Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

BÌNH DIỆN VĂN HÓA CỦA VĂN HỌC VÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC TỪ VĂN HÓA HỌC






BÌNH DIỆN VĂN HÓA CỦA VĂN HỌC

VÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC TỪ VĂN HÓA HỌC

 

PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh

     

Văn học là một hiện tượng văn hóa, những tác phẩm văn học lớn tiêu biểu cho những giá trị văn hóa dân tộc, “cốt tính” dân tộc. Chúng ta đều thấy hiện tượng những vị tổng thống Hoa Kì, khi đến Việt Nam trong các phát biểu thường dẫn những câu thơ Kiều hoặc nhắc đến nhà thơ Hồ Xuân Hương; khi sang Nga họ thường nhắc đến L. Tolstoi, M. Dostoevsky. Đó không phải là sự “ngẫu hứng“, đó là sự tôn trọng rất cao đối với văn hóa nước chủ nhà và sự ứng xử lịch lãm, rất văn hóa. Văn học như vậy là một hiện tượng văn hóa đặc biệt.

      Trong nghiên cứu, phê bình những năm gần đây chúng ta thấy nổi lên những xu hướng tiếp cận bình diện văn hóa trong tác phẩm văn học, văn hóa thành đối tượng chính để các nhà nghiên cứu, phê bình văn học  phân tích: Nữ quyền luận, Sinh thái học, Nhân học văn hóa, kí hiệu học văn hóa trong phân tích văn học. Đã ra mắt những công trình đáng chú ý của các nhà nghiên cứu như: Trần Lê Bảo, Trần Nho Thìn, Đỗ Lai Thúy, Lê Nguyên Cẩn…với việc xem xét các hiện tượng  văn học từ góc nhìn văn hóa, trong đó có các tác phẩm lớn của văn học Việt Nam: Truyện Kiều, Thơ Hồ Xuân Hương…(1). Bài viết này xem xét phương diện lí thuyết của vấn đề, tức là mối quan hệ giữa văn học với văn hóa và phương pháp tiếp cận văn hóa học đối với tác phẩm văn học.

     1/ Văn học trong văn hóa

Văn học và văn hóa quan hệ với nhau như bộ phận và toàn thể vì thế như cái hẹp với cái rộng, cái “trên” với cái “dưới”. Trong văn hóa có những nội dung không có trong văn học - một hiện tượng nghệ thuật ngôn từ; nội dung ấy là dấu hiệu chủ yếu phân biệt văn hóa và văn học. Để hiểu sự khác biệt trước tiên cần thấy cái chung của chúng đã.

     Văn hóa và văn học đều tồn tại như một hiện tượng của ý thức xã hội và là sự biểu hiện của tinh thần. Nói cách khác chúng đều có tính xã hội về hình thức và nội dung tinh thần, những hiện tượng không thuộc về xã hội, không có ý nghĩa tư tưởng không phải là văn hóa. Văn hóa và văn học đều thể hiện như hệ thống kí hiệu mang nội dung tâm lí, tư tưởng, trong đó kíí hiệu của văn học là ngôn ngữ- lời nói (ngôn lời) của con người.

      Văn hóa và văn học đều là những hiện tượng thông tin. Hoạt động phổ quát nhất ở các sinh vật bậc cao là hoạt động thông tin. Nếu chúng ta nhất trí rằng văn học là một loại nghệ thuật thì nó sẽ nằm trong một chuỗi sau đây, từ  phạm vi rộng đến phạm vi hẹp, cái sau lồng vào trong cái trước kiểu búp-bê Nga: Thông tin- Văn hóa- Nghệ thuật- Văn học. Hãy xem xét từng khâu của chuỗi này ta sẽ thấy mối quan hệ của chúng, thấy cái nào là bộ phận hợp thành của cái nào.  Đầu tiên là mối quan hệ Thông tin - Văn hóa. Thông tin là sự phản ánh hiện thực nhờ tâm lí hoặc ý thức Ở các sinh thể thuộc loại tiền tâm lí không có hoạt động thông tin, chỉcó những phản xạ thô sơ, có tính lí hóa và tiền sinh học đối với hiện thực. Một số động vật bậc thấp có phản xạ mang tính bản năng. Thông tin là sự phản ánh bậc hai, tích cực (bậc một có tính năng lượng, bản năng), không tồn tại khi chủ thể mang không có sự xử lí thông tin. Vậy chủ thể mang thông tin chỉ có thể là những động vật có hoạt động tâm lí và con người. Cấp độ thấp của thông tin là thông tin của những module sinh học, cấp độ cao là thông tin tinh thần - xã hội,  tức là văn hóa. Mọi hiện tượng văn hóa đều là thông tin, nhưng không phải mọi hiện tượng thông tin đều là văn hóa. Thông tin không phải văn hóa là sự phản ánh thế giới nhờ thứ tâm lí phi ngôn ngữ, vì thế chủ thể văn hóa chỉ có thể là con người. Văn hóa mang trong mình toàn bộ các hình thức hoạt động xã hội và tinh thần của con người. Chỉ có các hoạt động có tính bản năng (tự nhiên) ở con người mới không nằm trong lĩnh vực văn hóa.

   Quan hệ tiếp theo: Nghệ thuật – Văn học. Một trong những thành phần của văn hóa là nghệ thuật. Bản chất của nghệ thuật là tính thẩm mĩ, kết quả của sự tương tác hình tượng, hình tượng nghệ thuật chỉ có thể được tạo nên từ ngôn ngữ trực tiếp hoặc tựa vào ngôn ngữ. Nói chung nghệ thuật có thể gọi là nghệ thuật ngôn ngữ. Ngôn ngữ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, tức các kí hiệu được tổ chức theo những quy tắc ngôn ngữ- lời nói (ngôn lời). Mọi tác phẩm nghệ thuật (điêu khắc, kiến trúc, hội họa, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn học…) đều có tính chất ngôn ngữ hoặc là tác phẩm của nghệ thuật ngôn ngữ.  Tại sao như vậy? Vì ngôn ngữ gắn liền với tư duy, tư duy là tư duy bằng ngôn ngữ, không có tư duy ngoài ngôn ngữ. Ngôn ngữ có hình thức hiển ngôn (được nói ra) và tiềm ngôn (nghĩ thầm). Các lí thuyết triết học- ngôn ngữ trên cơ sở thực nghiệm và nghiên cứu lịch sử loài người đã đi đến những kết luận như vậy. Con người hình dung, phản ánh thế giới theo những mô hình, những nguyên tắc của hệ thống ngôn ngữ, Văn hóa như vậy có tính ngôn ngữ về bản chất, tất cả các hiện tượng văn hóa (trong đó có nghệ thuật) đều có “tính ngôn ngữ” với những mức độ khác nhau. Chính vì thế mà trong số các nghệ thuật, ưu thế vẫn là văn học- một thứ nghệ thuật đích thực, “thuần khiết” ngôn từ. Vì thế, theo cách diễn đạt quen thuộc, người ta có sự phân biệt ít nhiều khi nói “văn học và nghệ thuật” mặc dù văn học cũng là một loại nghệ thuật. Văn học là loại nghệ thuật ngôn ngữ trực tiếp các loại nghệ thuật khác có tính chất ngôn ngữ gián tiếp. Trong hệ thống phân cấp của mĩ học truyền thống (cổ điển) so với các loại nghệ thuật khác nó có ưu thế hơn hẳn, xếp gần với tư tưởng và triết học (ở thứ bậc cao nhất), cũng vì thế các thể loại sử thi ưu thế hơn thơ trữ tình, tiểu thuyết triết học ưu thế hơn các loại tiểu thuyết khác.  Trong cơ cấu văn hóa, có sự khác biệt giữa văn học và triết học, cái sau mang tính tiên phong, có vai trò quan trọng trong quy định phẩm tính của văn hóa. Ta hãy nhớ đến triết học Nho giáo, Phật giáo đã tạo ra nền văn hóa Nho giáo, văn hóa Phật giáo bao trùm, chi phối các lĩnh vực khác và tạo căn rễ sâu xa trong suốt hàng ngàn năm của xã hội nước ta như thế nào. Vì thế ở một phương diện nhất định có thể nói triết học cao hơn văn học và nói chung với cả các nghệ thuật khác. Điều ấy là cơ sở để cho sự phân loại văn hóa thành Văn hóa hình nhi Thượng và Văn hóa hình nhi Hạ. Cái thứ nhất được tạo nên bởi các nhà tư tưởng, là hoạt động trí tuệ, cái sau được tạo nên bởi các hoạt động xã hội: chính trị, luật pháp khoa học, nghệ thuật, tôn giáo…

       2/ Văn hóa “trong” văn học

Nói tóm tắt nhất thì mỗi văn bản văn học có ba phương diện (đối tượng) văn hóa:

    Thứ nhất: Văn bản văn học phản ánh toàn bộ đời sống cộng đồng dân tộc trong đó văn hóa như phần hợp thành quan trọng nhất. Chẳng hạn dễ thấy nhất là các chủ đề, đề tài văn hóa (vấn đề “khai sáng”, tông giáo,  quyền của người phụ nữ…), sinh hoạt văn hóa như tập tục, lễ hội, lối sống của một cộng đồng, một thời đại nào đó.

     Thứ hai: Ngôn ngữ với tư cách là chất liệu tạo nên văn bản văn học là một trong những hiện tượng văn hóa quan trọng nhất. Chẳng hạn: các biểu tượng văn hóa, lời ăn tiếng nói dân gian hay bác học của nhân vật, cả các hình thức thể loại, các kiểu cốt truyện…, như sự “kết tinh” văn hóa trong không gian và thời gian nhất định.

     Thứ ba: Văn bản văn học khi được công chúng tiếp nhận đã ảnh hưởng, tác động xã hội, đến tâm lí, sở thích cá nhân và cộng đồng, đôi khi tạo nên cả những phong trào xã hội. Hoạt động của nó cũng là một hiện tượng văn hóa.

     Dưới đây xin diễn giải rõ hơn:

Văn học phản ánh truyền thống văn hóa của dân tộc, tộc người này hay khác. Văn học như  bức tranh có tính dân tộc về thế giới phản ánh đặc thù tư duy dân tộc trong tiếp nhận thế giới xung quanh thể hiện qua các chủ thể đại diện của nền văn hóa này hay khác. Mọi thông báo về văn hóa trong tác phẩm văn học đều gồm hai phương diện lớn: thứ nhất là văn hóa trong nội dung mô tả; thứ hai trong “kĩ năng sáng tạo”. Các yếu tố trong nội dung văn học, tức những đối tượng văn hóa được mô tả gồm: các phong tục như là truyền thống văn hóa được minh định trong đời sống xã hội, các nghi lễ, lối sống hàng ngày, các mã văn hóa. Sáng tác văn học cho thấy một bức tranh “hồn nhiên” về hiện thực dân tộc với sự đầy đủ trọn vẹn, khác với các nghiên cứu khoa học xã hội (sử học, dân tộc học…) chỉ cho ta thấy những “sơ đồ” về đời sống. Như vậy giữa văn hóa và văn học có mối quan hệ thực tế và chúng ta có thể tin chắc rằng việc nghiên cứu, giảng dạy văn học Việt Nam sẽ cho thấy văn hóa Việt Nam với đặc thù dân tộc và phổ quát nhân loại. Nhà phê bình, nhà giáo văn học như người trung gian giúp người đọc, học sinh nhận ra những phương diện văn hóa tiềm ẩn trong văn bản văn học.

     Ở mỗi văn bản văn học là một thế giới nghệ thuật (hiện thực xã hội, con người) hoàn chỉnh thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn, mà quan niệm về con người là yếu tố trung tâm dẫn dắt tất cả những yếu tố hợp thành của tác phẩm. Vì thế, hệ thống nhân vật trong tác phẩm có “tỉ trọng” văn hóa lớn hơn hẳn những thành phần nghệ thuật khác của tác phẩm.   Thế giới nghệ thuật được xây dựng theo những quy luật giá trị phù hợp với người sáng tạo ra nó. Trong hiện thực nghệ thuật, nhân vật mang trong mình những đòi hỏi của văn hóa xã hội thời đại, đáp ứng những đòi hỏi tinh thần bên trong của nó.. Tinh thần thời đại, những chuyển động, trạng thái xã hội  được khúc xạ trong quá trình tâm lí, phức tạp thâm nhập vào cá nhân nhân vật. Mỗi nhân vật điển hình lớn có thể tiêu biểu cho cả một thời đại văn hóa, một loại hình văn hóa. Mỗi thời đại có kiểu nhân vật tiêu biểu, như là mẫu hình văn hóa của thời đại mình. Chẳng hạn mẫu nhà Nho tài tử Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh) là sản phẩm của đô thị phong kiến Việt Nam cuối tk. 18 – tk.19; mẫu hình người chí sĩ yêu nước-duy tân đầu tk.20

        Thế giới nghệ thuật của tác phẩm luôn toàn vẹn. Hình ảnh thế giới toàn vẹn thể hiện với tư cách ước lệ nghệ thuật được tạo nên bởi lời, nhân vật, sự kiện, những bức tranh. Khi tiếp cận văn học từ văn hóa học, ta xem mỗi tác phẩm như “mô hình thế giới của tồn tại”, trong mỗi hình tượng nhân vật ta nhìn thấy những kiểu và những mẫu người văn hóa và loại hình văn hóa tạo nên mẫu người văn hóa ấy, môi trường mà con người ấy sống và hoạt động. Thế giới nghệ thuật cũng được xây dựng theo những quy luật giá trị phù hợp với người sáng tạo ra nó là nhà văn. Hiện thực xã hội, những đòi hỏi của văn hóa xã hội thời đại. Tinh thần thời đại, những chuyển động, trạng thái xã hội  được chủ quan hóa, khúc xạ trong quá trình tâm lí, phức tạp thâm nhập vào các nhân vật của tác phẩm.

      Thể loại văn học phản ánh gián tiếp quan điểm cá nhân, tất cả các yếu tố của tác phẩm đều liên quan với nó: tính chất các xung đột, sự phát triển cốt truyện, cả hệ thống hình tượng. M. Bakhtin cho rằng thể loại là nhân vật chính của văn học, sự ra đời và tồn tại của nó có cơ sở ở văn hóa thời đại. Văn hóa thời cổ đại của những công xã thị tộc bộ lạc cho ra đời những thể loại thần thoại, những cuộc chiến tranh giữa chúng làm xuất hiện những anh hùng ca như Illiat của Homer. Rõ ràng là những tiểu thuyết phiêu lưu xuất hiện ở thời Phục hưng liên quan đến những chuyến đi chinh phục những miền đất mới của những đứa con của chủ nghĩa tư bản tiền kì.

     Nói đến sáng tác văn học là nói đến vật liệu của nó là ngôn từ của tác phẩm.Thời gian gần đây có sự bùng nổ việc nghiên cứu ngôn ngữ như một trong những hình thức phản ánh văn hóa; theo ngôn ngữ mà phán đoán về một đặc điểm của văn hóa, tính dân tộc. Hệ thống ngữ nghĩa phản ánh quan niệm đặc thù của hiện thực khách quan và thế giới chủ quan của người mang nó và như vậy những hiện tượng ngôn ngữ “khác thường” được xử lí như các hiện tượng văn hóa dân tộc. Đã có nhiều công trình nghiên cứu xem xét ngôn ngữ với những đặc điểm của tính cách dân tộc, của những lối tư duy, của văn hóa, so sánh những nền văn học khác nhau, những thời đại khác nhau, để thấy mức độ phát triển của những nền văn hóa khác nhau, và truyền thống của chúng. Như vậy ngôn ngữ không chỉ được nhìn như một hệ thống kí hiệu, như phương tiện truyền và nhận thông tin mà như mã văn hóa của dân tộc, tức đặt vấn đề xem văn bản văn học như sự biểu đạt mã văn hóa.. Văn bản văn học có tính thẩm mĩ, cảm xúc, ý nghĩa cao, tính biểu tượng, ý nghĩa hình tượng - biểu tượng trong văn hóa, cũng phản ánh đặc tính dân tộc, tinh thần và thế giới quan của dân tộc. Vì thế tác phẩm văn học nghệ thuật nhận được sự quan tâm lớn để tìm hiểu đặc thù văn hóa dân tộc. Đặc điểm riêng biệt của ngôn ngữ văn học là sử dụng các phép chuyển nghĩa, những hình ảnh của lời nói: các ẩn dụ, so sánh, hình dung ngữ, những lặp lại, trò chơi ngôn ngữ, nói lái…,chúng làm cơ sở cho sự đa nghĩa của từ. Chính văn bản văn học bao hàm toàn bộ sự đa dạng của các kiểu loại lời nói.  Văn bản văn học được xây dựng theo tư duy liên kết hình ảnh, chất liệu đời sống được cải tạo thành :”những trò chơi trí tuệ đẹp đẽ” theo quan điểm và ý đồ của tác giả. Vì thế phía sau những bức tranh hình ảnh đời sống luôn có bình diện siêu liên kết,  một thứ“hiện thực thứ hai”, hiện thực toàn vẹn thể hiện tư tưởng hệ. Tác giả kể chuyện bằng việc sử dụng những hình ảnh về thế giới các sự vật, biểu thị ý thức về lịch sử, mĩ học, nghệ thuật đối với hiện thực. Trong quan hệ này, tác giả có vai trò như người thể hiện tinh thần thời đại mình, thể hiện sự tổ chức thế giới trong một nền văn hóa này hay khác, người thể hiện và lưu giữ truyền thống, tập tục, folklore, lịch sử, những bộ phận không thể tách rời của chính bản thân văn hóa và sự tồn tại của tộc người.  Từ đó có thể xem văn bản văn học như “bình chứa” văn hóa đồng thời như một thành tố văn hóa.

     Như vậy, bằng việc ghi lại thông tin văn hóa-lịch sử, cùng với thời gian văn bản văn học được xem như tư liệu lịch sử, như chứng nhân của thời đại, bằng chứng của đời sống nhân dân, như kí ức văn hóa, như kinh nghiệm của các thế hệ đi trước. Văn bản văn học  thành sợi chỉ nối liền kinh nghiệm xã hội- lịch sử, kinh nghiệm thẩm mĩ nghệ thuật, đảm bảo sự phát triển văn hóa loài người trong không gian văn học. Lịch sử văn hóa loài người trong không gian văn học thể hiện như quá trình bảo lưu và sinh sôi các văn bản văn học mới. Như vậy văn bản nghệ thuật được nhìn nhận như  hiện tượng văn hóa, trong đó thể hiện sáng rõ nhất đặc tính đa dạng của ngôn ngữ và văn hóa, thông tin lịch sử, bức tranh được biểu đạt của thế giới.

     3/  Phân tích văn hóa học tác phẩm văn học

     Nghiên cứu văn học với bối cảnh văn hóa

        Phương diện quan trọng nhất của việc nghiên cứu tác phẩm là vấn đề quan hệ của nó với ngữ cảnh văn hóa trong đó nó hoạt động. Ngữ cảnh, trong những điều kiện xuất hiện và tồn tại tác phẩm, phản ánh phạm vi hiểu biết văn hóa của tác giả và những điều kiện trực tiếp ảnh hưởng đến yếu tố nội dung được sáng tạo ra hoặc đặt ra trong tác phẩm. Khi nghiên cứu các hiện tượng văn học trong ngữ cảnh văn hóa điều quan trọng là đặt mình, sự tồn tại tinh thần của mình vào ngữ cảnh văn hóa, cùng sống trong môi trường văn hóa. Khi đó, ta thấy được quan hệ biện chứng của văn học và văn hóa: tác phẩm được hiểu như hiện tượng văn hóa, còn văn hóa được hiểu như môi trường tồn tại của tác phẩm. Khi tác phẩm nằm trong bối cảnh, nó chìm vào các đối thoại văn hóa, đối thoại giữa các ý thức. Tác phẩm thể hiện như các hình thức giao tiếp được ghi lại, tách khỏi bản thân tác giả. Chính trong chiều kích này, tác phẩm là hình thức giao tiếp văn hóa. Tác giả tạo ra tác phẩm không phải để cho các nhà nghiên cứu hay giảng dạy văn học mà để giao tiếp với người đọc, một chủ thể khác.  Tác phẩm văn học do nhà văn sáng tạo ra nhưng mỗi lần lại được thời sự hóa trong văn hóa đương đại nhờ sự đọc của các thời đại sau, quá khứ một mặt đi vào trong văn hóa sốt dẻo đương thời, mặt khác, kinh nghiệm đương thời soi chiếu quá khứ làm bộc lộ nhiều mặt hơn hơn và đánh giá nó sâu sắc hơn. Thế giới bên trong của tác phẩm nghệ thuật mang trong mình môi trường ngoài văn bản. Sự giao tiếp của thế giới trong và ngoài văn bản văn học thông qua các kí hiệu được tổ chức nhằm định hướng cho người đọc trong việc xác lập những quan hệ tiềm tàng giữa các hình tượng trong văn bản văn học với hiện thực bên ngoài.     

      Nghiên cứu các cấu trúc văn học theo văn hóa học

      Sự tiếp cận của các nhà văn hóa học đối với tác phẩm văn học về phương diện văn hóa bao gồm cả sự xem xét những quá trình liên quan đến sáng tạo văn bản văn học, tức nghiên cứu thi pháp của nó. Cách tiếp cận như vậy cho phép kết hợp nghiên cứu văn hóa và phân tích ngữ văn. Nghiên cứu ngữ văn học (thi pháp học) và nghiên cứu văn hóa học tác phẩm văn học không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau, có khi như một quá trình chuyển hóa tiếp nối. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc cho ta một thí dụ hay về vấn đề này. Ông nghiên cứu thơ Đường và phát hiện ra đặc sắc thi pháp của nó là “thi pháp tối giản”: tối giản về số từ, (chỉ cần nắm được một số từ khá hạn chế là đọc được toàn bộ thơ Đường) số câu, việc sử dụng hình ảnh, cấu trúc (toàn những cấu trúc đối lập). Đấy là phương diện ngữ văn học của nó. Cái tối giản này là do đâu? Theo ông là do quan điểm mĩ học và triết học của Phật giáo Thiền. Tinh thần Thiền chi phối toàn bộ nghệ thuật thời Đường trong đó có văn học. Và đấy là phương diện văn hóa học của nó.

      Nhà nghiên cứu văn học khi nghiên cứu bình diện ngữ văn học có thể xem xét các phạm trù như: khuynh hướng, phong cách, thể loại, cốt truyện, motif, ngôn ngữ, hình tượng nhân vật. Qua đó có thể quan sát được những biến chuyển, cải biến, chuyển hóa của các tác phẩm, thể loại, khuynh hướng văn học trong không gian và thời gian lịch sử. Nhưng tác phẩm văn học không phải là văn bản văn học thuần túy, không phải chỉ là “hệ thống kí hiệu” im lìm, nó cần được hiểu. Chỉ trong hoạt động tiếp nhận, diễn giải, tức là thực hành giao tiếp giữa nhà văn (người tạo lập văn bản với ngôn ngữ và mã của nó) với độc giả (người tiếp nhận, diễn giải, thông hiểu) mới tạo nên tác phẩm.

      Nghiên cứu dịch văn học như hoạt động giao lưu văn hóa

    Các tác phẩm văn học đóng vai trò quan trọng trong đối thoại văn hóa, phản ánh tính cách dân tộc và sự đồng nhất dân tộc. Vai trò này đặc biệt rõ khi dịch nó sang một ngôn ngữ khác, khi nó hoạt động trong một nền văn hóa khác. Trong văn cảnh ấy cho phép bộc lộ trạng thái của ngôn ngữ dân tộc, những quan điểm văn học, nghệ thuật, thẩm mĩ nơi tác phẩm nguồn được sáng tạo ra., bức tranh tinh thần và đời sống trí tuệ của nền văn hóa. Hoạt động của bản dịch một tác phẩm văn học của nước ngoài trong nền văn hóa tiếp nhận như một sự kiện, như tấm gương phản ánh đặc thù một nền văn hóa cụ thể, cuộc sống của nó, của những con người đại diện của nền văn hóa ấy: những cá nhân sáng tạo, những nhà hoạt động lịch sử. Dịch phẩm văn học là nơi giao tiếp rõ ràng nhất của hai nền văn hóa. Tác phẩm văn học dịch như một phần của văn hóa dân tộc này thâm nhập vào nền văn hóa dân tộc khác, làm giàu thêm và góp phần phát triển nó. Nhờ dịch thuật, tác phẩm văn học thành người chuyển phát thông tin văn hóa có trong tác phẩm vào nền văn hóa khác. Tác phẩm văn học là sự liên kết đối thoại văn hóa, có vị trí cực kì quan trọng trong việc trao đổi các giá trị văn hóa, tinh thần giữa các dân tộc. Việc dịch thuật văn học là phương tiện quan trọng kiến tạo liên dân tộc đầu tiên, không có việc dịch thuật không có các quan hệ văn học, không có đối thoại văn hóa. Đó trước hết được xem như trao đổi mĩ học liên văn hóa, đối thoại giữa các nền văn hóa lớn, trao đổi qua lại những mô hình thế giới nghệ thuật khác nhau được tạo nên bởi các tác giả và cả những dịch giả. Những năm gần đây, dịch thuật đã thành đối tượng của văn hóa học, người ta nhấn mạnh vai trò của nó đối với sự phát triển của văn hóa, thẩm mĩ và ngôn ngữ dân tộc. Một văn bản nghệ thuật có nhiều phương án dịch, thậm chí có thể nói hầu như là vô hạn, vì thế việc cùng tồn tại vài bản dịch của một tác phẩm cùng một ngôn ngữ là chuyện bình thường. Chẳng hạn ta hãy nhớ đến tác phẩm Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu  với rất nhiều bản dịch sang tiếng Việt. Sự đa dạng của các bản dịch trước hết chứng tỏ tác phẩm rất có ý nghĩa đối với nền văn học tiếp nhận. Mỗi bản dịch tất nhiên không tránh khỏi có dấu ấn cá nhân của dịch giả, phân biệt nó với các bản dịch khác về ảnh hưởng, giá trị. Điều này phụ thuộc vào trình độ văn hóa, vốn ngôn ngữ và xúc cảm của dịch giả và độc giả (các chủ thể tiếp nhận) đối với các tình huống được mô tả trong tác phẩm. Văn học Việt Nam phát triển đến như hiện nay phần rất quan trọng của hoạt động dịch thuật các tác phẩm từ những nền văn hóa lớn: Trung Quốc, Pháp, Nga, Mĩ. Những tác phẩm dịch sống đời sống riêng của mình song song với nguyên tác, ở một nền văn hóa khác, trong môi trường khác, có những chức năng khác. Việc tồn tại các bản dịch khác nhau chứng tỏ sự đối thoại văn hóa là hết sức đa dạng./.

 

   CHÚ THÍCH

1/ Một số công trình đáng chú ý đã xuất bản:

 -  Đỗ Lai Thúy, 2000, Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Nxb. Văn hóa Thông tin.

    -Trần Lê Bảo, 2011: Giải mã văn học từ mã văn hóa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

       -Lê Nguyên Cẩn, 2012, Tiếp cận Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa, Nxb. Thông tin – truyền thông, Hà Nội.

      -Trần Nho Thìn, 2018, Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu, giảng dạy văn học, Nxb. Giáo dục.


TPHCM, 31/12/2020

TRƯƠNG HOÀNG LONG SƯU TẦM VÀ GIỚI THIỆU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VĂN HOÁ GIAO TIẾP của NGƯỜI NAM BỘ qua TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH – MỘT GÓC NHÌN                                                             ...