Tóm tắt: Bài hát giặm Em khuyên chị ra đời trong phong trào vân động duy tân đầu thế kỷ XX, đối tượng là nữ giới trung lưu, nhằm thức tỉnh kêu gọi họ học tập để vượt ra giới hạn của lề lối cũ, từ đó tăng thêm cơ hội tiếp cận với thời đại mới văn minh tiến bộ. Do vậy, bài hát giặm Em khuyên chị là một diễn ngôn về giới cổ súy giải phóng cá nhân. Hướng tới hành động để giải phóng nữ giới khỏi tư tưởng phong kiến, giải phóng tiềm lực sức lao động, trí tuệ của con người. Em khuyên chị là diễn ngôn tạo lập vị thế xã hội, vai trò xã hội, chức năng xã hội mới cho giới nữ. Đó chính là mẫu hình người phụ nữ lập thân, điều chỉ có ở nam giới, vốn dĩ dành/ thuộc nam giới, thì nay nữ giới phải hướng tới để có được và xứng tầm với thời cuộc.
Từ khóa: văn học và giới, Ví Giặm Nghệ Tĩnh, hát giặm, Em khuyên chị
1. Bài hát giặm Em khuyên chị ra đời khoảng những năm đầu thế kỷ XX trong các phong trào tuyên truyền vận động duy tân của giới nữ. Nội dung nổi bật thực hiện nam nữ bình quyền, phụ nữ Việt Nam tự cường để bằng với phụ nữ các nước văn minh, làm được điều đó biện pháp duy nhất đúng đó là nâng cao năng lực bản thân tập trung học tập, biết chữ viết, biết đọc báo, biết lịch sử dân tộc, biết thời sự trong và ngoài nước, mục đích chính là cần bằng với nam giới trong việc luận bàn tham gia việc làng việc nước.
Tham gia các hoạt động xã hội, luận bàn về chính sự, cụ thể là việc cứu nước, đó là cách để phụ nữ An Nam khẳng định vị thế, vai trò xã hội của họ. Từ chối sự lệ thuộc vì u muội, mù chữ, không được học hành.
Bài hát giặm Em khuyên chị miêu tả rất rõ quá trình người phụ nữ đi từ cái riêng đến cái chung, từ cá nhân đến cộng đồng, từ đơn lẻ đến số đông, từ phụ thuộc đến tự do; từ đó sự xác lập vị thế xã hội, vai trò xã hội và chức năng xã hội mới của người phụ nữ ngay trong lòng nhà nước phong kiến thực dân.
Tác phẩm tương truyền của tác giả Ngô Đức Kế3, đây là bài hát được lưu hành phổ biến lúc bấy giờ ở vùng Nghệ Tĩnh và Việt kiều ở Thái Lan.
2. Trong bài hát giặm Em khuyên chị có những motif quen thuộc về người phụ nữ trong xã hội phong kiến, ta vẫn bắt gặp trong các tác phẩm văn học thời kỳ này như kiểu người phụ nữ yếu thế lệ thuộc, bị mất quyền tham gia xã hội (không được đi học chữ, không được làm việc trong bộ máy nhà nước, không có thu nhập...) điểm mới tại đây là đã hình thành hai dạng thức khác về giới đó là kiểu người phụ nữ nhận thức về vấn đề giới, và kiểu người phụ nữ lập thân.
Kiểu người phụ nữ yếu thế lệ thuộc:
Hình ảnh người phụ nữ đầu thế kỷ XX được khắc họa với vị thế và vai trò xã hội lệ thuộc, mất tự chủ, bị gán ghép chức năng nội trợ, đó là: “Phận liễu bồ khôn xiết”, “Chịu thua kém trăm bề”, “Lại nhiều điều cực khổ”, “Chị em mình đày đọa”, “Chịu trăm đường thua thiệt”. Định kiến xã hội đẩy giới nữ về phía yếu thế, tước bỏ tất cả các cơ hội tiếp cận vấn đề xã hội, cơ hội được học tập, cơ hội tham gia việc công.
Sinh ra gái Nam – Việt
Chịu thua kém trăm bề
Chỉ điểm phấn trau huê
Làm đồ chơi cho họ
Làm đồ dùng cho họ.
Phụ nữ An Nam thời kỳ này mặc định làm nội trợ, không có thu nhập từ công việc của mình, với thân phận lệ thuộc vào người đàn ông (cha, chồng, con), bị gán cho những việc tỏn mọn, bếp núc hạn hẹp :
Lại nhiều điều cực khổ
Việc rửa đọi quét nhà
Việc nấu nướng củi trà
Đem thân ta đày đọa
Chị em mình đày đọa.
Nhiều tác phẩm văn học khác đã khắc họa rõ nét về hình ảnh người phụ nữ An Nam thời kỳ này, do vậy trong bài hát giặm Em khuyên chị việc trình bày chân dung kiểu người phụ nữ lệ thuộc điều đó không mới, chỉ nhằm tô đậm thêm một kiểu thân phận nạn nhân của định kiến giới.
Kiểu người phụ nữ nhận thức về giới:
Trước hết là sự nhận thức về nguyên nhân, bắt đầu từ quan niệm khinh nữ, coi nhẹ nữ giới, không dành quyền ưu tiên cho giới nữ “Chỉ trọng lấy con trai/ Mà khinh thường con gái”, từ tư tưởng hủ lậu này người phụ nữ đã bị xác lập vị thế rất yếu so với con trai, mất hoàn toàn các cơ hội tiếp cận thông tin, cơ hội công việc, cơ hội nâng cao năng lực cá nhân và từ đó bị rơi vào hoàn cảnh thụ động “Để đàn ông đè nén”:
Nghề vá may bông vải
Họ bày đặt cho mình
Đường chữ nghĩa học hành
Nào có ai giáo dục?
Nên sách không biết đọc
Cầm lấy báo không hay
Chỉ mờ mịt đêm ngày
Ta phải tính sao đây
Lẽ nào thân thế mãi!
Theo đó, người phụ nữ ít hiểu biết, không có chữ nghĩa, không được học hành, đào tạo, vai trò xã hội vì thế cũng mất đi. Những vấn đề thuộc cộng đồng xã hội người nữ không được tham gia luận bàn, can dự. Ngoài định kiến giới, thì vấn đề cốt lõi chính là phụ nữ không được tiếp cận với hoạt động xã hội dẫn đến kiến thức không sâu, kinh nghiệm kỹ năng và bản lĩnh đều không bằng nam giới là những người quen việc thạo việc chiếm giữ việc công chưa từng nhượng bộ:
Việc họ hàng làng xã
Việc tổng mạc nước non
Việc xã hội luận bàn
Sao mà ta không biết?
Chị em mình không biết?
Người phụ nữ bị định kiến giới chi phối, bị soi chiếu bởi các lề thói ràng buộc hàng ngàn năm. Do đó điều quan trọng là nữ giới phải nhận thức lại thật đầy đủ về vấn đề giới. Trong đó, đặc biệt quan trọng là nhận thức về giới nữ trong tương quan với nam giới, trước hết là sự bình đẳng của phụ nữ với đàn ông về mặt sinh học:
Chị sao không nghĩ lại
Thân gái cũng như trai:
Cũng chín tháng mười ngày
Đủ tai mắt chân tay
Nào có kém chi ai
Để đàn ông đè nén
Trong bài có đưa ra những so sánh bước đầu với phụ nữ các nước văn minh, được xem là sự chọn lựa chuẩn mực cho mẫu hình người phụ nữ hiện đại, mô hình nhân cách cần xây dựng và hướng tới:
Nay xem qua bốn biển
Gái các nước văn minh
Cũng bố trận bài binh
Cũng đủ nghề thao lược.
Cũng nghị bàn việc nước
Có thua kém chi trai
Chị xem đó mà coi
Nỡ ngồi yên sao được.
Qua tân thư truyền bá vào Việt Nam đầu thế kỷ XX phong trào nữ quyền trên thế giới không quá xa lạ với người An Nam, trong đó có phụ nữ trung lưu và thành thị. Phong trào duy tân đã thổi cơn gió lành cho việc giải phóng phụ nữ, mong muốn tạo sự cân đối về nhận thức giới ở thời kỳ này.
Tiếp theo, việc bàn luận và suy tôn các tấm gương nữ trung hào kiệt trong lịch sử dân tộc là “bạn má hồng”, làm việc phi thường, khai thiên lập địa, đánh đuổi ngoại xâm. Đó là mẫu hình lí tưởng thay đổi chức năng xã hội người phụ nữ đã làm những việc lớn lao vì cộng đồng. Đó là những tấm gương sáng trong truyền thống xây dựng đất nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm của những nữ nhân nước Việt:
Nước Nam mình ngày trước
Cũng có bạn má hồng
Chị Âu với bà Trưng
Ra chống giữ non sông
Đánh quân Ngô mất vía
Đuổi quân Tàu mất vía.
Sử xanh còn chép để
Nên lấy đó làm gương
Chị ơi phải lo lường
Phải chăm bề học thức.
Minh chứng thuyết phục và gần gũi về những người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử như một cách dẫn đường trong tư tưởng, cho sự tự tin mới hình thành vốn bị sự run sợ mấy ngàn năm đè nén. Hình ảnh mẹ Âu Cơ, bà Trưng là biểu tưởng bất tử của dân tộc và mẫu mực cho những người phụ nữ duy tân hướng đến hoàn thiện bản thân mình.
Kiểu người phụ nữ lập thân:
Người phụ nữ duy tân tiến bộ chính là người biết lập thân bằng học vấn, có tri thức, có vị thế xã hội và thay đổi chức năng xã hội về giới. Biện pháp cụ thể đó là tập trung nâng cao năng lực, trau dồi tri thức, tạo nên vẻ đẹp bên trong của người phụ nữ, (học vấn, sách vở báo đồ, chăm coi, học hành). Vẻ đẹp nhân cách, trí tuệ, tri thức làm nên diện mạo mới của người con gái An Nam:
Việc son phấn tô dồi
Phen này quyết xin thôi
Để lo toan việc khác
Để nghĩ bàn việc khác.
Đường trâm xoa hãy gác
Nền học vấn âu lo
Nào sách vở báo đồ
Phải chăm coi mới được
Phải học hành mới được.
Thậm chí phụ nữ sẽ từ bỏ sở thích tính nữ (son phấn tô dồi; trâm xoa) vẻ đẹp bên ngoài, hình thức, xem nhẹ việc phấn son trang điểm để lo toan việc khác, học hành sách vở. Hơn nữa, những việc trong đời người nữ có thể làm được , bằng tri thức và bản lĩnh của họ rất nhiều, từ việc nhỏ quanh mình như “Ai đói rét: thương vay/ Ai gian lao: giúp đỡ” đến gánh vác những “việc gia đình mọi sự, việc xã hội cử bầu”, kể cả san sẻ giúp đàn ông “Dẫu việc gì nặng nhọc/ Trai không thể loa toan” phụ nữ cũng có thể chia sẻ giúp đỡ. Điều đó góp phần khẳng định nữ giới đầy đủ các điều kiện và cơ hội để thực hiện nhiệm vụ như những giới khác, đó chính là sự cộng sinh hoàn tác giữa các thành viên cộng đồng xã hội:
Nền công đức tư đức
Ta xây đắp cho dày
Ai đói rét: thương vay
Ai gian lao: giúp đỡ
Việc gia đình mọi sự
Việc xã hội cử bầu
Chị em ta khuyên nhau
Chia một phần gánh vác.
Dẫu việc gì nặng nhọc
Mà công đức vẹn toàn
Trai không thể lo toan
Gái ra tay giúp họ
Chị em mình giúp họ.
Dấu ấn thời đại trong bài thể hiện khá rõ nét, sự ảnh hưởng của “mưa Âu gió Mỹ” qua tân thư Trung Quốc đối với trí thức tây học thời kỳ này và hướng họ đến cách tân đổi mới trong tư duy và hành động. Xây dựng vị thế xã hội người phụ nữ xứng tầm thời đại mới, đó là các bậc “liệt nữ”, “tài tử”, “anh hùng” với dáng vẻ và tâm thức rất đặc biệt “Khách tài tử không râu”, “Bạn anh hùng có ướm” ... có thể nói khát vọng đó thật vang dội mạnh mẽ, có thể thấy ở những câu thơ sau đây:
Nay thời đại văn minh
Quyết phấn trang nữ giới
Quyết thi tài nữ giới.
Vang lừng khắp hoàn hải
Cờ nữ liệt đâu đâu
Khách tài tử không râu
Bạn anh hùng có ướm.
Từ nhận thức về giới đến thay đổi vị thế, vai trò và chức năng nữ giới trong xã hội nhằm hướng đến sự mưu cầu bình đẳng, thay đổi cách nhìn nhận đánh giá của xã hội (bọn mày râu) về giới nữ:
Mấy lời em đàm đạo
Bạn gái tỉnh mau mau
Làm cho bọn mày râu
Không dám khinh ta nữa.
Nhận thức về giới và hành động thực hiện công bằng giới ở đây mới chỉ dừng lại ở việc nêu lên giải pháp thực hiện (học hành, đọc sách báo) nâng cao tri thức nhằm để xã hội công nhận xóa bỏ định kiến giới. Mà chưa chỉ rõ con đường tham gia hội đoàn như những bài sau này (ví dụ như bài giặm Vận động phụ nữ cứu nước4). Mặt khác trong sự tương quan giữa vẻ đẹp hình thức bên ngoài và vẻ đẹp tri thức bên trong, nhấn mạnh giá trị của trí tuệ và từ bỏ giá trị còn lại, suy cho cùng là thiên lệch, từ bỏ thiên tính nữ thuộc về thế mạnh bản sắc giới để theo đuổi đánh đổi chưa thực sự thuyết phục và không có ý nghĩa toàn vẹn trong việc xây dựng hình ảnh người phụ nữ mới.
3. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là những sáng tác độc đáo của người bản địa thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, có nguồn gốc từ lao động sản suất gắn với các ngành nghề như nuôi tằm dệt vải, trồng lúa, lấy củi, đi buôn, chèo thuyền... nhằm vơi đi nỗi mệt nhọc trong lao động và để giao lưu kết nối với các nhóm người đồng dạng về nghề nghiệp từ đó hình thành các phường hát thu hút người xem, người nghe vùng phụ cận. Trong quá trình phát triển, Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cải biến theo sự thay đổi của đời sống xã hội, phục vụ thị hiếu và nhu cầu thưởng thức của công chúng, điều này thấy rõ nhất là các bài hát giặm rất phổ biến trong việc tuyên truyền cách mạng, vận động nhân dân chống giặc cứu nước. Điều đó giải thích vì sao phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh lên đến đỉnh cao, đặc biệt cần nói đến sự kiện Xô viết 1930- 1931. Một trong nhiều nguyên nhân chính là công tác tuyên truyền sâu rộng và tinh thần hiệp đoàn chiến đấu trong nhân dân, trong đó họ đã dùng hát giặm để sáng tác các bài cổ động tuyên truyền, dễ nhớ dễ thuộc, truyền miệng khắp vùng miền.
Qua bài hát giặm Em khuyên chị chúng ta rút ra một số điểm quan trọng về về vấn đề giới trong Ví Giặm Nghệ Tĩnh:
Trước hết, việc tuyên truyền duy tân là mục tiêu ban đầu của bài hát Giặm, đối tượng là nữ giới trung lưu, nhằm thức tỉnh kêu gọi họ học tập để vượt ra giới hạn của lề lối cũ, từ đó tăng thêm cơ hội tiếp cận với thời đại mới văn minh tiến bộ. Do vậy, bài hát giặm Em khuyên chị là một diễn ngôn về giới cổ súy giải phóng cá nhân. Hướng tới hành động để giải phóng nữ giới khỏi tư tưởng phong kiến, giải phóng tiềm lực sức lao động, trí tuệ của con người.
Bài hát giặm Em khuyên chị là diễn ngôn tạo lập vị thế xã hội, vai trò xã hội, chức năng xã hội mới cho giới nữ. Đó chính là mẫu hình người phụ nữ lập thân, điều chỉ có ở nam giới, vốn dĩ dành cho nam giới, thì nay nữ giới phải hướng tới để có được và xứng tầm với thời cuộc.
Cải tạo xã hội mà cụ thể là nâng cao vị thế, năng lực, vai trò chức năng của giới nữ hướng tới giải phóng con người cá nhân hữu ích với cộng đồng dân tộc, trường hợp bài hát giặm Em khuyên chị5 là một biểu hiện tiêu biểu về vấn đề giới trong dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Chung Anh, Hát Ví Nghệ Tĩnh, NXB Văn sử địa, 1962.
[2] Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Hát Giặm Nghệ Tĩnh (quyển 2), NXB Sử học, Viện Sử học, 1962.
[3] Ninh Viết Giao, Hát phường vải, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002.
[4] Ninh Viết Giao, Kho tàng vè xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 1999.
[5] Thanh Lưu - Lê Hàm - Vi Phong, Âm nhạc dân gian xứ Nghệ, Nxb Âm nhạc, 1994.
[6] Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Nghệ An, Tuyển tập dân ca xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.
[7] Sở VHTT&DL Nghệ An, Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 2012.
Chú thích
1 Nguyễn Đổng Chi, Ninh Viết Giao, Hát Giặm Nghệ Tĩnh (quyển 2), NXB Sử học, Viện Sử học, 1962, trang 147.
2 TS, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Email: phamthucchi@gmail.com
3 Ngô Đức Kế (1878-1929) tên tự là Tập Xuyên, quê xã Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ tiến sĩ nhưng không làm quan, chỉ nhờ tiếp xúc tân thư mà tiếp thu tư tưởng mới. Ông là người hăng hái trong phong trào Đông Du và Duy tân. Ông bị thực dân Pháp buộc tội và đầy ra đảo Côn Lôn (1908), được thả năm 1921. Sau đó ông ra Hà Nội và tham gia viết báo Hữu Thanh, là một cây bút xuất sắc nổi tiếng.
4 Bài “Vận động phụ nữ cứu nước” ra đời thời kỳ mới giành chính quyền ở Nghệ Tĩnh sau cách mạng tháng 8. Trong đó có nhiều nội dung mới và cụ thể, như khuyến khích phụ nữ tham gia hội đoàn, mặt trận Việt Minh, du kích nữ binh...
5 Bài hát giặm Em khuyên chị được in lần đầu trên báo Tiếng Dân, tháng 8.1929.
TPHCM, 4/6/2021.
SƯU TẦM: TRƯƠNG HOÀNG LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét