Giọng văn mộc mạc, chân thành, giao thoa ký và truyện, sưu khảo và du khảo. Giữa những lời kể chuyện dung dị, bay lên những câu thơ thiền, khúc dạ cổ hoài lang, bài dân ca Nam Bộ, nhạc boléro buồn nỗi "mưa khuya hắt hiu"…
Hơn mười năm trước, thôi việc nước, Trần Bảo Định trở về nhà mà vẫn dành thời gian lang thang ở những miệt rừng tràm, rừng đước. Và một ngày mỏi gối chồn chân, ông ngồi vào bàn viết vì không muốn "sương thời gian che khuất bao chuyện đời nơi chốn quê nhà".
Như lời giới thiệu trân trọng của Trần Tuấn Mẫn, "Bông trái quê nhà" (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) là cuốn sách thứ mười của Trần Bảo Định, ở thể loại truyện và ký, chưa kể sáu tập thơ, sau gần mười năm cầm bút. Đã trả nợ cho những kiếp ba khía, đời bọ hung và phận lìm kìm, giờ đây Trần Bảo Định trả ơn cho hoa quả đồng bằng quê hương, nơi ông sinh ra, lớn lên, hít thở khí trời và ngang dọc một thời tuổi trẻ.
Xin kể ra không thiếu sót một sản vật trân quý nào: bông vạn thọ làng Mỹ Thiện; trái vú sữa Lò Rèn xanh bóng, vú sữa Phong Điền tím than; cây khóm Long An mỏi mắt cùng chị Hai chờ anh Tư quay về; vườn nhãn đầu mùa Bạc Liêu;
Bông cà na quyến rũ lũ ong bầu; trái măng cụt và chuyện tình dang dở; mùa sầu riêng chín rụng đêm hè; hột xoài mút gợi chút nhục cảm; giống mận An Phước Cần Thơ trổ hoa và đậu quả nhờ tình người nghĩa đất nơi cù lao An Hóa xứ dừa; bưởi Tân Triều nhân giống quê xa; mãng cầu xiêm chợ nổi Ngã Năm;
Trái bòn bon chứng kiến một câu chuyện gia đình thời ly loạn; mùa chôm chôm ở cù lao An Bình; những bông cau nở trắng vườn quê; chuối trổ buồng sai quả…
Nhưng Trần Bảo Định không chủ ý nhắc cho ta bài học thực vật thời thơ bé, dù ông cẩn trọng tra cứu kiến thức khoa học trong sách vở. Ông đan kết vào đó những câu chuyện của đời người và người đời.
Đọc Trần Bảo Định, cái nhìn của ta về đất nước, quê hương mở rộng hơn mà cái nghĩ của ta về tiền nhân và lịch sử cũng sâu hơn. Phép lạ nào đã cứu Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu, rồi lại cứu Đất Mũi trước cơn thịnh nộ của bão giông? Đó là phép lạ của Trời Phật ban xuống hay phép lạ của nhân đức trần gian?
Cuốn sách này của Trần Bảo Định đụng chạm đến một vấn đề thời sự: chưa bao giờ đất nước và con người Việt Nam đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng toàn diện về môi trường sinh thái như hiện nay.
Dân tộc kêu gọi văn học cất lên tiếng nói và văn học đang thăm dò con đường thể hiện nghệ thuật của tư tưởng sinh thái luận.
Hẳn nhiên không phải hồi trước các nhà văn bàng quan với việc tàn phá môi trường; nhưng dù trí tưởng tượng phong phú cỡ nào, Phi Vân, Sơn Nam, Đoàn Giỏi… cũng không hình dung nổi cảnh Mê Kông sẽ là "dòng sông nghẽn mạch", cảnh rừng mắm, rừng đước lụi tàn dưới bàn tay người, cảnh nông dân nỡ lòng chặt bỏ vườn cây vú sữa hay ép trái sầu riêng chín bằng hóa chất vì nghe theo tin đồn của thương lái.
Nhạy cảm với thực trạng đất nước, các nhà văn Việt Nam hướng ngòi bút đến chủ đề sinh thái và con người, đặc biệt trong văn xuôi. Song hành với thực tiễn sáng tác là nỗ lực của các nhà nghiên cứu, nhà giáo qua những hoạt động học thuật nhằm quảng bá, vận dụng phê bình sinh thái vào việc phân tích, lý giải những tác phẩm có giá trị.
Đóng góp vào khuynh hướng văn học đó, nét riêng của Trần Bảo Định có lẽ là sự kết hợp bước đầu tinh thần nhân bản Phật giáo với chủ nghĩa nhân văn sinh thái.
Thiên nhiên nuôi dưỡng và vun đắp Phật tánh nơi con người. Bông trái đâu chỉ chữa bệnh cho người mà còn bồi đắp tình yêu, tấm lòng thủy chung, tính hướng thiện ngay trong nghịch cảnh.
Hầu như đoản văn nào cũng xuất hiện một tâm hồn nữ - khi là ngoại, khi là mẹ, khi là dì, khi là chị - bao dung như Mẹ Hiền Quán Thế Âm, nhắc nhở ta "rễ thúi, gốc hư thì diệt vong", "cầm cố đất cho người, mai này lấy chi mà chuộc lại", "bán đất cho người, mai này con cháu tụi bây lấy đất đâu để ở và có nơi chốn đi về?".
Bà mẹ nói câu đó năm chiến tranh ly tán mà như mới nói ngày hôm qua. Những bà mẹ, những người chị đó không có bài vị trong ngôi đình hay ngôi chùa nào, không có biển tên đề trên con đường hay ngõ phố nào, nhưng cùng với bông trái quê nhà, tâm hồn họ nở hoa dọc những bờ sông, những khu vườn, những triền đê chắn sóng và thổi hương thơm gửi theo bước cháu con đang canh giữ nước non này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét