Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

CHỨC NĂNG CỦA VĂN HỌC




 CHỨC NĂNG CỦA VĂN HỌC

1 . Chức năng nhận thức
- Văn học có chức năng khám phá những quy luật khách quan của đời sống xã hội và đời sống tâm hồn của con người. Nó có khả năng đáp ứng nhu cầu của con người muốn hiểu biết về thế giới xung quanh và chính bản thân mình. Không phải ngẫu nhiên đã có người cho rằng: “Văn học là cuốn sách giáo khoa của đời sống”. Chính cuốn sách ấy đã thể hiện một cách tinh tế và sắc sảo từng đổi thay, từng bước vận động của xã hội. Nó tựa như “chiếc chìa khoá vàng mở ra muôn cánh cửa bí ẩn, đưa con người tới ngưỡng cửa mới của sự hiểu biết thế giới xung quanh”.
- Tác phẩm văn học đem tới cho người đọc những kiến thức nhất định. Nhưng đấy không phải là mục đích cuối cùng của nhà văn. Nhà văn muốn qua những kiến thức đó, hướng người đọc tới những nhận thức về con người, về cuộc sống.
2. Chức năng giáo dục
- Nghệ thuật là hình thái đặc trưng, hình thành từ những tìm tòi, khám phá của người nghệ sĩ về hiện thực đời sống. Nghệ thuật mang đến cái nhìn toàn diện và đầy đủ hơn về xã hội, thể hiện những quan điểm của người nghệ sĩ, từ đó tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tình cảm, cảm xúc của người tiếp nhận. Chính vì vậy, nghệ thuật luôn ẩn chứa sử mệnh cao cả và thiêng liêng, góp phần làm đẹp cho cuộc đời. Tố Hữu đã từng phát biểu: “Nghệ thuật là câu trả lời đầy thẩm mĩ cho con người; thay đổi, cải thiện thế giới tinh thần của con người, nâng con người lên”. Còn Nguyên Ngọc thì khẳng định: “Nghệ thuật là sự vươn tới, sự hướng về, sự níu giữ mãi mãi tính người cho con người”.
- Muốn nhận thức một cách cúng đắn thì phải được giáo dục toàn diện. Vì thế chức năng giáo dục của văn học vô cùng quan trọng trong mọi thời đại. Văn học vừa bồi đắp tư tưởng tình cảm cho con người vừa thanh lọc tâm hồn còn người. Văn học hướng chúng ta điến những tư tưởng cao đẹp, biết đâu là điều đáng yêu đáng ghét, biết trân trọng cái thiện, cái đẹp đồng thời biết căm ghét và lên án cái xấu xa, độc ác vô nhân đạo. Và thanh lọc tâm hồn bởi những suy nghĩ đen tối, những xấu xa, ích kỉ để tâm hồn được trong sáng, đẹp đẽ, tự nhiên như cỏ cây hoa lá. Việc bồi đắp, thanh lọc của văn học âu cũng là ước mơ, mong muốn của tác giả: trên thế giới này, tất cả mọi người đều có những hành vi cao cả và đẹp đẽ!
3 . Chức năng thẩm mĩ
- Văn học đem đến cho con người những cảm nhận chân thực, sâu sắc và tinh tế nhất. Nghệ thuật sáng tạo trên nguyên tắc cái đẹp, vì thế không thể thoát khỏi quy luật của cái đẹp. Văn học luôn khai thác cái đẹp ở nhiều góc độ: thiên nhiên, đất nước, con người, con người, dân tộc. Giá trị thẩm mi của tác phẩm ẩn chứa cả nội dung và hình thức nghệ thuật. Nó đem đến cho người đọc cảm nhận, rung cảm về những nét đẹp giản dị, gần gũi ở cả cuộc đời thường lẫn những nét đẹp tượng trưng, mới lạ. Cách thức xây dựng ngôn từ của mỗi nhà văn, nhà thơ cũng đem lại nét đẹp cho tác phẩm.
Ta vẫn yêu biết bao cái sắc Huế trong những vần thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vười ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
(Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mạc Tử)
Câu thơ mở đầu hầu hết là thanh bằng, gợi âm điệu ngọt ngào của giọng người xứ Huế. Phải chăng đó là lời thăm hỏi, lời mời trách dịu dàng, tha thiết của người xưa đang vang trong trí tưởng tượng của thi nhân? Hay đây là lời thi nhân đang tự nhủ, tự nói với chính mình trong giây phút nhớ thương về quá khứ, về miền đất đẹp đẽ bình yên có người xưa? Chẳng biết. Chỉ biết rằng sau lời mời trách ấy, tâm hồn đau thương và cô đơn của thi sĩ hồi sinh, thi sĩ đã sống trong một trời cảm xúc với bao nhiêu kỉ niệm về thôn Vĩ.
Cảnh đất trời xứ Huế đã hiện ra thật đẹp, rất thơ, rất thực, tràn đầy sức sống với khu vườn xanh mát đang tắm mình trong khoảnh khắc của hừng đông. Ánh nắng ban mai tinh khôi, trong trẻo như đang tỏa hương chan hòa khắp thôn Vĩ. Cảnh vật gần gũi, giản dị, mộc mạc đơn sơ như chính gương mặt người xứ Huế “lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Vẻ đẹp của con người và thiên nhiên với bao đường nét kỳ thú như vậy đã trơ thành một đặc trưng cho những cảm hửng của thơ ca lãng mạn đầu thế kỷ XX.
- Chức năng thẩm mĩ là chức năng đặc trưng, đóng vai trò như một hệ thống của các chức năng. Về phía người sáng tác: Khi nghệ sĩ sáng tạo ra một tác phẩm văn học cũng là lúc họ đang đi đến cái hay, cái đẹp, đó là một hành trình vô cùng vất vả và gian khổ nhưng đầy sự thích thú và say mê. Bởi khi bắt tay vào viết tác giả phải tìm kiếm ngôn ngữ biện pháp nghệ thuật, cám diễn đạt sao cho hay và hợp lí nhất, để tạo ra một hình tượng nghệ thuật một tứ thơ độc đáo nhất. Nhưng cũng chính trong quá trình ấy, văn học đã mang đến một nguồn sinh khí làm xua tan bao nỗi vất vả đã mang đến một ngọn lửa rực cháy làm dấy lên trong lòng tác giả những thích thú, say mê, nhiệt huyết,… Về phía người tiếp nhận: chính niềm thích thú say mê trong quá trình sáng tác sẽ mang lại cho độc giả một sự trình thú thẩm mĩ. Khi đọc một tác phẩm văn học là lúc ta có nhu cầu thưởng thức cái hay, cái đẹp. Bởi cái vẻ đẹp của tác phẩm làm rưng động trái tim của bao người như bất cứ sự rưng động khác trước cái đẹp trong cuộc đời. Nhưng độc giả không chỉ có nhu cầu thưởng thức mà có nhu cầu sáng tạo, đồng sáng tạo với tác giả.

THPHCM, 6/01/2020
TRƯƠNG HOÀNG LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

VĂN HOÁ GIAO TIẾP của NGƯỜI NAM BỘ qua TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH – MỘT GÓC NHÌN                                                             ...