A.MỞ
ĐẦU
Vào những
năm đầu thế kỷ XX, văn xuôi quốc ngữ bắt đầu xuất hiện, phát triển ở Nam Bộ và
dần dần trở thành một bộ phận máu thịt của văn học Việt Nam. Có thể nói, ở giai
đoạn này, Hồ Biểu Chánh chính là nhà văn tiêu biểu nhất. Bằng sự nghiệp trứ tác
đồ sộ của mình, Hồ Biểu Chánh đã chứng minh một cách hùng hồn sự đúng đắn của
chủ trương cách tân văn chương Việt; bước đầu đưa văn chương Việt Nam chuyển từ
phạm trù văn học trung đại sang văn học hiện đại.
B.NỘI
DUNG
1.Văn xuôi Nam Bộ những năm đầu thế
kỷ XX
1.1. Vài nét về Nam Bộ đầu thế kỷ
XX
Sau
Hòa ước 1884, Nam kỳ trở thành xứ thuộc Pháp. Trước những chính sách “khai hóa”
của thực dân Pháp, xã hội Nam kỳ biến đổi sâu sắc. Sự phổ biến của chữ quốc ngữ
đã góp phần thúc đẩy các ngành dịch thuật, báo chí, in ấn và xuất bản phát triển.
Tất cả những yếu tố này đã làm nảy sinh một lực lượng bạn đọc mới, đông đảo với
nhu cầu thẩm mĩ khác trước. Để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của lớp công chúng mới,
một đội ngũ nhà văn mới ra đời góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn học
dân tộc.
1.2.
Sự phát triển của văn xuôi Nam Bộ đầu thế kỷ XX
Chặng
đường đầu tiên của văn xuôi quốc ngữ có sự góp mặt của các nhà văn theo đạo Ki
Tô. Tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ chính là Thầy Lazarô Phiền
(1887) của Nguyễn Trọng Quản. Sau khi Thầy Lazarô Phiền ra đời cho đến những
năm 20 của thế kỷ XX là giai đoạn bắt đầu những hướng thử nghiệm mới. Giai đoạn
từ những năm 20 đến những năm 30 của thế kỷ XX là giai đoạn phát triển mạnh mẽ
của văn xuôi quốc ngữ.
Văn
xuôi quốc ngữ ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX ra đời đã đặt dấu ấn khá đậm nét về văn
hoá vùng Nam Bộ. Các nhà văn Nam Bộ như Trần Quang Nghiệp, Nguyễn Chánh Sắt, Lê
Hoằng Mưu, Bửu Đình, Thái Bình Dương, Phú Đức,... đã phản ánh chân thực những
giá trị rất riêng của cộng đồng dân cư Nam Bộ. Cuối thập niên 1930 sang thập
niên 1940, văn xuôi Nam Bộ đã hội đủ các tiêu chí về nội dung và nghệ thuật của
thể loại văn xuôi hiện đại.
2. Đặc điểm của văn xuôi Nam bộ đầu thế kỷ XX
Về
mặt nội dung: Văn
xuôi Nam Bộ ban đầu là những bài viết theo lối chuyện đời xưa, chuyện kể dân
gian. Về sau là những câu chuyện đời thường có hành động của các nhân vật, các
tình tiết của sự kiện giống như trong tiểu thuyết, được trình bày trong những
bài ngắn gọn. Có truyện các tình tiết được trình bày một cách hấp dẫn để đi đến
một kết thúc bất ngờ (Con của ai?). Có truyện kể việc rất bình thường có thể xẩy
ra bất cứ lúc nào, thời nào, được trình bày dưới nhan đề (Thời sự tiểu thuyết).
Có truyện tình tiết phong phú như tiểu thuyết, được trình bày trong một bài khá
dài (Dưới cội đào). Nói chung, các truyện ngắn đáp ứng yêu cầu của đa số độc giả
đương thời hơn là thể hiện ảnh hưởng của văn hoá Pháp. Mục đích của người viết
là giúp người đọc “mua vui” và suy ngẫm về nhân tình thế thái.
Nội dung trong văn xuôi Nam Bộ
không vay mượn của ai mà lấy từ cuộc sống thực tại, tập trung phản ánh vấn đề đạo
đức nhưng “không ra sức ghì níu cho ngôi nhà đang ọp ẹp của đạo đức tam cương
ngũ thường”, tập trung chống hủ tục, chống cờ bạc rựu chè, chống mê tín dị
đoan, chống ghen tuông bạc ác, tích cực vận đông Minh tân...Các truyện đã phản
ánh được những nhố nhăng của xã hội buổi giao thời, bao giá trị xã hội đang dần
bị xáo động bởi “đời này là đời kim tiền, mỗi món gì cũng phải có tiền mới là
xong” (Đồ hèn mạt). Còn truyện ngắn hiện đại là một kiểu tư duy khá mới, truyện
có thể kể về cả một cuộc đời, hay một đoạn đời, một sự kiện hay một “ chốc lát”
trong cuộc sống nhân vật. Tác giả thường hướng tới khắc hoạ một hiện tượng,
phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người.
Xây dựng nhân vật là một hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý thức xã
hội hoặc là trạng thái tồn tại của con người.
Phương diện nghệ thuật:
Cốt truyện và kết cấu truyện ngắn Nam bộ đầu thế kỷ XX với lối kết thúc phi truyền thống, không theo
cấu trúc “tam đoạn có hậu” như các truyện Nôm truyền thống. Cốt truyện giống
như màn hoạt cảnh bi hài đầy tính thời sự, các chi tiết đều hết sức bất ngờ, mới
lạ.
Nghệ
thuật sử dụng trong văn xuôi Nam bộ đầu thế kỷ XX ta thấy ở truyện ngắn Nam bộ
các biện pháp tu từ cũng đã được sử dụng một cách có nghệ thuật để miêu tả, khắc
hoạ những nét độc đáo của nhân vật. Cách dẫn truyện cũng có nhiều sáng tạo, kết
cấu chặt chẽ, kịch tính của truyện tăng dần, truyện càng ngắn kịch tính càng
cao. Đặc biệt lối kết bỏ lửng hoặc bất ngờ đã gây được cảm giác thú vị cho người
đọc, đồng thời tạo ra chiều sâu cho tác phẩm.
Về
nghệ thuật ngôn ngữ trong truyện ngắn Nam Bộ đậm chất đời thường. Điểm nổi bật
thể hiện ở ngôn ngữ nôm na, mộc mạc phù hợp với cách nói của người dân Nam Bộ,
sử dụng nhiều từ địa phương, ngôn ngữ thấm đượm màu sắc chân quê, dân dã.
3.Vị trí của Hồ Biểu Chánh trong
văn xuôi quốc ngữ giai đoạn đầu thế kỷ XX
Sự
nghiệp văn chương của Hồ Biểu Chánh là những đóng góp rất quan trọng cho văn học
dân tộc. Cả cuộc đời cầm bút, Hồ Biểu Chánh luôn luôn chủ động tìm tòi cho mình
một hướng đi riêng, một dấu ấn riêng để khẳng định tên tuổi trên văn đàn. Với
64 tiểu thuyết, ông đã có những đóng góp to lớn vào sự hình thành và phát triển
thể loại tiểu thuyết Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX.
Mặc
dù vẫn còn những bàn luận chưa thống nhất về những lầm lạc trong cuộc đời chính trị của Hồ Biểu
Chánh nhưng qua việc tìm hiểu sự nghiệp văn chương của ông hầu hết các nhà
nghiên cứu đều khẳng định rằng: “Hồ Biểu Chánh vẫn là tác gia giữ địa vị quan
trọng trong lịch sử văn học dân tộc. Ông có một vị thế không ai trong số các
nhà văn đầu thế kỷ làm được: người đứng chủ một dòng tiểu thuyết (phong tục – đạo
lý) ở vùng đất Nam Bộ”.
4. ĐẶC
ĐIỂM VĂN XUÔI NAM BỘ ĐẦU THẾ KỈ XX QUA TIỄU THUYẾT CON NHÀ GIÀU CỦA HỒ BIỂU
CHÁNH NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG.
Tiểu thuyết của
Hồ Biểu Chánh đã cắm rễ một cách sâu sắc vào truyền thống văn học và văn hóa
Nam Bộ. Có thể nói, Hồ Biểu Chánh đã gắn bó cả cuộc đời mình với vùng đất Nam
Bộ. Ông đi qua rất nhiều nơi, quan sát và thấu hiểu đời sống cũng như những
tính cách đặc trưng của người dân Nam Bộ. Bên cạnh đó, ông cũng nhận ra những
nét độc đáo trong phong tục tập quán của những con người chân chất nơi đây. Tất
cả những điều ấy được ông phản ánh chân thực trong các tiểu thuyết của mình.
Hay nói cách khác, hiện lên trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh chính là chân
dung cuộc sống Nam Bộ - những giá trị văn hóa tiêu biểu cho vùng đất nơi đây.
4.1 Hệ đề tài-chủ đề trong trong tiểu thuyết
Con nhà giàu
Với cách
hiểu đề tài-chủ đề như trên, chúng ta có thể thấy tiểu thuyết là thể loại sử
dụng rất nhiều đề tài, chủ đề. Trong truyện thơ, tiểu thuyết chương hồi chữ Hán
Việt Nam, tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, các nhà văn thường tập trung vào các
đề tài lớn là đề tài lịch sử dân tộc, đề tài thế sự, đề tài gia đình... với
nhiều chủ đề khác nhau. Là nhà văn đi sau, Hồ Biểu Chánh đã kế thừa những đề
tài nói trên. Sự cách tân của ông là ở việc chọn lựa đề tài phù hợp với điều
kiện cụ thể lúc bấy giờ. Những năm đầu thế kỷ XX, Việt Nam là một xã hội thuộc
địa nửa phong kiến với nhiều thay đổi trong đời sống chính trị, kinh tế, văn
hóa, xã hội. Hơn nữa, văn hóa phương Tây, nhất là văn hóa Pháp đã ảnh hưởng sâu
đậm đến cách cảm, cách nghĩ, cách tư duy của nhà văn, đòi hỏi nhà văn phải viết
tiểu thuyết để biểu dương những mặt tích cực, phê phán những mặt tiêu cực trong
cuộc sống, đồng thời để thoả mãn nhu cầu, thị hiếu của lớp công chúng mới.
4.1.1.Đề tài thế sự
Đây là đề tài được nhà văn quan tâm nhiều trong quá trình sáng tác. Vốn là một quan chức của chính quyền thực dân,
Hồ Biểu Chánh có điều kiện đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều chuyện xảy ra trong
xã hội đương thời. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, Hồ Biểu Chánh
đã hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của người dân Nam Bộ. Điều đó giúp cho
nhà văn có một vốn sống phong phú nên
phản ánh hiện thực cuộc sống hết sức đa dạng, cụ thể. Ông không những viết về
thành thị mà còn đi sâu vào cuộc sống ở nông thôn; không chỉ
phản ánh cuộc sống của tầng lớp trên trong xã hội mà còn miêu tả cuộc sống của những người dạng người giàu có
trong xã hội
phơi bày
thói ăn chơi của giới công tử con nhà giàu: Lớn lên trong gia đình giàu có, ăn
chơi là lẽ đương nhiên, không ăn chơi không phải là công tử đó là nhân vật công
tử Trần Thượng Tứ
trong tiểu thuyết Con nhà giàu.
4.1.2.Đề tài gia đình
Tiểu thuyết
Hồ Biểu Chánh không chỉ bàn đến hiện thực xã hội mà còn khai thác những đề tài thuộc phạm vi đời sống gia đình.
Có thể khẳng định, đề tài gia đình không phải là
đề tài mới được đưa vào văn học. Xưa, ở Trung Quốc đã có một số tiểu thuyết viết về đề tài này như Hồng lâu
mộng, Kim Bình Mai… Cái mới mà
Hồ Biểu Chánh có được chính là ở những vấn đề mà nhà văn đặt ra. Xã hội thực dân nửa phong kiến do đế quốc xây nên đầy rẫy mọi thứ sa đọa, lố lăng. Rõ rệt nhất là sự tấn
công của thứ tự do tư sản, của cá nhân
chủ nghĩa, của thứ sinh hoạt đồi trụy vào gia đình phong kiến, vào những quan
hệ vợ chồng, anh em, bạn bè...
Nhà văn đề cập đến sự xung đột trong quan niệm, tư tưởng của lớp người cũ và lớp người mới.Trong tiểu thuyết Con nhà giàu ông phê phán
những hiện tượng tiêu cực cần phải dẹp
bỏ như tranh giành tài sản giữa con cái
với nhau(Trần
Thượng Tứ -Nguyễn Minh Đường), giữa vợ cả với vợ hai.( Lý
Thị Nho)
Như vậy, với
những đề tài-chủ đề nói trên, các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh tựa như một
cuốn phim xã hội Nam Kỳ dưới ách thống trị của thực dân Pháp, một cuốn từ điển
bách khoa ghi chép vô số những câu chuyện có thật mà thế hệ sau cần biết. Đúng
như Thanh Lãng đã nhận xét: “Tiểu thuyết
của Hồ Biểu Chánh là một bức truyền thần ghi lại bộ mặt của một thời” .
4.2.Cảm hứng
sáng tạo trong tiểu thuyết Con nhà giàu
Cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật là một tình cảm mạnh mẽ mang tính tư tưởng. Nó là “trạng thái tâm lí then chốt và bao trùm trong sáng tác của nhà văn”
(Phương Lựu). Cảm hứng
trong tác phẩm văn học một mặt là niềm say mê khẳng định chân lý, lý tưởng mà nhà văn theo đuổi, mặt khác, là sự phủ định những hiện tượng tiêu cực, sự giả dối. Nó được cụ thể hóa ở thái độ của nhà văn đồng tình,
ngợi ca những nhân vật chính diện hay phê phán, tố cáo những nhân vật phản
diện, những hiện tượng xấu xa. Cảm hứng
của tác phẩm không phải thể hiện ở một
vài nhận xét, một đôi lời bình luận đâu đó mà
chủ yếu được bộc lộ từ hệ thống hình tượng, từ hệ thống ngôn từ, từ các chi tiết,
tình tiết, các nhân vật tính cách. Hồ Biểu Chánh khi viết tiểu thuyết đã có
niềm say mê riêng, có cảm hứng sáng tạo riêng. Cảm hứng ấy kế thừa truyền thống
cũ và được cách tân, sáng tạo ra trong điều kiện cụ thể của lịch sử dân tộc đầu
thế kỷ XX.
4.2.1.Cảm hứng hiện thực
Cảm hứng
hiện thực là nội dung được
Hồ Biểu
Chánh phản ánh trong
tác phẩm.Trong một số tiểu thuyết ông đã ghi lại hậu quả cuộc
khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của
người dân Nam Bộ.
Hồ Biểu
Chánh nêu lên những cảnh tượng bất công cũng như tình trạng phân hóa giàu nghèo
trong xã hội. Trong tác phẩm Con nhà giàu,
Hồ Biểu Chánh cho thấy cuộc sống cơ hàn của người dân nghèo “già cả mà còn lụm khụm đi làm, con nít mà
phải trần truồng không có áo quần, người trải nắng dầm mưa mà không đủ cơm nuôi
vợ con, kẻ chai tay nám mặt mà không dám than phiền mệt nhọc” .
Đối lập với
cảnh sống bần hàn của người nghèo, là sự dư dật thừa thãi của những nhà giàu.
Thượng Tứ (Con nhà giàu) đã nói lên
sự đối lập đó: “Người giàu ở không ăn
chơi sung sướng mà lúa thóc bạc tiền có thêm hoài, không biết làm giống gì cho
hết. Còn người nghèo làm từ đầu năm chí cuối, chai tay nám mặt, mà ăn ở cực
khổ, áo quần lang thang, già cả lụm cụm cũng chưa được nghỉ ngơi, con nít lớn
lên thì không được đi học”
Cảm hứng hiện thực không chỉ giúp Hồ Biểu Chánh phản ánh
hiện thực Nam Bộ trong những điều kiện kinh tế cụ thể của nó mà còn giúp nhà văn lên tiếng tố cáo
những tệ nạn xã hội, những mặt tiêu
cực trong đời sống xã hội và quan hệ
gia đình ở Nam Bộ nhiều thập
niên đầu thế kỷ XX. Dưới ngòi bút sắc
sảo của mình, Hồ Biểu Chánh đã phê phán một số hiện tượng xấu xa trong xã hội như nạn mua danh bán tước. Ai muốn thăng chức, muốn làm ông
này bà nọ để lên mặt với đời thì chỉ
cần bỏ tiền ra mua là được, Ông giáo Chuột (Con nhà giàu), một kẻ đã mười mấy năm chuyên nghề cho vay, đặt nợ thì thủ đoạn tinh vi hơn: “Ông nhử nhử mà đưa cho cậu chừng mười ngàn đồng bạc thì ông lấy ruộng
đất của cậu hết. Ông cứ việc tính lời theo bạc mười bốn” .
Hồ Biểu
Chánh cũng hết sức bất bình với kiểu cho vay của bọn chệt khách, Chà và.Trong tiểu thuyết Con nhà giàu Thượng Tứ
vay tiền Chà và một năm phải trả, song anh ta có tiền rồi nên mới vay được vài
tháng thì đem đến trả. Tào kê thấy anh ta là người tử tế, nên không cho trả,
muốn để hết một năm đặng ăn tiền lời.
Hồ Biểu Chánh đã chỉ ra thói ăn chơi hưởng lạc của những kẻ lắm tiền trong khi biết bao gia đình không có cơm ăn áo mặc. Ta có thể thấy được vấn đề này thông qua
nhân vật Cậu Thượng Tứ là người ăn chơi
xa hoa, đàng điếm, bỏ mặc vợ con.
Hồ Biểu
Chánh còn lên án tiêu cực trong gia đình tranh giành tài sản : Trong tiểu tuyết Con nhà giàu cho
thấy rõ nôi dung này thông qua tình tiết khi nhận ra sức khỏe của chồng có phần
yếu kém, bà đã thuyết phục ông làm di chúc để tranh sau này có việc anh em
trong nhà tranh giành gia sản, làm mất uy tín dòng họ. Ông bà Kế Hiền Toại liền
cậy nhờ Hương Chánh Dung làm di chúc. Hương Chánh Dung từ lúc gặp Lý Thị Nho đã
mê mẩn sắc đẹp của bà. Còn Thị Nho thì liền khôn lanh nghĩ ngay đến việc ưỡm ờ
gạ gẫm để Hương Chánh Dung viết di chúc có lợi cho mình và con trai.
Như vậy, với
cảm hứng hiện thực, Hồ Biểu Chánh đã phản ánh hiện thực cuộc sống hết sức chân
thật, đa dạng. Xã hội đó còn nhiều cảnh “thiệt
giả giả thiệt”, lắm người mải mê chạy theo “tiền bạc bạc tiền”, con
người phải chịu bao “cay đắng mùi đời”, thân phận người nông dân nghèo như
“ngọn cỏ gió đùa”. Văn hóa phương Tây du nhập vào Việt Nam đã làm thay đổi các
giá trị truyền thống, làm xuất hiện những cảnh chướng tai gai mắt.
4.3.Đặc điểm,
tính cách nhân vật tiểu thuyết Con nhà giàu
4.3.1 Trọng tình
Một khía
cạnh khác của tình cảm gia đình cũng được Hồ Biểu Chánh thể hiện là tình nghĩa
vợ chồng. Nếu vợ chồng thực sự thương yêu thì dù có xa cách bao nhiêu lâu thì tình cảm đó vẫn
không thay đổi. Sự thủy chung, kiên
trinh là phẩm chất đáng quý của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay. Những người vợ dù chồng có mắc lỗi lầm nhưng biết ăn năn hối cải thì cũng
sẵn sàng tha thứ nhân vật Vợ chồng Thượng Tứ (Con nhà giàu) là một ví dụ điển hình như
vậy. Hồ Biểu Chánh cũng có những trang văn miêu tả tình nghĩa giữa con người
với con người khá chân thật , Thượng Tứ trong truyện Con nhà giàu là những ông
chủ giàu có nhưng đối xử công bằng, quan tâm đến kẻ ăn người ở trong nhà, người
làm công trong làng, trong xóm, thi ân, bênh vực họ trong khó khăn, hoạn nạn mà
không cần phải đền đáp.
4.3.2.Coi trọng đồng tiền
Trong một số
tiểu thuyết, Hồ Biểu Chánh xây dựng những tính cách nhân vật bị chi phối bởi
một dục vọng duy nhất là lòng tham tiền. Họ tìm mọi cách, bất chấp các thủ đoạn
miễn sao đạt được mục đích là có thật nhiều tiền.Thói ham tiền của các nhân vật
còn được nhà văn miêu tả qua việc hôn nhân cưới hỏi. Các tác phẩm của Hồ Biểu
Chánh đã phơi bày cho độc giả thấy động cơ, mục đích chính của các cuộc hôn
nhân là vì tiền, phải “môn đăng hộ đối” Bà Kế Hiền
(Con nhà giàu) cũng có chung quan
điểm như vậy. Khi tìm vợ cho con
trai bà thì mục đích là “phải lựa chỗ cho xứng đáng mà cưới vợ. Má
nghe nói ông Hội đồng Thưởng giàu có hơn mình nhiều lắm, mà ông không có con trai, có hai đứa con
gái, đứa lớn gả chồng rồi, nó về ở theo bên chồng nó, còn đứa nhỏ, vợ chồng ông
cưng lắm, tính gả bắt rể, nếu con sa vào đó con no lắm” .
Có thể thấy, tính tham tiền của con
người là một nét rất “thời đại” mà Hồ Biểu Chánh đã miêu tả được. Loại nhân vật
này ít gặp trong văn học truyền thống Việt Nam nhưng lại xuất hiện nhiều trong
văn học phương Tây, trước mới có hạnh phúc mà cái quan
trọng là tình nghĩa, sự quan tâm lẫn nhau .
5. ĐẶC
ĐIỂM VĂN XUÔI NAM BỘ ĐẦU THẾ KỈ XX QUA TIỄU THUYẾT CON NHÀ GIÀU CỦA HỒ BIỂU
CHÁNH NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT.
5.1 Cốt
truyện theo mô hình truyện kể truyền thống
Trong
truyện kể dân gian, cốt truyện và nhân vật tuy khác nhau nhưng lại gắn bó mật
thiết với nhau. Kế thừa đặc điểm này, trong đại đa số tiểu thuyết của Hồ Biểu
Chánh nhân vật luôn được đề cao và giữ vai trò trung tâm. Ở đó tính cách và tâm
lý nhân vật được thể hiện chủ yếu qua hành động, ngôn ngữ. Một trong những đặc
điểm nổi bật khi xây dựng cốt truyện của truyện kể dân gian là cấu trúc theo mô
hình kết thúc có hậu. Xuất phát với mục đích viết tiểu thuyết là nhằm “lần lần
dắt quần chúng về đường chính đại quang
minh”, cốt truyện trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng được xây dựng trên
mô hình kết thúc có hậu ấy.Cũng như nhiều truyện kể dân gian của Việt Nam, phần
lớn tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được kể theo trục tuyến tính của thời gian.Điều
này ta thấy rõ trong Con nhà giàu lúc thông qua nhân vật Thượng Tứ lớn lên
trong gia đình giàu có, ăn chơi là lẽ đương nhiên, không ăn chơi không phải là
công tử. Nhân vật công tử Trần Thượng Tứ sau khi vấp ngã quá nhiều trong thói
hoang đàng đã thay đổi tính tình từ khi mẹ mất, đã tiếp xúc với giới tá điền và
đã nhận ra sự cơ cực của con nhà nghèo. Thượng Tứ đã cứu giúp đỡ người nghèo
khó và coi đó là một niềm hạnh phúc.
Tóm
lại, cùng với những đóng góp mới mẻ trong việc chú trọng đến những tình tiết có
tính bước ngoặt của tác phẩm, các câu chuyện được dẫn dắt đến gần với đời sống
thực tại; khuynh hướng đạo lý được thể hiện qua kết thúc có hậu và diễn biến
câu chuyện được thuật kể theo trình tự thời gian đã khiến cho tiểu thuyết của Hồ
Biểu Chánh vừa mang hơi hướng hiện đại vừa cắm rễ một cách sâu sắc vào truyền
thống văn học và văn hóa Nam Bộ, phù hợp với phong tục tập quán của người dân
nơi đây.
5.2.Kết cấu trong tiểu thuyết Con nhà giàu
Theo Nguyễn
Xuân Nam, kết cấu là “toàn
bộ tổ chức phức tạp bao gồm mọi mối quan hệ giữa chỉnh thể và bộ phận, giữa bộ
phận và bộ phận trong một tác phẩm văn học.
Bất kỳ tác phẩm nào cũng có kết cấu; kết cấu là
một trong những nhân tố trọng yếu biểu hiện giá trị nghệ thuật của tác
phẩm”
5.2.1.Kết cấu theo trình tự thời gian
Loại kết cấu
này xuất hiện nhiều ở những tác phẩm bố cục theo hình thức chương hồi. Với dạng
kết cấu này, thời gian là cái trục chính để dẫn dắt câu chuyện, xâu chuỗi các
sự kiện, các hành động của nhân vật. Đây là một biện pháp kết cấu cổ điển mà
chúng ta thường gặp trong những truyện kể dân gian, truyện thơ và tiểu thuyết
Việt Nam viết bằng chữ Hán như Hoàng Việt
Long hưng chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Việt Lam xuân thu… Với lối kết
cấu theo thời gian, trình tự thời gian được giữ nguyên, chuyện gì xảy ra trước
nói trước, chuyện gì xảy ra sau nói sau, không theo mạch tâm tưởng của nhân
vật. Mỗi chương, đoạn, hồi của tác phẩm gắn với một hay nhiều sự kiện. Liên kết
các chương, hồi, đoạn thành một mắt xích tạo ra sự vận động của nội dung cốt
truyện. … Sử dụng
lối kết cấu này, các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thường kết thúc có hậu. Điều này ta thấy rõ trong Con nhà giàu lúc thông qua
nhân vật Thượng Tứ lớn lên trong gia đình giàu có, ăn chơi là lẽ đương nhiên,
không ăn chơi không phải là công tử. Trái
ngược với nhân vật công tử Trần Thượng Tứ, công tử Nguyễn Minh Đường lớn lên
trong sự thụ động, răm rắp nghe lời mẹ, xem việc Điền chủ mâu thuẫn với tá điền
là chuyện đương nhiên, cuộc đời là phải như vậy.Tứ thì năng động, làm theo ý
của mình, còn Đường thì thụ động, tuyệt đối nghe lời mẹ. Cả hai cùng một vài
nhân vật công tử khác đã vẽ lại bối cảnh đồng quê của Nam Bộ trên một thế kỷ về
trước.
5.2.1.Kết cấu theo hai tuyến nhân
vật
Trong các tiểu thuyết của mình, Hồ
Biểu Chánh thường phân chia nhân vật thành hai tuyến đối lập nhau: chính-tà,
thiện-ác, có nhân, có nghĩa-bất nhân, bất nghĩa… Những người có nhân, có nghĩa
thường là con nhà nghèo. Họ đã trải qua
trăm đắng ngàn cay, số phận linh đinh để rồi cuối cùng được hưởng hạnh phúc, no
cơm, ấm áo. Hạng người bất nhân, bất nghĩa thường là “con nhà giàu”. Chúng là những kẻ tàn ác, dâm giật, tham tiền, ham
danh lợi, đểu cáng … và cuối cùng đều bị trừng phạt. Cái nhìn quả báo như thế
giúp Hồ Biểu Chánh viết được những tác phẩm đầy xúc động, cụ thể về sự sa đọa
và tội ác của bọn địa chủ, tư sản, về những khó khăn, khốn khổ của người nông
dân chân lấm tay bùn và nỗi phẫn uất của họ.
5.2.2.Thể hiện
tính cách nhân vật bằng miêu tả diễn biến tâm lý
Miêu tả tâm lý là phương thức quan
trọng nhất để chiếm lĩnh con người bằng văn học nghệ thuật. L. Tolstoy cho rằng
mục đích chính của nghệ thuật- nếu như có nghệ thuật và nó có mục đích-là để
làm rõ và nói hết được sự thật về tâm hồn con người, nói hết được những bí mật
mà không thể nói hết bằng những lời lẽ giản đơn. Nghệ thuật là cái kính hiển vi
dẫn dắt nghệ sĩ đến những bí mật của tâm hồn mình và đưa những bí mật này ra
cho tất cả mọi người biết. Để làm được điều đó, nhà văn phải hiểu sâu sắc cuộc
sống và conngười, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù nhỏ nhặt nhất
đời sống bên trong của nhân vật. Học tập các nhà văn đi trước, Hồ
Biểu Chánh cũng dùng ngôn ngữ độc thoại nội tâm như một phương tiện hữu hiệu để
phác họa tính cách nhân vật, trong tác phẩm Con nhà giàu là minh
chứng , Thượng Tứ tuy đã có vợ nhưng có thú trăng hoa nên bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ
vợ, bỏ con đi tìm niền hoan lạc nơi phường bán phấn buôn hương. Đến khi nhận rõ
sự trớ trêu của nhân tình thế thái, sự bạc bẽo của người đời thì hối hận và
quay về với gia đình, hay nhân vật Lý Thị Nho là một người phụ nữ mới chỉ 18
tuổi. Người phụ nữ trẻ tuổi ấy xuất thân từ gia đình có ăn có mặc nhưng gặp vận
hạn mà sa sút, nay đồng ý lấy ông Kế Hiền Toại mong ấm thân. Lý Thị Nho không
hề đỏng đảnh mà rất khéo léo chiều chuộng chồng, đối đãi tử tế với con chồng.
Tóm lại, thủ pháp nghệ thuật khắc
họa chân dung và tính cách nhân vật qua tiểu sử, ngoại hình, ngôn ngữ, hành
động chính là sự kế thừa những thành tựu trong văn chương truyền thống của Hồ
Biểu Chánh. Tuy nhiên, nhà văn cũng có những cách tân của riêng mình để các
nhân vật trở nên gần với hiện thực cuộc sống, phản ánh đúng những nguyên mẫu
của hiện thực cuộc sống ở Nam Bộ những năm đầu thế kỷ XX.
5.3.Ngôn ngữ trong tiểu
thuyết Con nhà giàu
Đến với tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh,
độc giả gặp rất nhiều từ ngữ được nhà văn sử dụng phù hợp, đắc địa, phản ánh
được đặc trưng của một vùng đất ở cực Nam của Tổ quốc. Đó là những từ chỉ cây
cối, sản vật gắn với một vùng sông nước mênh mông: mắm, đước, bần, tràm, dừa
nước, bông súng, cây còng, cây tra, đậu hũ, đậu phộng, bánh ú, bông lường, bông
lồng đèn, bông vông, cá chẽm, cá hố, cá ngác… Đó là các từ ngữ chỉ trạng thái,
tính chất, chẳng hạn: buồn nghiến, nằm
dàu dàu, ngồi chồm hỗm, đứng xớ rớ, đi lầm lũi, nói mờ ơ, ngủ nhầu, ngó chằng
chằng, nhẹ hều, buồn hiu, lừ lừ, im re, đứng dụ dự một hồi, ngồi ngó cững, nước
mắt nước mũi choàm ngoàm, ngồi chim bỉm, mừng quýnh, chết điếng, buồn so, tròn
vìn, nín khe, mặt chừ bự, ngó chừng xăn văn xéo véo, nằm không cục cựa, râu lún
thún, nhảy xoi xói…
Hồ Biểu Chánh cũng có những cách
diễn đạt hết sức Nam Bộ, với những tình thái từ: nghen, hen, vậy ta, hôn, há, chớ… Với những cách xưng hô: qua, má, tía, thẩy, cổ, cỏn, thẳng, sắp nhỏ,
ảnh, chỉ, bả, ổng, tao, má nó, mầy, tao, hắn, y, mình… Và những ngữ khí từ
đặt ở cuối câu hoặc dùng để nhấn mạnh ý: bất
nhân hôn, dữ hôn, mắc giống gì, còn ức nỗi gì, làm giống gì, thiệt chớ, nhiều
hôn, mà làm gì, biết hôn, được hôn, nghe hôn, giàu giống gì, như vầy nè, phải
hôn, nghĩ nỗi gì…
Nhiều từ địa phương nếu không được
đưa vào một ngữ cảnh cụ thể thì sẽ rất khó hiểu. Có thể so sánh một số từ địa
phương trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh với từ toàn dân để thấy rõ điều đó: chác
nghĩa=chuốc nghĩa, mang nghĩa;cháng=choáng; chau vau=mất tinh thần, vẻ mặt như
người mất ngủ; chạy tờ=báo cáo; chiết: sẻ, chia; chim bỉm=không nói, không có ý
kiến, nín thinh; chừ bự: thụng mặt khi giận dữ; cừ ngạnh=cứng đầu, chống đối;
đáo để =tận đáy, tận cùng; đếm=mua sỉ, bán sỉ; leo cheo=lời qua tiếng lại; lưng
túc= thiếu thốn; mảng=chuyên chú; nghễu nghến=đi tới đi lui; nhụt nhụt=không
còn mới; tầm ruồng=lòng vòng, không có chủ đích; thả rều=đi dạo không có mục
đích; trạo phu=người chèo ghe; trịt=kéo xuống, xệ xuống; trộ trạo= trừng trợn;
ui ui=có mây che, không đủ ánh sáng; vi kiến=vây cánh; viết não= viết nháp; vúc
vắc=múa tay, múa chân; xẳng=nói nặng; xáng=thoáng; xốc= đảo lộn để kiểm điểm;
xọp=teo, xẹp; xơ xải=xơ xác, tơi bời; xạc lơ=không nhiệt tình; van vầy=van xin;
tửng=sang lại…
Các địa danh trong tiểu thuyết của
Hồ Biểu Chánh đều có tên gọi. Đó là những địa danh quen thuộc của vùng đất Nam
Bộ như: Cà Mau, Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh
Long, Trà Vinh, Gò Công, Sóc Trăng, Bình Thủy... Có thể nói, với hàng trăm
địa danh quen thuộc của vùng đất Nam Bộ, Hồ Biểu Chánh đã cho người đọc nhìn
thấy rõ ràng khung cảnh của vùng đất nơi đây.
Hồ Biểu Chánh đã sử dụng cách gọi
tên đất, tên người rất quen thuộc và gần gũi đối với người dân Nam Bộ. Nhờ việc
thể hiện cụ thể, chân thực đất và người Nam Bộ như thế mà Hồ Biểu Chánh đã giúp
người đọc hình dung được một quang cảnh rộng lớn của vùng đất này những năm đầu
thế kỷ XX.
C. KẾT LUẬN
Từ đầu thế kỷ XX
trở đi, văn học Việt Nam bước vào một quá trình hiện đại hóa toàn diện: từ quan
niệm thẩm mỹ đến thể loại, từ kết cấu tác phẩm đến ngôn ngữ văn học… Tiểu
thuyết viết bằng chữ quốc ngữ được hình thành và
phát triển như một tất yếu. Hồ Biểu Chánh được xem là một trong những
nhà văn có công lớn trong việc đặt
nền móng cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Đóng góp chủ yếu của Hồ Biểu
Chánh đối với sự hình thành thể loại tiểu thuyết trên chặng đường phôi thai này
là mở rộng đề tài phản ánh đời sống,
tập trung xây dựng nhân vật và đặc
biệt chú ý đến ngôn ngữ kể chuyện. Hồ Biểu Chánh cũng tiếp thu những thành tựu nghệ thuật của tiểu thuyết phương Tây để tạo dựng những yếu tố
mới về nghệ thuật trong sáng tác của
mình, thể hiện qua ngôn ngữ, nghệ thuật xây dựng nhân vật, lựa chọn chi tiết, kết cấu… Tiểu thuyết
Con nhà giàu riêng và
tiểu thuyết nói chung của Hồ Biểu
Chánh được xem là một bức tranh
truyền thần bằng chữ hết sức sống động và chính
xác về cuộc sống và phong tục của
người dân Nam Bộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Hoài Anh,
Thành Nguyên, Hồ Sĩ Hiệp (1988), Văn học
Nam Bộ từ đầu đến giữa thế kỷ XX (Sơ thảo), Nxb TP. Hồ Chí Minh.
2.
Hồ Biểu Chánh, Con nhà giàu(2015),NXB Văn Hóa Văn Nghệ.
3.
Huỳnh Phan
Anh (1972), Đi tìm tác phẩm văn chương,
Nxb Đồng Tháp, Sài Gòn.
4.
Phạm Ngọc Hiền, Tiểu
thuyết Việt Nam 1945-1975, NXB Tỗng hợp TP.Hồ Chí Minh.
5.
Nguyễn Kim
Anh (chủ biên, 2004), Tiểu thuyết Nam Bộ
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
6.
Quốc Anh
(1978), “Nông cổ mín đàm và cuộc thi tiểu thuyết
đầu tiên trong lịch sử văn học quốc ngữ”, Văn
học, (3), tr. 41.
7.
Vũ Tuấn Anh
(1991), “Tư duy nghiên cứu văn học hiện đại trước yêu cầu đổi mới”, Văn học,
(5), tr. 6.
8.
Vũ Tuấn Anh,
Bích Thu (chủ biên, 2001), Từ điển tác
phẩm văn xuôi Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến 1945, Nxb Văn học, Hà Nội.
9.
Vũ Tuấn Anh
(2002), “Ba mươi năm đầu thế kỷ: Sự định hình tính chất mới, hệ thống thể loại mới của văn học Việt Nam
hiện đại”, Văn học, (3).
10.
M. Arnaudov
(1978), Tâm lý học sáng tạo văn học (Hoài
Lam, Hoài Ly dịch), Nxb Văn học, Hà Nội.
11.
Lại Nguyên
Ân, Nguyễn Minh, Phong Vũ (biên dịch,
1983), Số phận của tiểu thuyết, Nxb
Tác phẩm mới, Hội Nhà văn Việt Nam,
Hà Nội.
12.
Lại Nguyên
Ân, Bùi Văn Trọng Cường (1995), Từ điển
văn học Việt Nam, quyển 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
13. Lại Nguyên
Ân (biên soạn, 2003), 150 thuật ngữ văn
học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
TPHCM, 10.7.2021
TRƯƠNG HOÀNG LONG