Không tính 6 tập thơ “thù tạc” bảy tỏ ân nghĩa với quê hương, bạn bè, người thân, Trần Bảo Định (TBĐ) - “nhà văn - không thẻ” mới nhập cuộc làng văn với tập truyện Kiếp Ba Khía năm 2014, nên tôi gọi ông là “nhà văn trẻ”, mặc dù TBĐ sinh năm 1944, tức là đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Điều đáng kể hơn là chỉ mấy năm qua, TBĐ ra sách liên tục, đều do Nxb. Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM làm “bà đỡ”. Sau Kiếp Ba Khía (2014), tiếp Đời Bọ Hung (2015) và năm 2017 in liền 2 tập: Phận lìm kìm ra tháng 3, còn Chim phương Nam đang thơm mùi mực… Cuối năm nay, TBĐ còn có Ông già Nam Bộ nhiều chuyện (hai tập - Nxb. Hội Nhà văn).
Nói cho đúng thì cả 4 tập văn xuôi của TBĐ đều đậm đà… mùi “đất phương Nam”. Bạn văn Bích Ngân khi đảm trách Tổng Biên tập Nxb. Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM - đã nhận xét về văn xuôi TBĐ:
“…Tác giả sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ Nam Bộ một cách dân dã, hài hước, thú vị qua những sự đời, sự người, sự vật… với tính cách riêng, bằng vốn sống tích lũy và sự am hiểu sâu rộng của mình…”.
Còn tôi, qua tập truyện thứ 4 này của TBĐ, càng khẳng định ông xứng danh là “người kể chuyện dân gian hiện đại”. Chúng ta đều biết, nhiều truyện dân gian mượn con vật để nhắc nhở con người. TBĐ thì cả 4 tập truyện đều lấy nhan đề bằng tên con vật; tuy vậy, 3 tập trước, trong nhiều truyện, con vật chỉ là kẻ làm chứng, là “nhân vật” phụ để tác giả gửi gắm ý tưởng của mình; còn Chim phương Nam (CPN), tất cả 27 truyện, “nhân vật” chính đều là… chim! Cuốn sách ghi là “Tạp bút”, nhưng đúng như anh Hàn Tấn Quang (Chủ biên Tạp chí Kiến thức ngày nay) đã viết trong “Thay lời tựa” là những trang viết của TBĐ “không phải truyện mà thành truyện.” Hầu hết, đều đã đăng trên Kiến thức ngày nay; riêng truyện “Bìm bịp tiếng kêu thương”, TBĐ dành riêng cho Sông Hương Số đặc biệt tháng 6/2016. Hàn Tấn Quang hỏi “Vì sao”, TBĐ tủm tỉm cười: “Uống nước nhớ nguồn! Nếu Nguyễn Hoàng không vào đất Thuận Hóa (Đàng Trong) thì chắc gì có người Việt lưu dân vô phương Nam khẩn hoang lập ấp. Và rồi, chim Việt lạc xứ biết cành Nam ở phương nào mà tầm về xây tổ”!
Vậy mà nay, phương Nam với “mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mâu” (thơ Xuân Diệu) vẫn đó, nhưng biết bao loài chim không còn nơi xây tổ và đang bên bờ vực tuyệt chủng!
Cả 4 tập truyện, và đặc biệt với CPN, nhà văn TBĐ có lẽ là cây bút lập kỷ lục viết về loài vật trong làng văn Việt Nam. Cũng như nhiều nhà văn khác (như Nguyễn Quang Sáng với “Con mèo Fujita”, Kim Lân với “Con chó xấu xí”, Nguyễn Công Hoan với “Con ngựa già”, Nguyễn Văn Bổng với “Con trâu”…), TBĐ cũng “mượn loài vật” để gửi gắm những triết lý về nhân sinh, thời cuộc, nhưng bằng sự tập trung toàn truyện các loài chim trong CPN và nhiều truyện về nhiều loài vật khác trong 3 cuốn sách trước, TBĐ đã liên tục phát tín hiệu S.O.S. kêu cứu cho môi trường sinh thái đang bị con người hủy hoại với một tốc độ khủng khiếp, đến mức mà nhà văn từng đoạt giải Nobel Mạc Ngôn đã phải kêu lên: “Văn học của chúng ta kỳ thực gánh vác trách nhiệm to lớn, chính là trách nhiệm cứu lấy trái đất, cứu lấy nhân loại…” vì “Những ngày tháng tốt đẹp của nhân loại đã không còn nhiều nữa!” (Dẫn theo sách “Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương” của Nguyễn Thị Tịnh Thy). Như thế, có thể nói, TBĐ là một cây bút có đóng góp rất đặc sắc trong dòng “văn học sinh thái” đang ngày càng được chú ý; và do đó, các tác phẩm của ông, ngoài nét riêng là thể hiện cuộc sống vùng đất Nam Bộ một cách “dân dã, hài hước” bằng vốn tích lũy suốt cả cuộc đời sống giữa lòng dân vùng đất châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, đã vươn tới một chiều kích rộng lớn hơn và rất thời sự nữa.
Nhiều truyện trong CPN có cái kết làm chúng ta đau lòng, khi những con chim là bạn thân thiết của con người bị đưa lên bàn nhậu. Như con le le trở thành bạn của Đực Nụi, khi anh về cất chòi tại ngã ba Vàm Dưng, thậm chí nó làm nhiệm vụ cảnh giới, báo trước khi sắp có lính đi ruồng bố thì bầy le le rối đội hình bay về hướng chòi của anh; nhưng rồi con người “nhằm thỏa mãn ham muốn dục vọng… ngày nào le le cũng bị bắt bằng bẫy lưới do bọn “le le mồi”…”. Và khi nghe hung tin cả bầy le le bị hốt trọn lên xuồng, mặc dù le le trống tinh khôn dùng kế “điệu hổ ly sơn” lao mình trước mũi xuồng hòng cứu vợ con, “Đực Nụi ngồi uống hơn lít rượu một mình say bí tử” rồi thốt kêu lên: “Ác lai ác báo!” (Truyện “Le le, nỗi đau của mẹ”).
Trong truyện “Bìm bịp tiếng kêu thương”, chúng ta gặp những trang văn rưng rưng kỷ niệm tuổi thơ của chính tác giả nơi quê ngoại: “Đầu hạ, bìm bịp đẻ. Đầu thu, cả vợ lẫn chồng cùng gánh vác việc nuôi con, nó chẳng ly thân ly dị bao giờ. Mái nhường miếng mồi ngon cho chồng cho con… Tôi đã rình coi bữa ăn chiều sum họp của “gia đình bìm bịp” ở đám biền thí thời bom đạn…”; nhưng rồi “chỉ một lời đồn thổi bá vơ, người săn đuổi và tận tuyệt nòi bìm bịp, ngâm rượu tráng dương bổ thận…” nên khi tác giả “trở về khu vườn nhà ngoại sau bao năm đi xa… chỉ nghe tiếng lá rơi trên thềm nhà cũ. Cầu ao, bến nước, bãi biển… còn nằm trơ đó, bìm bịp thì tuyệt chủng rồi!”
Có lẽ không phải ngẫu nhiên TBĐ lấy tên người vợ hiền Lê Kim Phượng ghi dưới loạt truyện CPN khi đăng trên “Kiến thức ngày nay”. Thực ra, cả tập truyện là tiếng kêu của Đất Mẹ nhẫn nhục và bao dung như TBĐ đã miêu tả chuyện “má con cô Hai” bị giặc giết cùng con sáo trâu biết nói tiếng người thời Thủ khoa Huân khởi nghĩa (truyện “Miếu sáo trâu”). Trong CPN, rất nhiều lần người mẹ phải lên tiếng kêu cứu cho đàn chim, cũng là lời dạy nhân nghĩa đối với tuổi thơ còn dại dột. “Tôi bị má đánh đòn khi bắn thằng chái rớt bến sông. Sao con cướp đi sự sống của nó? Rồi ai cướp sự sống của con?...” (Truyện “Cánh chim thằng chài” - tức là chim bói cá).
Một cách khái quát hơn, trong truyện “Cú Mèo - chúa tể đêm”, TBĐ đã viết: “…Trời sinh muôn loài chắc là chẳng phải để giỡn chơi. Nếu chẳng phải để giỡn chơi, chắc trời ban mỗi loài có một giá trị về sinh thái và, nó cũng chẳng thể tách rời cả hệ sinh thái trong trời đất. Người “nhân danh” sự sống của mình, thay đổi hệ sinh thái thì chính sự thay đổi ấy sẽ từng bước cướp đi sự sống con người. Tàn sát chim cú mèo, vô tình người đứng về phía chuột, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giống nòi chuột nhanh chóng sinh sôi nẩy nở…”.
Tuy không phải là chủ đề của cuốn sách, nhưng nhân nhắc đến chim Cú Mèo, tưởng cũng nên gỡ mối oan, đồng thời là sự mê tín cả tin của không ít người rằng tiếng cú báo điềm gở, chết chóc. Hãy nghe TBĐ thuật lại lời của “bác Hai ở Cần Thơ”: “Ở đâu đêm tối có chuột, có cú mèo… Tiếng nó kêu giữa đêm trường mù mù tăm tăm đó là tiếng gọi bạn tình… Tùy bóng đêm và tùy tình huống săn bắt con mồi mà nó “rung cây nhát khỉ” qua tiếng kêu phát ra nhiều loại âm thanh: Rit, hét, gầm gừ… Con mồi nghe âm thanh cú kêu khiếp sợ rời chỗ núp, chạy trốn. Cú chờ có vậy và con mồi nạp mạng!”
Bạn hãy tin lời “bác Hai” (cũng là lời TBĐ), khi ông “viết như là một liệu pháp để vượt qua những cơn đau của chứng bệnh nan y, quái ác…“vét cạn lòng, nạo khô dạ” thành câu chữ “vàng ròng Nam Bộ” …” (Hàn Tấn Quang) không chỉ mang đậm triết lý nhân sinh mà nhiều trang miêu tả chi tiết các loài chim, từ màu lông ở khóe mắt, hình thù các ngón chân… cho đến điệu hót gọi bạn tình, một cách tỉ mỉ, sáng rõ và sinh động, có lẽ các thầy giáo dạy sinh vật cũng… chào thua!
Bây giờ, xin nhắc thêm một
câu nữa của Hàn Tấn Quang: “Hãy lần giở từng trang sách và đọc đi bạn…”.
NGUYỄN
KHẮC PHÊ
(Đọc
Chim phương Nam, tạp bút của Trần Bảo Định, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM,
2017).
TPHCM,
4/6/2021.
NGƯỜI
SƯU TẦM: TRƯƠNG HOÀNG LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét