GIAO TIẾP

 



Lời 
đầu

     Ngôn ngữ là sản phẩm tất yếu của quá trình giao tiếp nhằm thoả mãn một trong những nhu cầu thiết yếu bảo đảm sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Trong bất kỳ một ngôn ngữ nào, vấn đề xưng hô rất được coi trọng và được xem như tiền đề của cuộc thoại. Nếu xưng hô không chính xác có nghĩa xác định sai mối quan hệ giữa các vai giao tiếp khiến cho cuộc thoại sẽ gặp trở ngại. Đối với dân tộc Việt do ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến, với sự ràng buộc của tư tưởng tam cương, ngũ thường đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm lý, tình cảm của mỗi thành viên trong xã hội Việt Nam  suốt bao thế hệ. Vì vậy, hệ thống các từ xưng hô trong tiếng Việt, việc lựa chọ các từ xưng hô trong giao tiếp của người Việt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mang ý nghĩa nhân văn, nội hàm văn hóa sâu sắc.

1.Tầm quan trọng của xưng hô trong giao tiếp

     Xưng hô trong tiếng Việt đã hiển nhiên trở thành một vấn đề văn hoá giao tiếp với nội hàm phong phú, sâu sắc. Xưng hô còn là vấn đề tâm lý xã hội trong giao tiếp được tuyệt đại đa số các thành viên trong xã hội quan tâm, và coi nó như một nguyên tắc ứng xử hết sức cần thiết trong các mối quan hệ xã hội. Trong các yếu tố văn hoá, cách ứng xử khi giao tiếp xã hội mà nổi bật là vấn đề lựa chọn cách thức xưng hô như thế nào để thoả mãn mục đích giao tiếp là vấn đề có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

     Trong tiếng Việt, xưng hô rất được coi trọng trong các mối quan hệ giao tiếp. Các từ xưng hô trong tiếng Việt mang sắc thái biểu cảm rất rõ như: kính trọng, thân mật, suồng sã, khinh thường…Việc lựa chọn hoặc thay đổi các từ xưng hô phụ thuộc vào mức độ tình cảm giữa các bên tham gia giao tiếp. Trong ngữ cảnh nhất định, kết hợp với yếu tố ngữ điệu, người ta có thể xác định được ngữ nghĩa của các từ xưng hô. Thông qua xưng hô, có thể truyền tới người nghe những cảm nhận về sự vui, buồn, yêu, ghét…Có thể thấy người Việt đều rất coi trọng tôn ti, đời sống tình cảm tinh tế. Đồng thời cũng thông qua xưng hô để thấy được những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Việt nam. Xưng hô còn được xem như một nghệ thuật trong giao tiếp.

2. Đặc điểm xưng hô trong giao tiếp của người Việt

      Do các đại từ nhân xưng chính danh trong tiếng Việt hạn chế về số lượng và phạm vi sử dụng, nhưng nhờ có hệ thống các danh từ thân tộc lâm thời được sử dụng trong chức năng xưng hô, khiến cho hệ thống từ xưng hô tiếng Việt trở nên rất phong phú. Nhờ vậy mà xưng hô trong tiếng Việt còn mang sắc thái biểu cảm rõ rệt, phân biệt được tôn ti, giới tính… Ứng với một kiểu xưng hô biểu thị một mối quan hệ khác nhau, sắc thái biểu cảm cũng khác nhau. Chính điều này đã làm cho xưng hô trong tiếng Việt có nội hàm phong phú [1].

     Trong tiếng Việt ngoài các đại từ nhân xưng chính danh còn có một hệ thống các danh từ xưng hô thân tộc tham gia chủ yếu vào các hoạt động giao tiếp của người Việt. Những đặc trưng về xưng hô này đã tạo ra sự khác biệt rất lớn trong văn hoá xưng hô của dân tộc Việt. Mặt khác, tư tưởng Nho gia đã tác động mạnh tới văn hóa truyền thống Việt Nam. Nguyên tắc xưng khiêm, hô tôn đã phản ảnh một cách rõ nét về sự kết hợp giữa quan niệm về gia tộc với luân lý đạo đức, coi trong tôn ti, trọng tuổi tác.

3. Phân loại các từ xưng hô trong tiếng Việt

     Trong tiếng Việt, các nhà ngôn ngữ học như Nguyễn Kim Thản (1963), Lê Cận, Cù Đình Tú, Hoàng Tuệ (1962), Diệp Quang Ban và Hoàng Văn Thung (1998) cũng phân loại từ xưng hô tiếng Việt ra thành các nhóm: xưng hô bằng đại từ nhân xưng chính danh, xưng hô bằng danh từ thân tộc, ngoài ra còn xưng hô bằng các danh từ chỉ chức vụ, nghề nghiệp, xưng hô bằng họ tên… [2].

     – Xưng hô bằng đại từ nhân xưng chính danh:

              Ngôi thứ nhất số ít (tự xưng):    Tôi, tao, tớ

                         Ngôi thứ nhất số nhiều (tự xưng): chúng tôi, chúng tao, chúng tớ.

               Ngôi thứ hai số ít (đối xưng):    mày, mi

                         Ngôi thứ hai số nhiều (đối xưng): chúng mày, chúng mi

              Ngôi thứ ba số ít (vắng mặt):    nó, hắn, y, thị

                         Ngôi thứ ba số nhiều (vắng mặt): chúng nó       

     – Xưng hô bằng danh từ thân tộc: Ông, bà, anh, chị, chú, bác, cô, dì

     – Xưng hô bằng họ tên, như: Lan, Huệ, Cường, Minh...

     – Xưng hô bằng danh từ nghề nghiệp, chức vụ như: Bác sĩ Thành, Kỹ sư Nam…

     Trong tiếng Việt, đại từ nhân xưng chính danh ở cả ba ngôi số ít và số nhiều đều hạn chế về số lượng. Sắc thái biểu cảm của những từ xưng hô này thường là suồng sã, không lịch sự, ngoại trừ đại từ “tôi” mang sắc thái trung hoà. Vì vậy, các từ xưng hô này chỉ được dùng trong phạm vi hẹp. Ví dụ: Trong tiếng Việt, khi tự xưng ở vai ngang hàng và vai dưới biểu thị ngữ khí suồng sã, thân mật, khách sáo… thường sử dụng ba đại từ nhân xưng chính danh: “tôi, tao, tớ”.

     Tương ứng với nó, khi tự xưng ở vai trên lại dùng các danh từ xưng hô thân tộc trong các trường hợp biểu thị ý nghĩa kính trọng, lịch sự…“ông, bà, cha, mẹ, bác, anh, cô, chú… Khi tự xưng ở vai dướibiểu thị ngữ khí khiêm nhường thường dùng các danh từ xưng hô thân tộc như “ em, con, cháu..”

     Do sự hạn chế về ngữ nghĩa của những đại từ nhân xưng chính danh mà xưng hô trong tiếng Việt chủ yếu dùng các danh từ chỉ quan hệ thân tộc được lâm thời dùng trong chức năng xưng hô chiếm vị trí quan trọng về số lượng, tần số sử dụng và đặc biệt là nghĩa ngữ dụng đa dạng, linh hoạt [3]. (3)

4. Nội hàm văn hóa của các từ xưng hô tiếng Việt

     Trong giao tiếp của người Việt, ứng với một cách xưng hô là biểu thị một mối quan hệ khác nhau, mức độ tình cảm cũng khác nhau. Trong tiếng Việt, các đại từ nhân xưng chính danh ở cả ba ngôi được sử dụng trong phạm vi hẹp, chỉ dùng trong quan hệ ngang bằng về tuổi tác, địa vị xã hội, hoặc chỉ dùng xưng hô giữa những nhóm người có địa vị thấp kém. Vì vậy, các đại từ nhân xưng chính danh thường dùng khi biểu thị ngữ khí suồng sã, khinh bỉ, tức giận, cũng có khi dùng để xưng hô thân mật trong mối quan hệ bạn bè. Ví dụ: đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít “tôi” tự xưng về mình trong giao tiếp với người lạ, ngữ khí khách sáo, hoặc tự xưng về mình khi báo cáo, nói chuyện trước đông người. Cấp trên xưng hô với cấp dưới, xưng hô giữa thủ trưởng và nhân viên trong cơ quan, hoặc xưng hô giữa những người ngang hàng về tuổi tác. Kiểu xưng hô này thường dùng trong quan hệ khác giới. Ngoài ra để biểu thị sự khiêm tốn, có lúc còn dùng đại từ “chúng tôi” để thay thế cho đại từ “tôi”. (thường dùng tự xưng bản thân một cách trang trọng trước đông người). ví dụ:

     1. Chị cho tôi hỏi cửa hàng chiều mấy giờ mở cửa? (giao tiếp với người lạ, ngang bằng về tuổi tác).

     2. Tôi mới về công ty, mong nhận được sự giúp đỡ của các anh chị.( xưng hô với đồng nghiệp, ngữ khí khách sáo).

     3. Tôi (chúng tôi) xin được trình bày nội dung của báo cáo. (tự xưng khi báo cáo trước hội nghị, ngữ khí trang trọng, khiêm tốn).

     4. Vấn đề này tôi (chúng tôi) đã tìm hiểu nhưng chưa được thấu đáo. (nói chuyện trước đông người, thể hiện sự tự tin, trân trọng người đồng thoại).

     5. Tôi xin thay mặt Ban Giám hiệu biểu dương tinh thần vì học sinh của quý thầy cô. (Hiệu trưởng xưng hô với đồng nghiệp là cấp dưới).

     6. Bác với tôi tuổi tác cũng lớn nên nghỉ ngơi. (ngang bằng về tuổi tác, quan hệ hàng xóm hoặc đồng nghiệp).

     7. Thưa thầy Hiệu trưởng, tôi xin báo cáo về tình hình hoạt động của khoa Công nghệ thông tin. (xưng hô với cấp trên, lịch sự, tự tin, dùng trong báo cáo).

     Sự thay đổi cách xưng hô trong tiếng Việt còn biểu thị sắc thái biểu cảm. (chỉ quan hệ tốt lên hay xấu đi). Ví dụ: Quan hệ đang thân mật dùng “tôi” chỉ sự lạnh lùng, tức giận. Trong quan hệ vợ chồng xưng hô bằng “tôi” chỉ sự hờn dỗi, tức giận. Trong quan hệ giữa bố mẹ và con cái, khi người bố hay người mẹ xưng hô “tôi” với con cái, thường mang ngữ khí tức giận, không hài lòng. Ngược lại, trong gia đình con cái không xưng hô “tôi” với ông bà, cha mẹ. Trong giao tiếp xã hội, người nhỏ tuổi không xưng hô “tôi” với người lớn tuổi, có một vài địa phương con cái theo thói quen vẫn xưng “tôi” với ông bà cha mẹ. Trường hợp tự xưng “tao”, “tớ” và xưng hô người đồng thoại là “mày” “mi”, cách xưng hô này chỉ dùng để xưng hô thân mật giữa bạn bè, hoặc xưng hô với người nhỏ tuổi, biểu thị ngữ khí thân mật, cũng có khi chỉ sự tức giận.

     Trong tiếng Việt, ý nghĩa cụ thể của các đại từ chỉ người nói và người nghe thay đổi tùy theo từng tình huống giao tiếp. Người tự ngôn ‘tôi’, người được xưng hô là ‘ông, anh, chị, em, con, chu…’trong câu sẽ có thay đổi vai, các danh từ thn tộc được đại từ hoá và được dùng linh hoạt, đồng thời có thể kiêm nhiệm ở cả ba ngơi, ngôi thứ nhất (vai người nói), ngôi thứ hai (vai người nghe) và ngôi thứ ba (vai người được nói đến). Hiện tượng đa ngôi này chỉ cĩ ở cc từ xưng hô thân tộc

     Trong tiếng Việt, để xưng hô ngôi thứ ba số ít thường kết hợp với các danh từ chỉ người tạo nên ngữ đồng vị, khiến cho người nghe dễ ràng phân biệt được đối tượng nhắc đến, hiện tượng tạo thành ngữ đồng vị không có chức năng phân biệt giống mà chỉ có chức năng miêu tả đoạn lời nói. Ví dụ: các danh từ xưng hô: ông ấy, bà ấy, anh ấy, chị ấy, cô ấy…” trường hợp không xác định dùng “hắn” “y” “” “thị”, trường hợp xưng hô người nhỏ tuổi hơn mình mới dùng “”.

     Do đại từ nhân xưng chính danh tiếng Việt rất ít, và lại không mang sắc thái lịch sự (trừ đại từ nhân xưng “tôi”ngôi thứ nhất ), vì vậy trong tiếng Việt đã sử dụng hệ thống danh từ thân tộc lâm thời làm từ xưng hô. Chính nhờ đặc điểm này, người Việt chỉ thông qua cách xưng hô có thể phân biệt được mối quan hệ giữa họ là thân hay sơ, là quan hệ huyết thống hay quan hệ phi huyết thống… Đồng thời cũng thông qua xưng hô mà biết được sắc thái biểu cảm giữa các bên tham gia đối thoại là: vui, buồn, giận, hờn, khách sáo, thân thiết, xa lạ…

Kết luận

     Trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa, con người không chỉ bó hẹp trong mối quan hệ gia đình, làng xóm. Giao tiếp ngày càng mở rộng khi con người có những nhu cầu cao hơn về giao lưu không chỉ trong nước mà còn cả với bè bạn năm châu.

     Xưng hô không chỉ đơn thuần là vấn đề ngôn ngữ, xưng hô còn là yếu tố văn hóa, là bộ phận quan trọng trong giao tiếp.

    Trong tiếng Việt, do các đại từ nhân xưng chính danh có những hạn chế về sắc thái biểu cảm, nên xưng hô của người Việt phần lớn đều dùng các danh từ xưng hô thân tộc. Chính yếu tố này đã làm cho hệ thống từ xưng hô tiếng Việt trở nên phong phú, nó diễn tả được quan hệ tôn ti, thân sơ trong gia đình, trong xã hội của người Việt. Việc lựa chọn cc từ xưng xưng hô sao cho phù hợp với các vai giao tiếp trên nguyên tắc xưng khiêm hô tôn. Kính trọng, lễ phép, lịch sự với người đồng thoại, khiêm nhường, nhã nhặn đối với bản thân. Đó chính là nét văn hóa mang đậm màu sắc của dân tộc Việt Nam.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dương Thị Nụ (2003), Ngữ nghĩa nhóm từ chỉ quan hệ thân tộc trong tiếng Anh và tiếng Việt, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học.

2. Nguyễn Văn Chiến (1993), Từ xưng hô trong Tiếng Việt, Tạp chí những vấn đề ngôn ngữ học và văn hóa, ĐHSPNN HN.

3. Nguyễn Văn Tu (1996), Về cách xưng hô trong cơ quan nhà nước, đoàn thể,

trường học, TCNN (1), – 11.

4. Nguyễn Thị Tuyết Thanh, (2007), Ngữ nghĩa và ngữ pháp của đại từ tiếng Hán so sánh với lớp từ tương đương trong tiếng Việt, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn ĐH KHXH&NV ĐHQG TP. HCM.

5. Nguyễn Như Ý (1990), Vai trò xã hội và ứng xử ngôn ngữ trong giao tiếp, TCNN 3.

6. Trương Thị Diễm (2002), Từ xưng hô có nguồn gốc danh từ thân tộc trong giao tiếp Tiếng Việt. Luận án Tiến sĩ Ngữ văn. ĐHKHXH&NV ĐHQG TP.HCM.

__________
[1] Nguyễn Thị Tuyết Thanh.2007, luận án Tiến sĩ Ngữ văn. Sách đã dẫn tr.26.

[2] Nguyễn Thị Tuyết Thanh.2007, luận án Tiến sĩ Ngữ văn. Sách đã dẫn tr.37.

[3] Dương Thị Nụ (2003), Ngữ nghĩa nhóm từ chỉ quan hệ thân tộc, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện Ngôn ngữ học. Sách đã dẫn tr.45.

NGUYỄN THỊ TUYẾT THANH *
NGUYỄN THỤY NGỌC QUỲNH **
(* Tiến sĩ, ** Giảng viên Ngành Trung Quốc học -DHQGTPHCM)

10/11/2021

TRƯƠNG HOÀNG LONG SUU7 TẦM VÀ GIỚI THIỆU

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Sự giao thoa văn hóa đầu thế kỷ XX qua trường hợp nhóm Hàn Thuyên (Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh,…)

 




1. Đặt vấn đề

 Văn hóa Việt Nam hiện nay một mặt luôn giữ gìn những tinh hoa truyền thống của dân tộc, một mặt vẫn có sự tiếp biến giao lưu với văn hóa khu vực và quốc tế. Vậy sự tiếp biến đó bắt đầu từ khi nào? Nó thăng hoa vào giai đoạn nào? Lịch sử dân tộc trải qua nhiều biến cố thăng trầm, song hành với những biến cố đó là nhiều sự dịch chuyển của văn hóa, văn học, nghệ thuật. Trong đó, giai đoạn đầu thế kỷ XX từ 1930 đến 1945 có thể xem là thời kỳ có nhiều thay đổi lớn với sự du nhập của nhiều luồng tư tưởng khác nhau trong xã hội. Nhóm Hàn Thuyên ra đời cùng các nhóm phái Hà Thành khác trong giai đoạn bấy giờ như Tri Tân, Thanh Nghị được xem là những “hiện tượng” với nhiều khuynh hướng cách tân, đổi mới. Các thành viên nhóm chủ trương đề xướng xây dựng nền “tân văn hóa” Việt Nam, mong sẽ “kiến thiết được một hệ thống văn hóa mới để làm kim chỉ nam cho hoạt động tiến thủ” và họ tự phong mình là “Nhóm Tân văn hóa”. Các tác phẩm được in ở đây ngoài bìa sách thường có dòng chữ “Tủ sách Tân văn hóa Hàn Thuyên”. Thực hiện tủ sách này, nhóm đề ra tôn chỉ: “Mở rộng con mắt mới, nhìn sự kiện lịch sử cũ, để nói lên những nhận định trào sôi máu hận của mình; học lấy những tiến hóa cuối cùng của người, nhưng cũng phải nhìn rõ cảnh thế khi tính chuyện áp dụng để đuổi theo các nước tiên tiến” (Thụy Khê (2008): 5).

     Với ý nghĩa lịch sử như vậy, chúng tôi tìm hiểu nhóm Hàn Thuyên như một minh chứng cho sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và thế giới đầu thế kỷ XX thông qua chân dung các tác giả Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh,… Đề tài sẽ nhìn nhận tổng thể hoạt động của Hàn Thuyên, từ đó chỉ ra những tư tưởng văn hóa đã bùng nổ, ảnh hưởng đến nhóm nói riêng và các nhóm phái khác trong đời sống xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX nói chung. Đây chính là tiền đề lý giải sự hình thành, tiếp biến, giao lưu văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới từ thế kỷ XX đến thế kỷ XXI.

     Khảo sát toàn bộ tác giả Hàn Thuyên để làm rõ ảnh hưởng hệ tư tưởng Mác-xít đến văn hóa, lối sống của một bộ phận giới trẻ, tác giả Việt đầu thế kỷ XX là một đề tài rộng. Trong giới hạn cho phép, ở bài viết này người viết chỉ đi sâu vào nghiên cứu một số tác phẩm của Lương Đức Thiệp và Nguyễn Đức Quỳnh để chỉ ra sự giao thoa tư tưởng, văn hóa đó. Đây cũng là hai minh chứng nổi bật trong hàng loạt các tác giả tiêu biểu khác của nhóm Hàn Thuyên.

2. Giải quyết vấn đề

     2.1. Giới thiệu nhóm Hàn Thuyên

     Nhóm Hàn Thuyên là một nhóm tư tưởng ra đời trong giai đoạn 1940-1945 – thời kỳ trước chiến tranh với Pháp. Có thể xem đây là một giai đoạn phong phú của văn học tiền chiến. Không những thế, giai đoạn này cũng được gọi là thời kỳ Phục Hưng của văn học Việt như lời của Phạm Thế Ngũ: “Phục Hưng đây không chỉ có cái nghĩa phục cổ mà còn có cái nghĩa phục sinh. Văn học Việt Nam sau 1940 bày ra một cảnh tượng phát sinh rộn ràng và mới mẻ” (Phạm Thế Ngũ (1961): 21). Nhóm này gồm những nhà văn, nhà phê bình, nhà biên khảo có khuynh hướng Mác-xít như: Nguyễn Đức Quỳnh, Lương Đức Thiệp, Trương Tửu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Lạp, Phạm Ngọc Khuê, Nguyễn Hải Âu,… Khác với chủ trương hoài cổ, tìm về quá khứ của Tri Tân; hay cả Âu hóa theo con đường hiện đại, cách tân như Thanh Nghị, Hàn Thuyên chọn cho mình một lối đi riêng, độc đạo, đó là “đi tìm một triết lý mới về nhân sinh có lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại của quốc dân Việt Nam” (Thụy Khê (2008): 7). Các tác phẩm của họ ảnh hưởng bởi triết học Mác-xít. Hàn Thuyên lập nhóm Tân Văn hóa, ra bán nguyệt san Văn mới, lập nhà xuất bản in theo tôn chỉ mục đích đó.

     Ở Hàn Thuyên thể hiện rõ sự phản chiếu của hệ tư tưởng Mác-xít lên nội dung các tác phẩm, tập trung ở hai quan điểm chính: coi lịch sử nhân loại như một tiến hóa sử và đó là lịch sử đấu tranh giai cấp. Họ cho rằng sinh hoạt kinh tế – tức hạ tầng cơ sở – chi phối mọi quyết định thượng tầng cơ sở, nói khác đi: vật chất chi phối tinh thần. Vì thế, các tác giả đề xướng sự tự do trong văn nghệ, phê bình, “Phê bình từ nay, theo tôi muốn, không thể, không nên, chỉ là một sự thưởng thức của từng người. Nó phải là một nghệ thuật, một khoa học, căn cứ vào lịch sử quan, với những luật tâm lý, xã hội, nghệ thuật để nghiên cứu” (Trương Tửu, 4). Thậm chí họ cũng lập luận chống lại những nguyên tắc cổ hủ của Nho giáo, của chế độ phụ quyền và chủ nghĩa anh hùng trong quá khứ, mang đến một cách nhìn mới, lối sống mới cho giới trẻ lúc bấy giờ. Người đọc có thể bắt gặp những tư tưởng này trong các tác phẩm Nguyễn Du và Truyện Kiều của Trương Tửu, Tương lai văn nghệ Việt Nam của Thanh Bình, Xã hội Việt Nam, Việt Nam thi ca luận của Lương Đức Thiệp, Thằng Cu So, Thằng Phượng, Thằng Kình và các chuyên khảo về lịch sử (Thượng cổ sử cận Đông, Gốc tích loài người,…) của Nguyễn Đức Quỳnh.

     Xã hội Việt Nam chấm dứt thời kỳ phong kiến của thế kỷ XIX là kết thúc thời kỳ của trung tâm Nho giáo, của những học thuyết Khổng Mạnh. Bước sang nửa đầu thế kỷ XX, các nhà văn hóa tư tưởng luôn đề xướng sự cách tân, thậm chí cổ súy sự đổi mới có phần lệch pha như tư tưởng Tư bản chủ nghĩa, chủ nghĩa Tượng trưng siêu thực, chủ nghĩa Lãng mạn Pháp,… Điều đó thể hiện ở một số tác giả của nhóm Tự lực văn đoàn (Hoàng Đạo, Nhất Linh), Thơ mới (Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử,…) Nhưng ở chặng cuối của nửa đầu thế kỷ XX, một số nhà tư tưởng lại trăn trở trước văn hóa truyền thống của dân tộc, tìm lại bản ngã dân tộc bằng sự khẳng định những giá trị vốn có. Các tác giả của Hàn Thuyên đã chứng minh rằng, văn hóa Việt Nam có sự giao thoa nhưng không đồng hóa, không bị lệ thuộc Trung Hoa, không bị chi phối bởi Pháp hay bất cứ quốc gia nào khác. Đó là một Việt Nam của đạo thờ cúng tổ tiên bên cạnh tôn giáo Nho, Phật, Đạo du nhập từ nước ngoài, đó là một Việt Nam của văn minh nông nghiệp lúa nước, của tổ chức làng xã, của những địa vị đàn bà,…

     2.2. Kiến tạo một nền “tân văn hóa” khác Nho giáo và luân lý Khổng Mạnh

     Nếu như trước đây các nhà nghiên cứu thường chỉ ra sự chi phối mạnh mẽ của Nho giáo và văn hóa Trung Hoa đến xã hội Việt, thì ở nhóm Hàn Thuyên, các tác giả đã phần nào thay đổi quan điểm đó. Nhiều tác phẩm của Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh đã chứng minh một xã hội riêng, một lối sinh hoạt khác biệt mà trải qua bao thế kỷ Việt Nam không bị tan chìm và đồng hóa trong khối Hán tộc.

     Với chủ trương táo bạo là kiến tạo một nền “tân văn hóa”, Hàn Thuyên đã làm những gì? Người đọc có thể tìm thấy trong các tác phẩm Hàn Thuyên một cách nhìn mới về xã hội Việt Nam được hiện diện qua các lớp nhân vật hoặc hình tượng nghệ thuật riêng. Ở đó, họ lật lại các giá trị được xem là văn hóa truyền thống, nghiên cứu những giá trị đó trong sự đối sánh với Trung Hoa. Đơn cử là Xã hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp. Gạt sang một bên những vấn đề chính trị, cảm hứng chủ đạo của tác phẩm này là khẳng định dân tộc có nền văn hóa độc lập, có lịch sử và có bản sắc riêng, có thể gọi là Việt Nam tính. Ở thế kỷ XIX, những biểu hiện văn hóa và lối sống đều được xem như bản sao phỏng trung thành nền văn minh Trung Hoa. Thậm chí nhiều người còn nghi ngờ tại sao lại định dạng quốc gia Việt Nam bằng một cái tên lai ghép giữa Ấn và Hoa – INDOCHINOISE? Tại sao cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng lại thất bại? Tại sao cuộc cải cách của Hồ Quý Ly lại không thành công? Tại sao triều Quang Trung lại nhanh chóng sụp đổ?… Để trả lời những câu hỏi đó, bộ tứ ra đời nửa đầu thế kỷ XX như Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh, Văn minh An Nam của Nguyễn Văn Huyên và Hiểu biết về Việt Nam của Maurice Durand và Pierre Huard đã góp vào định dạng một hình dung căn bản về Việt Nam. Xã hội Việt Nam hay Việt Nam thi ca luận cũng vậy, sau một thời gian dài bị quên lãng đã được khẳng định trở lại để cùng xác lập bản đồ văn hóa Việt Nam trong tư duy văn hóa thế giới. Lương Đức Thiệp không từ chối sự ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa lên văn minh Việt Nam. Nhưng khi phân tích lần lượt, ông sẽ chứng minh cho người đọc phần ảnh hưởng ấy chỉ trên bề nổi, còn thực chất những phẩm chất của Việt Nam vẫn được giữ lại, vẫn lấy văn minh sinh hoạt làng xã làm căn bản. Không chỉ vậy, Lương Đức Thiệp cũng như các trí thức cùng thời cũng chỉ ra rằng, Nho giáo đã ảnh hưởng đến tinh thần dân tộc, khiến dân tộc phần nào tụt hậu trên đà tiến hóa của nhân loại. Theo tác giả, đó cũng là căn nguyên của sự tụt hậu, bảo thủ của Việt Nam trong hoàn cảnh bấy giờ.

     Cụ thể Lương Đức Thiệp đã luận giải những lý lẽ đó như thế nào? Quyển sách Xã hội Việt Nam chia làm hai phần chính. Phần thứ nhất: Việt Nam tiến hóa sử, phần thứ hai, như chính tên quyển sách: Xã hội Việt Nam. Việt Nam tiến hóa sử phác thảo một cái nhìn căn bản về lịch sử Việt Nam. Trong phần này, luôn có những nhận định về những thời đại, sự kiện, con người. Ví dụ, Lương Đức Thiệp chỉ chấp nhận thời đại Hùng Vương là huyền sử chứ chưa thể tính đến là lịch sử dân tộc; hay, chỗ khác, ông nhìn thấy sự cấp tiến và tính cách mạng của triều đại Hồ Quý Ly như một cơ hội lịch sử bị bỏ lỡ,… Tác giả luôn cố gắng giữ tính trung dung trong các nhận định về lịch sử. Xã hội Việt Nam (phần 2) lại là phần chiếm nội dung chủ đạo của quyển sách. Phần đặc biệt quan trọng này không chỉ quan trọng như một tài liệu lịch sử tham khảo mà còn soi sáng nhiều vấn đề của quá khứ thuộc về văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn như luận giải về địa vị đàn bà, Lương Đức Thiệp chỉ ra cuộc sống thực tế của phụ nữ Việt Nam khác xa phụ nữ Trung Hoa. Nếu xã hội Việt Nam cũng tuân thủ nguyên lý Khổng Mạnh, vậy tất yếu, giống như “Trung Hoa thu nhỏ” đối với đàn bà sẽ rất nghiệt ngã. Nhưng từ cái nhìn bản địa xã hội sinh hoạt và dân tộc học về địa vị người đàn bà trong xã hội Việt Nam, Lương Đức Thiệp cho biết mọi phạm trù thuộc luân lý Khổng Mạnh đã phải “biến đổi theo điều kiện sinh hoạt của xã hội Việt Nam” và “luân lý Khổng Mạnh không đem áp dụng được toàn vẹn trong xã hội Việt Nam”. Phụ nữ Việt Nam từ xa xưa đã xuất hiện Hai Bà Trưng quyền uy mạnh mẽ, một Hồ Xuân Hương thách thức cả đấng mày râu, hay những người phụ nữ vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương trong những cuộc chiến. Những luận giải của Lương Đức Thiệp càng phù hợp với thế kỷ XX – thế kỷ của những cuộc cách tân. Ở xã hội Việt Nam, đàn bà luôn giữ một vai trò rất quan trọng. Địa vị đàn bà được pháp luật, phong tục và nhất là sinh hoạt tự do hàng ngày đảm bảo. Để lý giải về địa vị cao của người đàn bà trong xã hội Việt Nam, Lương Đức Thiệp đã nhìn thấy tính chất kinh tế quy định. Họ có phần làm chủ, là trụ cột kinh tế của gia đình. Lương Đức Thiệp nói rằng, nền thương mại Việt Nam chủ yếu rơi vào tay Hoa kiều và những người đàn bà. Việt Nam trong quá khứ, đó là nền kinh tế mà đàn ông vắng bóng. Mở rộng ra, Lương Đức Thiệp đã nhìn thấy “tính cách bình đẳng của nông dân” Việt Nam. Đó cũng là sự khẳng định “nền dân chủ làng xã” – một đặc điểm nổi trội của “Việt Nam tính” hiểu theo cách của Lương Đức Thiệp nhằm phân biệt với xã hội nam quyền của Trung Hoa. Việt Nam từ xa xưa đã là đất nước của đạo Mẫu, của chế độ Mẫu hệ, vì thế vai trò, địa vị của người phụ nữ luôn được tôn trọng đặc biệt.

     Không đi sâu vào lịch sử chung như Lương Đức Thiệp, các tác phẩm biên khảo và tiểu thuyết của Nguyễn Đức Quỳnh lại tập trung vào phân tích cụ thể những nhân vật, những mối quan hệ trọng yếu để chỉ ra một lối sống Việt Nam khác. Bộ ba tiểu thuyết Thằng Cu So, Thằng Phượng, Thằng Kình có thể xem như bộ “tiểu thuyết chính trị tự luận, tự thuật” về thời thơ ấu của ông ở Hưng Yên. Nhà nghiên cứu Thế Phong giới thiệu: “Nội dung sách là ba anh em cùng học tại một trường Tiểu học ở Hưng Yên cho đến năm mười lăm tuổi. Thời niên thiếu, ba đứa trẻ phải chứng kiến và sống với những cổ tục lạc hậu, mê tín, đầy thù hận ở nông thôn Việt Nam nói chung và nông thôn tỉnh Hưng Yên nói riêng. Thằng Cu So kể về cuộc đời của một thằng bé mới lọt lòng cho đến khi nó lên năm, lên sáu… tất cả là cảnh sống lạc hậu ở nông thôn. Thằng Phượng kể về cuộc đời của Phượng (Cu So con) rời nhà quê lên tỉnh lị – Hưng Yên – biết được chút ít sinh hoạt tỉnh lẻ và cũng bắt đầu suy nghĩ về những sinh hoạt quanh nó mà những suy nghĩ đó cũng thiên về sự chống đối. Thằng Kình kể về cuộc đời của Kình sống giữa xã hội đầy cạnh tranh và những bước va chạm đầu tiên với đời. Ở đây, Kình bắt đầu nghĩ đến việc tranh đấu giữa hai giai cấp: giàu, nghèo. Thằng Kình đại diện cho giai cấp nghèo có tinh thần hướng thượng và nó tự đặt vấn đề: Kẻ nghèo có bị sống nghèo không? Sự xung đột giàu nghèo sẽ ra sao? v.v.1.

     Những xung đột trong bộ ba tiểu thuyết của Nguyễn Đức Quỳnh đã cho thấy sự mâu thuẫn lối sống giữa quá khứ và hiện tại của xã hội Việt Nam. Cái quá khứ đó chính là quá khứ của Nho giáo, của những quan niệm phong kiến cổ hủ, của những quy tắc luận ảnh hưởng từ Trung Hoa. Cuộc sống của giới trẻ đầu thế kỷ XX kể cả những đứa bé như thằng Cu So, thằng Phượng, thằng Kình cũng trở nên xáo trộn, chênh vênh giữa các giai cấp và các luồng tư tưởng cũ – mới. Điều thể hiện rõ nhất của sự chênh vênh đó là tôn giáo. Lương Đức Thiệp cũng có những nhận định táo bạo về vấn đề này: “Sau thêm đạo Lão, đạo Phật, đạo Khổng du nhập, hình thức tôn giáo người Việt Nam lại càng phức tạp và hỗn độn nữa, tựu chung vẫn có một đạo gốc là sự sùng bái tổ tiên cùng hai đạo phụ là đạo Lão và đạo Phật” (Lương Đức Thiệp, 2016). Bàn về các hình thức tôn giáo Việt Nam, Lương Đức Thiệp đã nhấn mạnh đạo thờ tổ tiên là đạo truyền thống của xã hội Việt Nam. Phần còn lại là các tôn giáo du nhập bên ngoài như Nho, Phật, Đạo.

     Như vậy, có thể thấy nền “tân văn hóa” mà Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh và nhiều tác giả Hàn Thuyên đang muốn kiến tạo chính là một nền văn hóa bản địa mang đậm dấu ấn Việt Nam, không trộn lẫn với văn minh Trung Hoa hay các tôn giáo khác du nhập vào đất nước. Dù quá khứ có nghìn năm đô hộ, dù hiện tại có thách thức trước thực dân (đầu thế kỷ XX) nhưng Việt Nam vẫn là một Việt Nam tính có nguồn gốc, có truyền thống lâu đời.

     2.3. Từ triết học Mác-xít đến tư tưởng tự do

     Đối với các nhóm phái Hà Thành nửa đầu thế kỷ XX, mỗi nhóm chịu ảnh hưởng của một hệ tư tưởng nhất định, từ đó các thành viên lấy làm tôn chỉ mục đích và chí hướng giống nhau. Các tác giả Hàn Thuyên chịu ảnh hưởng từ triết học Mác-xít, họ đề cao sự tự do trong phê bình văn nghệ lẫn trong cuộc sống. Vì thế, thông qua sự khẳng định nền văn hóa bản địa của dân tộc, Hàn Thuyên cổ súy sự tự do, dù cá nhân hay đất nước đều cần khẳng định dấu ấn của mình.

     Điển hình ở Lương Đức Thiệp, ông đã biết vận dụng phương pháp xã hội học Mác-xít khi triển khai lập luận, chứng minh. Ông nhấn mạnh rằng mỗi một hình thức kinh tế ấn định một hình thức chính trị tương đương và một khi cái hạ tầng kinh tế biến đổi thì đồng thời thượng tầng kiến thiết chính trị cũng biến đổi theo. Do đó, trong Xã hội Việt Nam, từ việc phân tích đặc trưng kinh tế nông nghiệp, Lương Đức Thiệp dần chỉ ra một số đặc trưng của cấu trúc xã hội, chính trị, tư tưởng Việt Nam qua lịch sử. Căn cứ vào điều kiện thực tại Việt Nam, Lương Đức Thiệp đã nhìn thấy tồn tại trong xã hội Việt Nam cổ truyền là vấn đề đẳng cấp (caste). Ở chỗ khác để nói rõ, ông dùng xã hội Ấn Độ với đặc điểm “phân ra nhiều đẳng cấp chủng tính (castes)” (chú ý nhấn mạnh từ “chủng tính”) chứ không phải chỉ giai cấp (classes) nhấn mạnh yếu tố kinh tế khi chỉ về xã hội truyền thống Việt Nam2. Thế kỷ XX phải là thế kỷ không có sự phân biệt giai cấp hay đẳng cấp, không phân biệt nam quyền hay nữ quyền, tất cả phải bình đẳng. Con người được tự do bộc lộ tâm tính và nhu cầu. Nói rộng ra, văn hóa của một dân tộc cũng phải là văn hóa bản địa riêng, không phụ thuộc vào bất cứ dân tộc nào khác. Văn minh Việt Nam không giống với văn minh Trung Hoa hay Ấn Độ, đó là một nền văn minh khác biệt phù hợp với vị trí địa lý và môi trường sống riêng của người Việt.

     Nguyễn Đức Quỳnh cũng như vậy, ảnh hưởng chính trị của ông thể hiện rõ ràng trên nếp suy nghĩ, trên thái độ sống của các nhà văn, nhà thơ và nhà báo, với ý thức về sứ mạng của mình – hoặc dùng những chữ như ông thường nói, là ý thức về thân phận của mình. Đó là thân phận người trí thức văn nghệ trong xã hội, trong một dân tộc gọi là “nhược tiểu”, mà ông thường ví với thân phận cô Kiều3. Nhiều nhà văn, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và các ký giả tiếp xúc với Nguyễn Đức Quỳnh rồi vì ảnh hưởng của ông nên tin tưởng rằng người văn nghệ phải giữ vai trò độc lập trước mọi thế lực chính trị, kinh tế. Ông cũng luôn luôn nhắc nhở người văn nghệ phải “sống hết mình với nghệ thuật”, đề cao trách nhiệm của mình đối với xã hội, ngay cả khi phải lựa chọn giữa miếng cơm manh áo, gia đình, và sứ mạng theo đuổi con đường văn nghệ. Đây cũng chính là tôn chỉ hoạt động của Hàn Thuyên nói chung khi đề xướng tự do tuyệt đối cho văn nghệ.

3. Kết luận

     Có thể thấy, xuất phát từ hệ quy chiếu chủ nghĩa Mác-xít, các tác giả Hàn Thuyên nói chung và Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh nói riêng đã vận dụng triệt để trong các sáng tác của mình, chứng tỏ hạ tầng cơ sở chi phối mọi quyết định thượng tầng cơ sở, hay nói cách khác: vật chất chi phối tinh thần. Với người Việt, các biểu hiện về vật chất là kim chỉ nam quyết định những biểu hiện về tâm sinh lý và lối sống. Tất cả cho thấy tinh thần của người Việt từ xưa đến nay là một Việt Nam tính, không hề trộn lẫn hay đồng hóa với tư tưởng Trung, Ấn. Người Việt có cả tôn giáo riêng, không lấy Nho giáo làm quốc giáo như Trung Hoa, không phụ thuộc Phật giáo như Ấn Độ, Việt Nam thuộc về cái gọi là đạo thờ tổ tiên, gần gũi hơn cả với cơ tầng Đông Nam Á bản địa. Không những thế, người Việt cũng có những phong tục riêng gắn liền với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, có kiến trúc nhà cửa khác biệt, có và cơ cấu nền tảng của làng xã, gia đình,… tất cả phù hợp với quy mô của đất nước.

     Đặc biệt là một tính cách Việt Nam riêng, là những “địa vị đàn bà”, là đạo Mẫu, những gia phong nề nếp, những lề thói, những đòi hỏi tự do táo bạo của giới trẻ khi đối diện với mâu thuẫn giai cấp,… Giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử cũng chính là giai đoạn bộc lộ rõ nhất những tính cách đó. Hàn Thuyên một mặt vừa chứng minh một sự giao thoa văn hóa của dân tộc với các tầng văn hóa khu vực và thế giới, một mặt lại làm rõ những đặc điểm nguồn cội, truyền thống của văn hóa Việt Nam từ xưa nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Sách
1. Phạm Thế Ngũ (1961). Việt Nam văn học sử giản ước tân biên. Quốc học.

2. Thụy Khê (2008). “Con đường tư tưởng của Trương Tửu và nhóm Hàn thuyên”. Tạp chí văn học, số tháng 10.

3. Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và biên soạn (2009). Trương Tửu: Tuyển tập văn xuôi. Hà Nội: Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.

4. Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh sưu tầm và biên soạn (2007). Trương Tửu: Tuyển tập nghiên cứu phê bình. Hà Nội: Lao động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.

5. Lương Đức Thiệp (2016). Xã hội Việt Nam. NXB Trí Thức.

     Websites
6. Đỗ Lai Thúy (2005), “Nguyễn Du và Truyện Kiều dưới cái nhìn của Trương Tửu”, Nguồn: Tạp chí Tia sáng, http://tiasang.com.vn/-van-hoa/nguyen-du-va-truyen-kieu-duoi-cai-nhin-cuatruong-tuu-1505; Ngày đăng: 22/12/2005.

7. Nguyễn và bạn hữu (tổng hợp) (2018), “Nguyễn Đức Quỳnh trong ký ức một lớp nhà văn”, https://baotreonline.com/nguyen-duc-quynh-trong-ky-uc-mot-lop-nha-van/.

8. Tần Tần (2016), “Sự nghiệp Lương Đức Thiệp: Những giá trị đã qua thử thách”,
https://news.zing.vn/su-nghiep-luong-duc-thiep-nhung-gia-tri-da-qua-thu-thachpost703223.html.

9. Đỗ Quý Toàn (2015), “Tưởng nhớ Nguyễn Đức Quỳnh”,
https://www.diendantheky.net/2015/02/o-quy-toan-tuong-nho-nguyen-uc-quynh.html.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay. ISBN: 978-604-73-7135-8.
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ  trang 690 đến trang 696)

TPHCM. 10/11/2021

TRƯƠNG HOÀNG LONG SƯU TẦM VÀ GIỚI THIỆU

VĂN HOÁ GIAO TIẾP của NGƯỜI NAM BỘ qua TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH – MỘT GÓC NHÌN                                                             ...