Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2021

Văn hóa Trung Quốc đầu thế kỉ XX – qua tác phẩm AQ chính truyện của Lỗ Tấn

 



DẪN NHẬP

1.    Lí do chọn đề tài

Trung Quốc là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời. Thời trung đại, văn hóa Trung Quốc đã có sự phát triển rực rỡ và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, đất nước Trung Quốc có nhiều biến động lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, văn hóa dân tộc. Đầu thế kỉ XX, khi thực dân phương Tây mở rộng thuộc địa, Trung Quốc đã trở thành “miếng mồi ngon”, đất nước Trung Quốc bị chia năm xẻ bảy bởi các nước Anh, Pháp, Hà Lan…

Lỗ Tấn là một trong những nhà văn hiện thực nổi tiếng của văn học Trung Quốc nửa đầu thế kỉ XX. Trong các tác phẩm của Lỗ Tấn, đất nước Trung Quốc hiện lên với đầy đủ các yếu tố điển hình của văn hóa Trung Quốc trong giai đoạn giao thời, đầy biến động này.

2.    Mục đích nghiên cứu

Đề tài Văn hóa Trung Quốc đầu thế kỉ XX – qua tác phẩm AQ chính truyện của Lỗ Tấn nhằm góp thêm một góc nhìn về văn hóa Trung Quốc đầu thế kỉ XX, góc nhìn văn học văn hóa. Từ đó, ta có thể hiểu thêm về văn hóa Trung Quốc trong giai đoạn lịch sử quan trọng này.

3.    Lịch sử vấn đề

Bài giới thiệu tác phẩm Lỗ Tấn (Trương Chính), năm 2004, phân tích kĩ về hình tượng người nông dân trong truyện ngắn của Lỗ Tấn và hiện thực phong trào cách mạng Trung Quốc trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

Nhìn chung, có rấ nhiều nhà phê bình, nghiên cứu viết về tác phẩm Lỗ Tấn nói chung và AQ chính truyện nói riêng. Tuy nhiên, hầu như chưa có công trình nghiên cứu tiếp cận tác phẩm của Lỗ Tấn từ góc độ văn học – văn hóa.

4.    Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

 Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là Văn hóa Trung Quốc đầu thế kỉ XX qua tác phẩm AQ chính truyện của nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc). 

Với đề tài này, chúng tôi xin giới hạn trong hệ tọa độ sau:

  • Về chủ thể: văn hóa vùng
  • Về không gian: đất nước Trung Quốc
  • Về thời gian: nửa đầu thế kỉ XX

Tư liệu khảo sát của đề tài này giới hạn trong truyện ngắn AQ chính truyện, in trong Tuyển tập Lỗ Tấn do nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh phát hành.

5.     Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

 Trong đề tài Văn hóa Trung Quốc đầu thế kỉ XX qua tác phẩm AQ chính truyện của Lỗ Tấn, chúng tôi vận dụng bộ công cụ ba thành tố văn hóa của Trần Ngọc Thêm[1] (văn hóa nhận thức – văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử) để phân tích những đặc điểm cơ bản của văn hóa Trung Quốc đầu thế kỉ XX trong tác phẩm AQ chính truyện của Lỗ Tấn.

Thông qua đề tài này, chúng tôi mong muốn được góp thêm tư liệu cho việc tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa Trung Quốc nói chung, văn hóa Trung Quốc giai đoạn tiếp biến văn hóa phương Tây nói riêng vào nửa đầu thế kỉ XX.

6.    Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu

Trong công trình này, trước hết, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành. Công trình được tiếp cận theo hướng nghiên cứu văn học – văn hóa nên chúng tôi vận dụng những thành tựu nghiên cứu trong văn học. Vì văn hóa Trung Quốc nằm trong phạm vi văn hóa vùng nên chúng tôi đồng thời vận dụng những kiến thức về xã hội học, sử học.

Bên cạnh đó, để làm rõ đặc điểm của văn hóa Trung Quốc trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, chúng tôi so sánh văn hóa Trung Quốc truyền thống và văn hóa Trung Quốc đầu thế kỉ XX. Phương pháp so sánh được sử dụng trong công trình này là so sánh lịch đại.

Cuối cùng, bản thân văn hóa vùng là một hệ thống tổ chức gồm nhiều yếu tố và các yếu tố này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế, trong công trình này, chúng tôi sẽ vận dụng phương pháp hệ thống để nghiên cứu.

Nguồn tư liệu chúng tôi sử dụng để khảo sát trực tiếp là tác phẩm AQ chính truyện của Lỗ Tấn. Chúng tôi chọn tác phẩm AQ chính truyện của Lỗ Tấn làm cơ sở khảo sát vì ở tác phẩm này, các đặc trưng của văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là văn hóa ứng xử, được thể hiện rõ nét nhất. Bên cạnh đó, nguồn tư liệu tham khảo, nghiên cứu quan trọng trong công trình này là các bài phê bình, bình luận về tác phẩm AQ chính truyện của Lỗ Tấn và các tư liệu về văn hóa Trung Quốc.

7.    Bố cục

Đề tài này gồm ba chương:

Chương 1: VĂN HÓA NHẬN THỨC QUA AQ CHÍNH TRUYỆN

Chương 2: VĂN HÓA TỔ CHỨC QUA AQ CHÍNH TRUYỆN

Chương 3: VĂN HÓA ỨNG XỬ QUA AQ CHÍNH TRUYỆN

Chương 1: VĂN HÓA NHẬN THỨC QUA AQ CHÍNH TRUYỆN

1.1.    Nhận thức về giai cấp

1.1.1. Địa chủ

Qua tác phẩm AQ chính truyện của Lỗ Tấn, ta thấy thế lực phong kiến, đại diện là giai cấp địa chủ, nắm chặt vận mệnh của nhân dân Trung Quốc về nhiều mặt: chính trị, tôn giáo, đạo đức, và cả kinh tế.

Trong AQ chính truyện, tầng lớp địa chủ trong xã hội được miêu tả thông qua nhân vật cụ Cố họ Triệu và cụ Cố họ Tiền. Ở làng Mùi, cụ Cố họ Triệu, cụ Cố họ Tiền tượng trưng cho kỉ cương, cho pháp luật, cho chân lí. Những gì chúng nói có giá trị như mệnh lệnh, dân chúng không thể không nghe theo. Thế lực của chúng lớn đến nỗi tất cả những ai có dính líu đến chúng đều trở nên nổi tiếng và được người dân nể sợ. Trong tác phẩm, vấn đề này được thể hiện thông qua chi tiết AQ xúc phạm người ở của cụ Cố họ Triệu, bị cụ Cố họ Triệu đánh cho một bạt tai. Và thế là luôn cả người bị đánh cũng nhờ đó mà lẫy lừng [Lỗ Tấn (Trương Chính dịch) 2004: 45]. Đây là chi tiết cường điệu hóa uy lực của giai cấp thống trị. Sự cường điệu hóa này chính là một thủ pháp nghệ thuật của tác giả để tô đậm hiện thực – hiện thực về quyền uy tuyệt đối của giai cấp thống trị trong xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX.

 Cùng với giai cấp địa chủ, quan lại cũng là một thế lực đầy uy quyền trong xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Trong AQ chính truyện, Lỗ Tấn ít miêu tả về quan lại, nhưng ta vẫn có thể thấy được uy quyền to lớn của chúng qua câu chửi oảng pa tàn [sđd: 55]. Đó là câu mà con trai cụ Cố họ Triệu chửi AQ. Câu chửi này khiến AQ, thường ngày vẫn coi con trai cụ Cố họ Triệu chẳng ra gì, phải hoảng hốt, sợ hãi. Cũng là câu chửi, nhưng oảng pa tàn trở nên đáng sợ hơn tất cả các câu chửi khác, vì đây là câu chửi mà chỉ những người hay lui tới cửa quan mới dùng đến. Chi tiết này còn cho ta thấy quan lại và địa chủ cùng cấu kết để áp bức người dân. Chúng tạo ra liên minh quyền lực, không ai có thể phá nổi.

Dù vô cùng giàu có nhưng cả giai cấp địa chủ và quan lại vẫn không từ bỏ một thủ đoạn nào, một cơ hội nào để làm giàu. Trong AQ chính truyện, cụ Cố họ Triệu nghe AQ bán các loại quần áo đẹp với giá rẻ, biết là AQ bán hàng ăn cắp, nhưng vẫn gọi AQ đến hỏi mua và cụ Cố bà dặn dò khi nào lại có thì mang đến một cái áo ghi-lê thứ tốt nhưng phải cho rẻ [sđd: 67]. Thậm chí, trước khi AQ về, cụ Cố còn dặn bất cứ đồ lề gì, hễ có là đưa đây ta xem trước nhé [sđd: 68]. Rõ ràng biết là của phi nghĩa nhưng nhà địa chủ này chỉ nhìn thấy lợi và luôn muốn giành lấy phần hơn về mình. Lòng tham của giai cấp địa chủ, qua AQ chính truyện, là lòng tham vô đáy.

Tầng lớp quan lại, đại diện là bác khán ở làng Mùi, cũng là những kẻ tham lam chẳng khác nào giai cấp địa chủ. Chúng luôn tìm mọi cách để bóc lột người dân, từng hào một. Trong AQ chính truyện, bất cứ khi nào bác khán đến nhà, thường là viện lí do đảm bảo trật tự trị an, người dân phải đưa cho bác vài hào, gọi là tiền uống rượu, nếu không muốn bị phiền hà, rắc rối. Số tiền này sẽ phải tăng lên gấp đôi nếu bác khán đến nhà vào ban đêm. Cũng chẳng khác gì cụ Cố họ Triệu, khi nghe tin AQ bán hàng gian, bác khán đến khám nhà y và việc đầu tiên bác làm là lấy quách bức nghi môn [sđd: 69] và sau đó là vòi thêm ít tiền rượu hàng tháng [sđd: 70]. Qua những chi tiết này, bộ mặt hám của, tham tiền, nhũng nhiễu nhân dân của quan lại trong xã hội Trung Quốc hiện lên sinh động, rõ nét.

Như vậy, trong xã hội Trung Quốc bấy giờ, kẻ đang đè đầu cưỡi cổ dân nghèo không phải là một bọn áp bức, bóc lột thông thường. Bọn chúng là những kẻ uy quyền, nắm pháp luật trong tay và có đủ thủ đoạn để trói chặt dân nghèo, làm cho họ mê muội để dễ bề sai khiến, bòn rút. Phía sau chúng là cả một chế độ thống trị hàng nghìn năm bảo vệ.

1.1.2.     Nông dân

Đặt tên cho nhân vật chính của mình là AQ, Lỗ Tấn muốn qua đó nói về số phận của hàng triệu người nông dân Trung Quốc trong thời kì này, những người không tên tuổi, không chức phận, địa vị, không có gì đặc biệt hay nổi trội trong cuộc sống. Họ là những người bình thường, lặng lẽ, vô danh. Và qua những gì AQ nghĩ, AQ hành động trong tác phẩm AQ chính truyện, cũng là suy nghĩ, hành động chung của đông đảo nông dân trong xã hội Trung Quốc đương thời.

Trước hết, họ chính là đối tượng bị giai cấp địa chủ, quan lại áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công trong xã hội. Tuy nhiên, trong cuộc sống, họ vẫn chưa nhận thức được kẻ thù thực sự của mình. Nhân vật AQ luôn coi cu D. – một người nông dân cùng khổ giống y – là kẻ thù số một của đời mình, vì cho rằng cu D. đã giành mất công việc, cướp miếng cơm manh áo của y. Mỗi lần gặp cu D.,  AQ mắng và lườm cu D. bằng một cặp mắt rất dữ tợn [sđd: 60]. Không nhận ra được kẻ thù đích thực của mình, giai cấp nông dân trong xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX, qua AQ chính truyện, quay sang thù ghét nhau, giẫm đạp lên nhau vì cuộc sống. Theo Lỗ Tấn, người nông dân trong xã hội bấy giờ vừa đáng thương vừa đáng trách.

Đối với giai cấp thống trị thì họ nghe lời và sợ hãi đến mê muội. Khi cụ Cố coi AQ là kẻ thù thì cả làng Mùi không ai dám thuê AQ làm việc, cũng không dám tỏ ý thân thiện với AQ, vì họ sợ cụ Cố họ Triệu. Bản thân AQ, khi bị điệu ra công đường, dù y không hề có tội và được lệnh cứ đứng mà nói nhưng cái thân xác mà hiện giờ phút này y không tự chủ được nữa cứ ngã sụp xuốngThế là y đành cứ thế mà quỳ [sđd: 85]. Qua chi tiết này, Lỗ Tấn muốn nói đến sự đớn hèn của đông đảo người dân Trung Quốc lúc bấy giờ. Họ đã phải chịu sự áp bức, thống trị hàng ngàn năm và giờ đây, sự áp bức này đối với họ như một “lẽ tự nhiên”, không thể làm trái.

Một điều xấu xí, “căn bệnh quốc dân tính” ở người nông dân trong xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX – theo Lỗ Tấn – là sự tàn nhẫn và vô cảm. Họ không hề động lòng trước nỗi đau của người khác. Trái lại, họ coi đó là trò đùa, và họ hả hê, sung sướng khi chứng kiến sự bất hạnh của người khác. Khi AQ chòng ghẹo, bắt nạt cô tiểu chùa Tĩnh Tu, bao nhiêu người trong quán rượu cũng cười đắc ý gần bằng AQ [sđd: 50]. Không ai thương xót, bênh vực cô. Kết thúc câu chuyện, khi AQ bị đưa ra pháp trường xử bắn, hàng đoàn người lũ lượt kéo nhau đi xem và thản nhiên bình luận. Họ coi việc đi xem người bị xử tử như là xem một cuộc diễu hành, như là một thú vui. Vì thế, họ không thỏa mãn vì bắn người trông không vui mắt bằng chém [sđd: 91]. Nhẫn tâm hơn, họ chê bai AQ và tiếc công đi theo người tử tù vì hắn không hát lên được một câu, thành ra theo nó bao nhiêu đường đất, chỉ mất công toi [sđd: 91]. Dưới ngòi bút của Lỗ Tấn, quần chúng còn mê muội và tàn nhẫn. Cái quần chúng trong AQ chính truyện chạy theo xem AQ, khi AQ bị đưa ra pháp trường, cũng là cái quần chúng đứng chứng kiến cuộc chặt đầu tên Hán gian tay sai của đế quốc Nga, sau khi bị đế quốc Nhật bắt được trong bài Tựa Gào thét. Đó là quần chúng thản nhiên cho Hạ Du là điên trong Thuốc. Đó cũng là quần chúng mà Lỗ Tấn đã trực tiếp chứng kiến khi ở Nhật, quần chúng khiến Lỗ Tấn từ bỏ học y chuyển sang viết văn để phanh phui căn bệnh tinh thần của quốc dân.

Trong những “bệnh tật” của người nông dân mà Lỗ Tấn nêu ra, có những bệnh do giai cấp thống trị mang lại, như tư tưởng định mệnh (Nhuận Thổ, trong truyện Cố hương), những điều mê tín dị đoan (thím Tường Lâm, trong truyện Lễ cầu phúc) hay phương pháp thắng lợi tinh thần (AQ trong AQ chính truyện). Nhưng có những bệnh tật thì, theo ông chính nông dân có sẵn trong người họ, thí dụ như thái độ bàng quan, lạnh nhạt trước những nỗi bất hạnh của kẻ khác.

Lỗ Tấn thấy nông dân là những người chịu hiều nỗi khốn khổ, nhưng không phải lúc nào họ cũng chịu lép một bề. AQ biết căm thù kẻ áp bức mình. Trong làng Mùi, y ghét nhất bọn địa chủ và con cái địa chủ. Y xem lão Tây giả, thằng cả con cụ Cố họ Tiền là kẻ thù của y. Lòng căm thù giai cấp địa chủ của người nông dân – qua nhân vật AQ – bộc lộ rõ nhất là lúc phong trào cách mạng nổi lên, AQ muốn làm cách mạng để cách mẹ cái mạng của bọn địa chủ, tìm cho mình con đường sống.

1.2.      Nhận thức về cách mạng

Đầu thế kỉ XX, đất nước Trung Quốc chịu những biến động dữ dội. Nhiều cuộc cách mạng xã hội diễn ra. Nhưng đối với đa số nông dân, cách mạng và các phong trào cách mạng ấy là một cái gì đó vô cùng trừu tượng, xa lạ, khó hiểu. Thậm chí, họ còn coi những người làm cách mạng chẳng khác gì những kẻ phản tặc hay những kẻ tội ác tày trời, làm cách mạng tức là làm giặc [sđd: 71]. Họ hớn hở cùng nhau đi xem những nhà cách mạng bị xử chém và bình phẩm giết tụi cách mạng ấy mà! Úi chao chao, vui vui quá cơ [sđd: 66].

Cuộc cách mạng Tân Hợi 1911, qua AQ chính truyện, đối với người nông dân, chỉ là một cuộc chính biến, vương triều này đánh đổ vương triều kia để lên ngôi trị vì mà thôi. Vì thế, họ đồn nhau, bảo rằng những nhà cách mạng mặc áo giáp bạch, mũ bạch, ăn bận trắng toát một loạt để tang cho vua Sùng Chính [sđd: 71]. Họ cho rằng những người làm Cách mạng ủng hộ nhà Minh lật đổ nhà Thanh nên mới để tang cho vua Sùng Chính như thế.

Với giai cấp địa chủ, cách mạng là cơ hội để họ tiếp tục vơ vét. Khi phong trào cách mạng lan đến làng Mùi, cậu Tú nhà họ Triệu và lão Tây giả nhà họ Tiền hẹn hò cùng nhau đi làm cách mạng. Nhân danh cách mạng, chúng đến chùa Tĩnh Tu ra oai và khi chúng đi thì cái lư hương Tuyên Đức xưa nay vẫn để thờ trước tượng đức Quan Âm đã biến đâu mất rồi [sđd: 77]. Đoạn này nói rõ được tính chất cơ hội của bọn địa chủ trong cuộc cách mạng. Cậu tú họ Triệu, lão Tây giả đã trở thành những nhà cách mạng chính cống như thế. “Thành tích” duy nhất của chúng là đập nát cái bài vị thờ vua ở chùa Tĩnh Tu rồi cuỗm cái lư hương Tuyên Đức. Sau cuộc cách mạng Tân Hợi, giai cấp địa chủ vẫn giữ quyền ở nông thôn như ngày trước, chẳng có gì thay đổi khác trước. quan huyện vẫn là quan huyện cũ, chẳng qua bây giờ gọi là quan gì gì ấy, mà Cụ Cử cũng làm quan gì gì ấy [sđd: 78]. Qua đó, Lỗ Tấn đã nói lên tính chất của cuộc khởi nghĩa, giai cấp tư sản thỏa hiệp với thế lực phong kiến. Trật tự xã hội và những bất bình đẳng mà người nông dân phải chịu vẫn không có gì thay đổi.

Trong AQ chính truyện, Lỗ Tấn vạch trần tính chất giả dối và phản động của giai cấp tư sản và phê phán tính chất không triệt để của phong trào cách mạng do giai cấp tư sản lãnh đạo. Kết quả của phong trào cách mạng đó là người dân vô tội bị bắt bớ, giam giữ do ông nội tớ còn thiếu Cụ Cử một món nợ cũ [sđd: 85]. Tư sản đã thỏa hiệp với giai cấp địa chủ và quyền lực vẫn nằm trong tay địa chủ phong kiến. Và giai cấp địa chủ đó, lợi dụng làn sóng cách mạng, tăng cường áp bức người dân.

Tiểu kết chương 1

Trên đây chúng tôi đã trình bày những nhận thức của Lỗ Tấn về các giai cấp trong xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX và nhận thức của người nông dân về Cách mạng Tân Hợi. Xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX mang trong nó những đặc điểm của xã hội Trung Quốc truyền thống, lâu đời. Trong xã hội đó, những mâu  thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị vẫn tồn tại dai dẳng. Qua AQ chính truyện, Lỗ Tấn đã cho chúng ta thấy những nhận thức mới mẻ của ông về giai cấp nông dân. Đó là sự hèn nhát, nhu nhược. Theo Lỗ Tấn, đây là căn bệnh nguy hiểm nhất mà nông dân Trung Quốc nói riêng, người dân Trung Quốc nói chung mắc phải. Về phía cách mạng, qua so sánhự phản ánh nhận thức sai lệch của nông dân về cách mạng, Lỗ Tấn đã chỉ ra những nguyên nhân quan trọng khiến cuộc cách mạng Tân Hợi không thành công, đó là thiếu sự tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Đồng thời, Lỗ Tấn cũng đã chỉ tính chưa triệt để của cuộc cách mạng này.

Chương 2: VĂN HÓA TỔ CHỨC QUA AQ CHÍNH TRUYỆN

2.1.  Tổ chức đời sống xã hội

Trong xã hội Trung Quốc thời bấy giờ, địa vị càng cao thì uy quyền càng lớn. Ở cái làng Mùi nhỏ bé, cụ Cố họ Triệu là oai phong nhất. Nhưng oai mấy cũng không thể bằng oai của cụ Cử trên huyện. Trong AQ chính truyện, nhân vật AQ rời làng Mùi lên huyện kiếm kế sinh nhai. Ở trên huyện, y làm công ở nhà cụ Cử. Khi trở về làng, mọi người nghe AQ làm việc ở nhà cụ Cử vô cùng kiêng nể y. Lỗ Tấn mỉa mai địa vị AQ – chưa thể nói rằng oai hơn Cụ Cố họ Triệu nhưng nói xấp xỉ thì cũng chẳng sai bao nhiêu [sđd: 66]. Chỉ là một kẻ đầy tớ cho cụ Cử trên huyện nhưng bấy nhiêu đó cũng khiến tên tuổi AQ trở nên lẫy lừng trong cái làng Mùi nhỏ bé, thậm chí oai phong không kém cụ Cố họ Triệu – người oai nhất làng từ trước đến giờ. Qua đó, ta thấy được tính tôn ti mạnh mẽ trong trật tự uy quyền ở xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX.

Trong xã hội Trung Quốc đương thời, tầng lớp địa chủ nắm quyền bính trong tay. Xung quanh chúng là cả một hệ thống tay sai, từ bác khán – đại diện cho chính quyền – đến những người dân thường như Triệu Bạch Nhãn, Triệu Tư Thần, thím Bảy Trâu. Tất cả bọn họ hoặc là bà con láng giềng, hoặc có quan hệ kinh tế, hoặc có quan hệ huyết thống với địa chủ. Vì nhiều lí do khác nhau, cuộc sống của họ dựa vào giai cấp thống trị, và họ đã trở thành tay sai đắc lực cho chúng. Thông qua đám tay sai, giúp việc trung thành tuyệt đối này, giai cấp địa chủ thao túng, lũng đoạn mọi mặt cuộc sống nhân dân. Không những thế, chúng đặt ra hết thông lệ này đến thông lệ nọ. Những thông lệ – dù hết sức vô lí – trở thành những tập quán bất di bất dịch, có khi lại còn hiệu lực hơn cả pháp luật nhà nước. Từ đó, ta thấy ở Trung Quốc thời bấy giờ, hiện tượng “phép vua thua lệ làng” cũng tồn tại hết sức mạnh mẽ. Trong AQ chính truyện, khi xảy ra việc tranh chấp, đánh nhau giữa người nhà cụ Cố họ Triệu và AQ, không cần tra hỏi, tìm hiểu, mọi người luôn luôn cho rằng nhất định là lỗi của AQ rồi [sđd: 45]. Những gì giai cấp thống trị làm, qua hình ảnh nhân vật cụ Cố họ Triệu trong tác phẩm AQ chính truyện, luôn luôn là “lẽ phải”, là “công lí”.

2.2.   Tổ chức đời sống cá nhân

Trong giới hạn của một tác phẩm khoảng 70 trang sách, Lỗ Tấn đã đề cập đến văn hóa tổ chức đời sống cá nhân của giai cấp thống trị, dù sự đề cập này chưa đầy đủ và toàn vẹn. Trước hết, giai cấp địa chủ – qua nhân vật cụ Cố họ Triệu – là những người giàu có nhất trong làng. Trong nhà luôn có người ăn kẻ ở và vú em. Tuy thế, chúng sống rất keo kiệt và bủn xỉn, ngày thường ở nhà này ăn cơm xong là đi ngủ ngay, lệ không được đỏ đèn [sđd: 54]. Để không phải vừa thắp đèn vừa ăn cơm, nhà cụ Cố họ Triệu ăn cơm tối sớm hơn nhà người khác. Lệ không được thắp đèn vào buổi tối ở nhà cụ Cố họ Triệu được tuân thủ tuyệt đối và chỉ có hai ngoại lệ, một là khi cậu Tú sôi kinh nấu sử [sđd: 54] và hai là khi AQ đến giã gạo đêm. Ngoài ra, những chi tiết này còn cho ta thấy được giai cấp địa chủ rất coi trọng việc học hành. Vì qua con đường học hành, đỗ đạt làm quan, địa chủ có thể trở thành quan lại. Ngược lại, nhờ làm quan, chúng có cơ hội vơ vét tài sản của nhân dân và nhanh chóng trở nên giàu có, chiếm được nhiều đất đai. Từ đó, ta thấy được mối liên minh địa chủ – quan lại vô cùng bền vững trong xã hội Trung Quốc bấy giờ.

Còn những người nông dân, đại diện là AQ, đến cái họ của mình cũng bị tước mất. AQ vốn họ Triệu nhưng vì nghèo đói, nên không được nhận là họ Triệu, họ của tên địa chủ giàu có nhất làng Mùi, mày là người họ Triệu thế nào được kia chứ? Mày mà họ Triệu vào cái ngữ nào? [sđd: 35]. Người nghèo hèn thì cả cái họ của mình cũng không được nhận. Không có họ thì không có thân thích. Và cả quê quán cũng không có nốt. AQ họ gì chưa rõ lắm, thì quê quán y ở đâu cũng chưa có thể xác định được. Tiếng rằng AQ bình sinh vẫn trú ngụ ở làng Mùi, nhưng y lại cứ luôn đi ngủ trọ đâu đâu ấy. Thành thử không thể nói y là người làng Mùi được [sđd: 37]. Đó là số phận bi thảm của người bần cố nông trong xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX.

Cuộc sống của AQ cũng hết sức khổ cực, bấp bênh. Y không hề có nhà cửa. Nơi ở của y là đền Thổ Cốc làng Mùi [sđd: 38]. Y cũng không có nghề nghiệp nhất định, ai kêu gì làm nấy, việc lúc có lúc không, tiền công rẻ mạt. Y sống ngày nào biết ngày đó, không biết được tương lai sẽ ra sao. Khi phải nộp phạt vì xúc phạm người ở của cụ Cố họ Triệu, AQ lâm vào cảnh cùng quẫn. Để lo số tiền nộp phạt, AQ cả cái áo chẽn bông cũng bán đi rồi [sđd: 61]. Vật đáng giá nhất còn lại của AQ là cái quần trên người và y cũng đắn đo muốn bán, vì y vẫn chưa thể nào lo đủ số tiền nộp vạ cho cụ Cố họ Triệu. Qua AQ, ta thấy trong xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX vẫn tồn tại những người bần cố nông, không tài sản, không nơi tấc đất.

Tiểu kết chương 2

Trong lĩnh vực tổ chức đời sống xã hội, qua AQ chính truyện, ta thấy nổi rõ lên vai trò quan trọng, quyền lực của giai cấp địa chủ. Chúng là những kẻ nắm quyền hành trong tay, điều khiển toàn bộ cuộc sống của người dân. Về lĩnh vực tổ chức đời sống cá nhân, qua tác phẩm của Lỗ Tấn, ta thấy được cách tổ chức đời sống của hai giai cấp tiêu biểu lúc bấy giờ, giai cấp địa chủ và giai cấp nông dân. Địa chủ thì giàu sang, tiền của đầy nhà nhưng hết sức keo kiệt, bủn xỉn. Nông dân thì lâm vào cảnh nghèo khốn cùng, không tấc đất cắm dùi, không quê quán, không thân thích

Chương3: VĂN HÓA ỨNG XỬ QUA AQ CHÍNH TRUYỆN

3.1  Lấy mình làm bản vị

Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, người Trung Quốc luôn tự hào về dân tộc mình, lấy các giá trị của dân tộc mình làm thước đo giá trị các dân tộc xung quanh. Đến lượt cá nhân mình, người Trung Quốc lấy mình làm thước đo để nhận xét người khác. Chỉ những gì bản thân mình làm mới là chuẩn, là đúng. Người ta làm khác mình tức là người ta sai, người ta kém cỏi. Trong AQ chính truyện, cách ứng xử trên được thể hiện qua các chi tiết AQ chê người trên huyện là đáng cười, là sai chỉ vì người trên huyện gọi ghế dài là “tràng kỷ”, cho nhánh hành thái nhỏ vào chảo khi rán cá [sđd: 39]. Theo Lỗ Tấn, đây cũng là một thứ căn bệnh tinh thần thâm căn cố đế không chỉ của người nông dân mà còn là của đại bộ phận người dân Trung Quốc – căn bệnh do di chứng của chế độ phong kiến trì trệ, kéo dài hàng ngàn năm ở Trung Quốc.

3.2.  Nam giới là nhất

Chế độ phong kiến và học thuyết Nho gia ở Trung Quốc kéo dài hàng thế kỉ, vì thế, nhiều tư tưởng, quan niệm của nó đã ảnh hưởng sâu đậm cách đối nhân xử thế của mọi giai tầng trong xã hội. Một trong những tư tưởng phổ biến, hằn rõ trong xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX là tư tưởng trọng nam khinh nữ. Ngay cả đến AQ, một bần cố nông, không hề học qua chữ nghĩa Khổng – Mạnh, suốt đời chỉ quay quắt với miếng cơm manh áo, cũng hết sức khinh miệt phụ nữ. Khi AQ biết cái đuôi sam của lão Tây giả là đồ giả, AQ cho đó là một điều sỉ nhục ghê gớm và tự nhủ thế mà con vợ hắn không biết đường nhẩy xuống giếng một lần thứ tư nữa cho chết quách đi [sđd: 48]. Qua chi tiết trên, ta thấy AQ quan niệm vợ phải theo chồng, và phải giữ gìn tiết hạnh của mình. Chồng sang thì vợ được nhờ nhưng chồng làm điều thất đức, sỉ nhục thì người vợ phải lấy tính mạng của mình để can ngăn chồng và chứng tỏ tiết hạnh của bản thân. Thật là một quan niệm đầy bất công đối với phụ nữ. Thậm chí, ngay cả một người như AQ cũng cho rằng đàn ông nước Trung Hoa nhà mình phần đông vốn có thể thành ông thánh hiền cả. Chỉ tai hại vì một lũ đàn bà mà thành ra hỏng hết [sđd: 52]. Đây là quan niệm hết sức thiên lệch, đầy bất công đối với phụ nữ của giai cấp phong kiến. Lần giở các trang sử Trung Quốc, các câu chuyện về Trụ Vương, Ngô Phù Sai, Đường Minh Hoàng,… hầu hết mọi người đều chung một nhận định rằng họa vong quốc là do nữ sắc gây ra. Hầu như chẳng có sử gia hay tác giả truyện dân gian nào kết án vua cả. Và giờ đây, qua AQ chính truyện, ta thấy tư tưởng này ảnh hưởng đến suy nghĩ của từng người đàn ông trong xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX, cho dù đó là kẻ khố rách áo ôm, thuộc loại cùng đinh trong xã hội như AQ. 

3.3  “Mạnh được yếu thua

Ở làng Mùi, AQ chẳng bằng ai, khi đánh nhau với mọi người thì AQ thua nhiều hơn được. Nhưng so với một cô gái chân yếu tay mềm như cô tiểu chùa Tĩnh Tu – một cô gái yếu ớt, hiền lành – thì AQ mạnh hơn hẳn. Vì thế, hắn thả sức bắt nạt cô, ngay giữa chốn đông người và lấy thế làm đắc ý, muốn cho bấy nhiêu “khán giả” được hài lòng, y rán sức véo luôn một cái nữa thật mạnh vào má cô bé rồi mới buông tay [sđd: 50]. Y không đánh lại  lão “Tây giả” được thì y chọc phá cô tiểu chùa Tĩnh Tu. Bị kẻ mạnh hơn bắt nạt, AQ không làm gì được nên hắn tìm kẻ yếu hơn mình để bắt nạt lại. Đằng nào AQ cũng phải thắng mới chịu. Đây là phép “thắng lợi tinh thần” của AQ.

Thường ngày, AQ trú nhờ trong đền Thổ Cốc. Vậy nên với lão giữ đền, AQ có một chút kiêng dè. Chỉ cần AQ về quá giờ quy định là lão đóng cửa đền, không cho y vào. Nhưng sau đó, khi AQ theo cách mạng, dựa vào thanh thế của cách mạng thì thái độ đối xử của người dân làng Mùi, và của lão giữ đền Thổ Cốc đối với AQ thay đổi hẳn. Không những không còn khinh miệt AQ, lão  còn làm một bữa cơm thịnh soạn chờ AQ về ăn. AQ được mời, chễm chệ ngồi ăn, ăn xong, y còn lấy một đoạn nến bốn lạng thắp dở và cái cọc nến mang về buồng nhỏ của y [sđd: 74]. Sự đổi ngôi trong mối quan hệ giữa AQ và lão chủ đền là do sự thay đổi vị thế giữa hai bên. Qua đó, ta cũng thấy được phần nào cách ứng xử tương đối phổ biến trong Trung Quốc lúc bấy giờ. “Cá lớn nuốt cá bé”, “kẻ mạnh hiếp đáp kẻ yếu” là hiện tượng thường thấy ở xã hội Trung Quốc đương thời.

3.4 “Phép thắng lợi tinh thần”

Trong xã hội truyền thống Trung Quốc, người dân luôn sợ hãi địa chủ và quan lại. Vì chúng nắm cả kinh tế, cả luật pháp, điều hành toàn bộ đời sống xã hội. Nhưng đến đầu thế kỉ XX, qua AQ chính truyện, một thế lực nữa khiến người dân phải nể trọng và có đôi chút khiếp sợ – thế lực đồng tiền. Cũng là AQ, nhưng khi mang trong người mình những xâu tiền lủng lẳng, AQ được người dân trong làng Mùi trọng thị hẳn lên, vì kinh nghiệm của mọi người là đối với hạng người này, thà kính trọng họ một chút còn hơn là tỏ vẻ khinh bỉ [sđd: 64]. Qua đó, ta thấy ngoài tầng lớp thống trị, người dân Trung Quốc còn chịu sự áp bức của những người lắm tiền nhiều của.

Trong xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX, người dân chịu nhiều áp bức, bất công, cuộc sống bất hạnh. Và cách để người ta đối diện với những điều bất như ý trong hiện tại là tìm về quá khứ nhà tao xưa kia có bề thế bằng mấy nhà mày kia [sđd: 38] để tự hào, làm chỗ dựa tinh thần; hoặc mơ tưởng tới tương lai con tớ ngày sau lại không làm nên, to bằng năm bằng mười lũ ấy à! [sđd: 39] để hả hê, làm động lực tồn tại. Trốn về quá khứ hay sống trong ảo tưởng tương lai cũng là một “căn bệnh tinh thần” trong cách ứng xử với đời sống xã hội của đông đảo nhân dân Trung Quốc lúc bấy giờ. Trước thực trạng xã hội đen tối, bi đát, một số người hoài niệm thời vàng son đã qua và lấy đó làm hãnh diện khi so sánh với các nước phương Tây. Một số khác thì lại tự nhủ rồi tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Đó là những cách ứng xử tiêu cực, khiến xã hội Trung Quốc trì trệ và Lỗ Tấn ví von cách ứng xử của người dân như vậy chẳng khác nào đang “ngủ yên trong cái hộp bằng sắt không có cửa sổ, tưởng là an toàn, bình yên nhưng thực tế là sẽ bị chết ngạt lúc nào không biết.

Một “phép thắng lợi tinh thần” khác của AQ là lườm kẻ thù bằng một cặp mắt giận dữ [sđd: 40]. Không đánh lại kẻ thù mạnh hơn mình, AQ tự xoa dịu, tự hài lòng bằng cách khinh bỉ chúng, coi thường chúng, thậm chí cho rằng thứ chúng mày không xứng [sđd: 41]. Đó là “phép thắng lợi tinh thần” không chỉ của AQ mà còn là của đông đảo tầng lớp Nho sĩ trong xã hội Trung Quốc bấy giờ. Với rất nhiều lí thuyết Khổng – Mạnh, với niềm tự hào về truyền thống 4000 năm của dân tộc, họ tự cho mình là thanh cao, là danh giá, họ xem thường, khinh bỉ người Tây, người Nhật, coi những dân tộc ngoại bang thấp kém hơn mình và không thèo tranh cãi, đánh nhau với chúng. Thực chất của cách ứng xử đối với ngoại bang này, theo Lỗ Tấn, là “căn bệnh tinh thần” của nhân dân Trung Quốc. Hay đó chẳng qua là cách sống hèn nhát và tự ru ngủ mình của một bộ phận không nhỏ nhân dân Trung Quốc lúc bấy giờ.

Nếu bất đắc dĩ phải đối đầu với kẻ thù mạnh hơn mình, AQ đứng chịu trận và tự nhủ nó đánh mình thì khác gì nó đánh bố nó [sđd: 41], hoặc cứ cho là “con nó cướp của bố đi” [sđd: 44]. Thậm chí, nếu bị đòn đau quá, tự nhủ như thế vẫn chưa thể giúp tinh thần mình thoải mái được, AQ sẽ Chuyển bại thành thắng bằng cách tự đánh mình thật đau và tưởng tượng người đánh là mình mà người bị đánh lại là một “mình” nào khác [sđd: 44]. Đó là chi tiết có tính chất cường điệu, khoa trương của Lỗ Tấn khi xây dựng nhân vật AQ và phép thắng lợi tinh thần của y. Nhưng qua chi tiết này, ta thấy được sự thật là trong cuộc sống xã hội lúc bấy giờ, có những kẻ bất tài nhưng đầy ảo tưởng. Thực chất, những kẻ đó không bằng ai nhưng lại luôn thích tự cho rằng mình giỏi hơn người khác, người khác không ai có thể sánh bằng mình. Những kẻ đó không bao giờ chịu chấp nhận thất bại, luôn tìm lí do để bào chữa cho sự hèn kém của mình.

Một cách ứng xử với những nguy hiểm trong cuộc sống là tư tưởng “số mệnh”. Trước mối tai họa đe dọa sinh mạng của bản thân, AQ cũng có thể tìm cách tự hài lòng với nghịch cảnh. Khi AQ bị điệu ra công đường hỏi cung và kí tên vào bản cung, AQ trong bụng vô cùng lo lắng nhưng không còn cách nào để thoát khỏi cảnh ngộ nguy hiểm này, y tự nhủ người ta sinh ra ở trong trời đất thì tất cũng phải có lúc bị dắt ra dắt vào trong ngoài một cái trại giam, có lúc phải nắm cái quản bút mà vẽ một cái vòng tròn [sđd: 85]. Nhủ thế, y yên tâm với hoàn cảnh hiện tại, chẳng còn băn khoăn vì sau mình bị đối xử bất công đến thế, cũng chẳng còn lo lắng hậu quả của cái việc vẽ cái khuyên tròn vào bản cung là gì. Đến khi bị đưa đi hết phố này đến phố khác để mọi người trông thấy, ban đầu AQ cũng cảm thấy đó là một hành động khiến y cảm thấy mất mặt, lo lắng nhưng sau đó, y cũng đã mượn đến “số mệnh” và cho rằng người ta sinh ra trong trời đất, trước sau cũng có một lần phải bêu phố để cho mọi người trông thấy như vậy [sđd: 89]. Thậm chí, đến khi đối diện với đao phủ, cuộc sống chỉ còn tính bằng giây phút, AQ cũng có thể tự tìm cách thỏa mãn, hài lòng với hiện tại khắc nghiệt, phũ phàng đó bằng cách nhủ với mình người ta sinh ra trong trời đất, trước sau cũng có thể có một lần bị chặt đầu [sđd: 89]. Đó chính là mức độ cao nhất của “phép thắng lợi tinh thần” của AQ. Qua đó, ta có thể thấy rằng thuyết “số mệnh” đã an sâu vào tâm tưởng người dân Trung Quốc, trở thành phương châm xử thế của họ. Chính thuyết “số mệnh” đã khiến cho AQ, và nhân dân Trung Quốc, trở nên u mê, lạc hậu, trì trệ. Hậu quả là cả xã hội thành một con bệnh trầm kha, kìm hãm sự phát triển của dân tộc, kéo dài cuộc sống bị đô hộ, áp bức.

Tiểu kết chương 3

Có thể nói trong tác phẩm AQ chính truyện của Lỗ Tấn, văn hóa ứng xử với môi trường xã hội của người dân Trung Quốc đầu thế kỉ được phản ánh rõ nét, sinh động. Thành công của Lỗ Tấn là đã phát hiện ra những quy luật ứng xử của người dân Trung Quốc trong giai đoạn này. Có những quy luật là hệ quả của chế độ phong kiến cổ hủ hàng ngàn năm, đó là cách ứng xử theo cách lấy mình làm bản vị để phán xét người khác, là thái độ coi thường người phụ nữ. Có những quy luật là sản phẩm đặc trưng của xã hội Trung Quốc đương thời, như “mạnh được yếu thua” hay những phép “thắng lợi tinh thần”. Từ những cách ứng xử trong xã hội Trung Quốc, Lỗ Tấn đã khái quát thành những quy luật chung và tập trung thể hiện chúng qua nhân vật AQ.

KẾT LUẬN

Lỗ Tấn là nhà văn hiện thực nổi tiếng của Trung Quốc đầu thế kỉ XX. Những hiện thực trong tác phẩm của ông nói chung, AQ chính truyện nói riêng, là hiện thực nhức nhối, căn bệnh trầm kha trong xã hội Trung Quốc đương thời. Điểm đặc sắc, giá trị cao nhất trong tác phẩm của ông chính là do Lỗ Tấn đã phát hiện và phản ánh thực trạng xã hội, đời sống văn hóa của người dân Trung Quốc ở những góc độ mới mẻ, chân thực nhất. Thông qua tác phẩm của Lỗ Tấn, ta có thể hình dung phần nào bức tranh đời sống văn hóa của nông dân – giai cấp chiếm đa số – trong xã hội Trung Quốc thời bấy giờ.


TPHCM, 11.06.2021

TRƯƠNG HOÀNG LONG




ẨM THỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG DƯỚI GÓC NHÌN ĐỊA VĂN HÓA

 

 

DẪN NHẬP

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng đất mới so với quá trình phát triển lâu đời của dân tộc ta. Sự khác biệt về điều kiện tự nhiên và lịch sử hình thành đã tạo cho cư dân vùng đất này những nét đặc trưng văn hóa riêng. Và một trong những nét riêng, đặc sắc của văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long là ẩm thực. Trong phạm vi bài này, tôi đề cập đến một số món ăn nổi tiếng của vùng đất này và thành phần cấu tạo của các món ăn đó, từ góc nhìn địa văn hóa.

Món ngon đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều. Nhưng thiết nghĩ món ăn nổi tiếng không hẳn là những món sang trọng, đắt tiền. Theo tôi, món ăn nổi tiếng là những món đã đi vào truyền thống, thấm vào tình cảm của người dân và thể hiện thành các câu ca, điệu hò. Vậy, những món ngon tôi sắp đề cập sau đây là những món đã đi vào ca dao, được người dân đồng bằng sông Cửu Long thương nhớ, yêu mến và tự hào từ bao đời nay.  

Mỗi nơi, mỗi thời đại, con người có những thói quen khác nhau trong ẩm thực. Trong đó, yếu tố môi trường tự nhiên là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành thói quen ẩm thực của người dân. Trong “Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam”, Ngô Đức Thịnh đã nhận định rằng “Mâm cơm mỗi gia đình, mỗi dân tộc là tấm gương trung thực phản chiếu môi trường tự nhiên, trình độ và cách thức chinh phục môi trường ấy, cũng như trình độ và cách thức, thói quen chế biến các nguồn thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày.” Như vậy, qua việc tìm hiểu ẩm thực của cư dân các vùng khác nhau, ta sẽ thấy được yếu tố môi trường tác động đến việc hình thành thói quen ăn uống và nét văn hóa ẩm thực của cư dân vùng đó.

        NỘI DUNG

1. ĐỊNH VỊ TIỂU VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngô Đức Thịnh, sách đã dẫn, chia cả nước Việt Nam thành bảy vùng văn hóa khác nhau. Cơ sở để phân vùng là môi trường tự nhiên và hoạt động sản xuất của dân cư, tộc người và ngôn ngữ của tộc người, trình độ phát triển kinh tế – xã hội, quan hệ giao lưu, ảnh hưởng văn hóa giữa các dân tộc, các bộ phận cư dân nội vùng và ngoại vùng. Theo đó, bảy vùng văn hóa ở nước ta là vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng văn hóa Việt Bắc, vùng văn hóa Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ, vùng văn hóa duyên hải Bắc Trung Bộ, vùng văn hóa duyên hải trung và Nam Bộ, vùng văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên và cuối cùng là vùng văn hóa Nam Bộ. Mỗi vùng văn hóa lại được tác giả phân thành nhiều tiểu vùng, chủ yếu dựa trên điều kiện tự nhiên của các tiểu vùng.

Vùng văn hóa Nam Bộ thuộc địa phận các tỉnh Nam Bộ. Vùng văn hóa này được hình thành trên vùng châu thổ của hai hệ thống sông chính là Cửu Long ở phía tây và sông Đồng Nai ở phía đông. Đây là vùng đất đai màu mỡ, càng về phía tây, đất đai càng rộng, nhiều rừng rậm và sình lầy. Nơi đây là vùng đất cư trú của người Việt, người Khơme, người Hoa, người Kơho, người Xtiêng, … Ở đây, từ lâu con người đã biết khai thác những nguồn tài nguyên dồi dào của thiên nhiên, nương tựa, đùm bọc nhau chống lại những thách thức, đe dọa của tự nhiên và xã hội. Lưu vực sông Đồng Nai, nhất là đoạn trung và thượng lưu, tiếp giáp với nam Tây Nguyên, có cảnh quan địa hình bán sơn địa. Vùng hạ lưu sông Đồng Nai, nhất là đoạn từ Sàigòn đổ ra biển thì cảnh quan cũng tương tự như đồng bằng sông Cửu Long. Do địa hình tự nhiên đa dạng, cư dân gồm nhiều tộc người với lịch sử hình thành và phát triển khác nhau nên tác giả, dựa trên những đặc điểm khác biệt địa phương của vùng văn hóa, đã chia vùng văn hóa Nam Bộ thành ba tiểu vùng. Đó là tiểu vùng văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, tiểu vùng sông Đồng Nai và tiểu vùng Sàigòn – Gia Định.

Tiểu vùng văn hóa đồng bằng sông Cửu Long bao gồm vùng đồng bằng rộng lớn phía tây Nam Bộ. Đây là vùng đất mới khai thác nên nhiều nơi còn sình lầy, rừng rậm, đất đai còn bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm mười ba tỉnh, thành phố (tương đương cấp tỉnh). Đó là An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Theo số liệu thống kê năm 2006, vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 40,000km2, chiếm tỷ lệ 12% diện tích toàn quốc. Dân số vùng này là 17,4 triệu người, chiếm tỷ lệ 20.7% dân số cả nước. Vùng đồng bằng sông Cửu Long nằm liền kề với vùng Đông Nam Bộ, phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây Nam là vịnh Thái Lan, phía Đông Nam là Biển Đông. Vùng này được hình thành từ những trầm tích phù sa của sông và sự bồi đắp của biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những vạt đất phù sa phì nhiêu dọc theo đê ven sông lẫn dọc theo một số giồng cát ven biển và đất phèn trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, tây nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Đây là vùng đất cửa sông giáp biển, có nguồn tài nguyên thủy sản phong phú và dồi dào. Chính vị thế địa – văn hóa này của tây Nam Bộ tạo cho vùng đất này những đặc điểm văn hóa riêng. Một trong những nét đặc biệt của cảnh quan thiên nhiên nơi này là sự phong phú của hệ thống sông ngòi, kênh rạch.

Thật ra, từ bắc vào nam, trên khắp nước ta, hầu như không nơi nào không có sông suối. Ngay người như đối với Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, dòng sông Hồng cũng có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển văn hóa vùng. Tuy nhiên, sông nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thật sự khác biệt. Nam Bộ nói chung, tây Nam Bộ nói riêng, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Thêm vào đó, lưu lượng, tốc độ dòng chảy của các sông nơi đây có những nét khác biệt so với sông miền Bắc và miền Trung. Hệ thống sông nước của khu vực đã chi phối mạnh mẽ đời sống người dân, góp phần không nhỏ vào việc hình thành đặc trưng văn hóa vùng sông nước này. Miêu tả vùng Nam Bộ vào đầu thế kỉ XIX, Trịnh Hoài Đức, trong “Gia Định thành thông chí”, đã nhắc tới đặc điểm này những ba lần: “Đất Gia Định nhiều sông, kênh, cù lao và bãi cát, trong 10 người đã có 9 người quen việc chèo thuyền, biết nghề bơi lội”, “Đất Gia Định nhiều sông suối cù lao, trong 10 người đã có 9 người quen việc chèo thuyền bơi nước, ưa ăn mắm”; “ở Gia Định nhiều sông suối cù lao, chỗ nào cũng có ghe thuyền hoặc dùng  thuyền làm nhà ở, hoặc để đi chơi, đi thăm người thân thích, chở gạo củi, buôn bán rất tiện lợi”. Mặt khác, khí hậu tây Nam Bộ nói riêng và khí hậu Nam Bộ nói chung, khác hẳn khí hậu Bắc Bộ. Vùng này không có đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mà chỉ có hai mùa, mùa khô và mùa mưa. Sáu tháng mùa mưa và sáu tháng mùa khô đã khiến cho mùa vụ vùng đồng bằng sông Cửu Long có phần khác biệt với đồng bằng Bắc Bộ.

Người Việt đến khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long từ khoảng thế kỉ XVI. Đến cuối thế kỉ XVII, Mạc Cửu đem người Trung Quốc vào lập nghiệp ở đất Hà Tiên rồi quy phục chúa Nguyễn. Người Khơme, đến vùng này khai phá sớm hơn, nhưng “sớm nhất cũng chỉ từ khoảng thế kỉ XIII, tức sau khi vương quốc Ăngco tan vỡ”. Khi người Khơme đến khai phá, vùng đất này còn rất hoang vu, đầy sình lầy. Để sinh sống, người Khơme đã chọn những rẻo đất cao trên các giồng dọc các triền sông Tiền, sông Hậu. Những cư dân Khơme đầu tiên ở vùng này sinh sống bằng nghề trồng lúa và hoa màu. Tuy nhiên, miền đất hoang vu này, nhất là vùng hoang hóa, lầy trũng này chỉ được khai phá, trở thành miền đất trù phú từ khi người Việt đặt chân tới đây. Sau đó, cả người Việt, người Khơme và người Hoa, người Chăm cùng sống xen cài với nhau, cùng nhau khai khẩn, thuần hóa vùng đất mới. Tất cả các tộc người này sống cộng cư, yên ổn làm ăn, sinh sống. Ở thời kỳ phát triển muộn hơn, các dòng người khác cũng tìm đến cư trú ở vùng đất mới này. Đó là người Nhật, Mã Lai, Ấn Độ, người phương Tây. Lịch sử phát triển này đã tạo cho vùng đồng bằng sông Cửu Long này bức tranh chủng tộc và dân tộc phong phú, đa dạng.

Những người Việt đầu tiên đến khai phá vùng đất này vốn là những lớp cư dân từ miền Bắc, miền Trung di cư vào. Một số người là các tù nhân, tội đồ, bị nhà nước phong kiến đưa ào khai hoang ở các đồn điền tại đây. Một số người lại là những người giang hồ, dân nghèo đi biệt xứ tha phương. Một số người khác lại là những quan lại binh lính được đưa vào đây để khai phá vùng đất mới. Dù khởi nguyên, gốc gác của họ từ nguồn nào, hành trang mà họ đem theo vào đây không phải chỉ có vật dụng, tư liệu sản xuất, vợ con mà còn là vốn văn hóa ẩn trong tiềm thức. Theo điều kiện địa lý, điều kiện xã hội, vốn văn hóa truyền thống này dần dần được thay đổi, bổ sung, tạo nên những nét văn hóa riêng của cư dân vùng đất mới này.

2. ẨM THỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

    2.1 Ẩm thực của người Việt

Theo Trần Ngọc Thêm, “Ăn uống là văn hóa tận dụng môi trường tự nhiên”. Nói cách khác, môi trường tự nhiên có vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa ẩm thực của con người. Người Việt Nam xuất phát từ văn hóa gốc nông nghiệp nên “trong cơ cấu bữa ăn của người Việt Nam thì lại bộc lộ rất rõ dấu ấn của văn hóa nông nghiệp lúa nước”. Trần Ngọc Thêm cũng khẳng định rằng cơ cấu bữa ăn truyền thống của người Việt là thiên về thực vật. Trong đó, lúa gạo, rau quả chiếm vị trí quan trọng nhất và nhì trong bữa ăn của người Việt. “Đứng thứ ba trong cơ cấu bữa ăn và đứng đầu hàng thức ăn động vật của người Việt Nam là các loại thủy sản – sản phẩm của vùng sông nước”. Nước ta có bờ biển trải dài từ bắc xuống nam. vùng nào cũng có sông, suối. Vì thế, thủy và hải sản là nguồi lợi quan trọng của thiên nhiên, góp phần hình thành thói quen ăn uống thiên về thủy hải sản của người Việt. Tuy nhiên, Ngô Đức Thịnh, căn cứ vào đặc điểm tự nhiên của các vùng, đã chia cơ cấu bữa ăn của người Việt thành hai loại hình, loại hình món ăn miền bắc và món ăn miền nam với ba ba loại bếp ăn điển hình: bếp ăn Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Ngô Đức Thịnh khẳng định rằng “Ở phía nam nguồn cá dồi dào, do vậy cá chiếm tỉ lệ cao hơn trong thành phần thực phẩm”. Như vậy, từ ý kiến của Trần Ngọc Thêm về cơ cấu tổ chức bữa ăn của người Việt, Ngô Đức Thịnh đã bổ sung và phân chia cơ cấu bữa ăn của người Việt thành hai loại hình khác nhau, loại hình món ăm miền bắc và món ăn miền nam. Theo đó, lúa gạo chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu bữa ăn của cả người bắc và người nam. Đối với loại hình món ăn miền bắc, rau quả chiếm tỷ lệ lớn thứ hai trong cơ cấu bữa ăn và cá chiếm tỷ lệ lớn thứ ba. Ngược lại, đối với loại hình món ăn miền nam, cá chiếm tỷ lệ lớn thứ hai và rau chiếm tỷ lệ lớn thứ ba. Như vậy, nét khác biệt của Trần Ngọc Thêm và Ngô Đức Thịnh là xác định tỷ lệ rau và cá trong cơ cấu bữa ăn của người nam.

 2.2 Dấu ấn của điều kiện địa lý trong ẩm thực đồng bằng sông Cửu Long

            2.2.1 Những món ăn mang dấu ấn của môi trường tự nhiên.

Như đã phân tích ở trên, Nam Bộ có điều kiện thổ nhưỡng, đất đai màu mỡ, kênh rạch chằng chịt. Một thế giới sông nước bao la và phù sa dồi dào đã mang đến vùng đất này những nguyên liệu ẩm thực phong phú (do sự ưu đãi của thiên nhiên) và cũng rất đặc trưng theo thời tiết, khí hậu (một số sản vật chỉ có trong mùa nước nổi). Chính những món ăn đa dạng, phong phú đã mang đậm nét dấu ấn môi trường tự nhiên, ở cả hai khía cạnh: tận dụng môi trường tự nhiên và đối phó với môi trường tự nhiên. Sở dĩ Ngô Đức Thịnh khẳng định trong cơ cấu bữa ăn của người nam, cá đứng vị trí thứ hai vì ở Nam Bộ có nguồn thủy hải sản phong phú, dồi dào:

"Cá đồng cá biển cá sông

Ốc, đuông, ba khía, chim cùng tôm cua"

Nguồn thủy hải sản đó được tạo nên  từ hệ thống những kênh rạch, đầm hồ, cửa biển của vùng đất này. Trong môi trường tự nhiên giàu có sản vật đó, ẩm thực của người Việt Nam Bộ là thể hiện sự dung hợp, hòa hợp cao giữa những vốn truyền thống sẵn có từ lâu đời đã hình thành và định hình từ miền Bắc và miền Trung, với những giao lưu, ảnh hưởng qua lại giữa các dân tộc cùng sống và khai phá đồng bằng trù phú. Tuy nhiên, sự dung hợp ở đây không phải là sự cập nhật, chứa đựng những cái từ nhiều nguồn, mà ẩm thực Nam Bộ vẫn có nét riêng, mang sắc thái địa lý vùng rõ rệt. Ẩm thực Nam Bộ nói riêng, ẩm thức tiểu vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thực sự trở thành một phong cách, một sắc thái ăn uống địa phương, góp phần làm giàu sắc thái đa dạng của ẩm thực Việt Nam.

Với đặc điểm của vùng đất cửa sông giáp biển như đã nói ở trên, vùng châu thổ này có nguồn cá dồi dào về số lượng, phong phú về chủng loại

Tuy nhiên, với mỗi loại cá khác nhau, người dân nơi đây có từng cách chế biến riêng. Cá thác lác, do mình dẹt, ít thịt nên người dân thường nạo thịt để làm chả chiên hay nấu canh cải xanh. Cá chốt kho sả ớt, cá bống kho keo mỡ hành, lòng tong nấu canh đọt cóc, cá chạch nướng chấm mắm me hay kho lá gừng. Cá rô mề  kho tộ ăn với dưa bồn bồn. Cá bổi lại nổi tiếng với cách làm khô rồi nướng chấm mắm me. Cá trê chiên giòn chấm nước mắm gừng. Cá trê là một trong những loại cá đồng có rất nhiều ở Nam Bộ, đặc biệt là miền sông nước Cửu Long. Từ lâu, cá trê đi vào ca dao vùng này với các cách chế biến khác nhau:

"Cá trê mà nấu canh bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon"

Hoặc

"Rau đắng nấu với cá trê

Ai đến lục tỉnh thì mê không về."

Cùng với các loại rau dại khác như rau má, rau trai, rau ngót…, rau đắng là một trong các loại rau có rất nhiều ở vùng quê Nam Bộ. Rau đắng ở đồng bằng sông Cửu Long có hai loại: rau đắng đất và rau đắng biển.

Rau đắng mọc nhiều vào mùa mưa. Đó là thứ rau lá nhỏ như mảnh trấu, mọc thành bụi, thành lùm ven lối đi, rải rác quanh vườn nhà; cây rau xương xẩu; cả thân, lá đều đắng nhân nhẫn. Từ cách chọn rau đắng đến chế biến thành món ăn, tuy đơn giản nhưng phải có chút “điệu nghệ” nếu không nói là cầu kỳ. Phải tùy vào mùa nào, lúc nào để chọn ăn loại đắng nào: loại rau nào ăn với món gì và ăn ra sao mới đúng là “ăn một miếng để đời”! Trong thực đơn quen thuộc với các món ăn dân dã cùa dân đồng bằng châu thổ Nam Bộ, rau đắng được xem là món “đặc sản” của giới bình dân. Rau đắng luộc, xào mỡ, rau đắng sống chấm mắm kho, rau đắng nhúng lẩu mắm, rau đắng nấu cháo tống, rau đắng nấu canh. Món lẩu mắm trứ danh của dân đồng bằng ngày nay, dù có đủ các loại rau nhút, cù nèo, rau mác, rau ngò gai, rau dừa, hẹ nước … nhưng nếu thiếu rau đắng thì vẫn chưa thể thành lẩu mắm Nam Bộ! Nấu nồi canh rau đắng với cá rô mề, khi nước sôi, dạo sơ vài con mắm sặc vào nồi canh. Rau đắng – mắm, không thể thiếu trong giới ăn uống của cư dân đồng bằng. Ăn rau đắng nhúng lẩu hoặc chấm mắm kho, thích nhất vào những ngày mưa dầm. Thưởng thức món rau đắng đất ngon nhất là vào mùa khô, khoảng tháng 10-11 âm lịch.

Ở miền Tây, cá lóc nướng trui là một trong những món nhậu tuyệt vời :

"Bắt con cá lóc nướng trui

Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa"

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có hai loại cá lóc, đó là cá lóc bông và cá lóc đen. Cá lóc bông thân lớn nhưng thịt không chắc và ngọt bằng cá lóc đen. Cá lóc ngon nhất là khi lớn khoảng bắp tay trở lại. Nếu cá lớn quá, thịt cá dai, vị ngọt giảm. Cá lóc là một loại cá quen thuộc, phổ biến trong ẩm thực của người Việt từ bắc xuống nam. Tuy nhiên, người Nam Bộ, ngoài những cách chế biến cá lóc thông thường, còn có những cách chế biến cá lóc  đặc sắc khác nhau, tạo thành những đặc sản của vùng đất này. Đó là cá lóc nướng trui, cá lóc kho tiêu, bún cá lóc, canh chua cá lóc,…  Cá lóc nướng trui ở miền Tây là một món ăn có cách chế biến rất giản dị nhưng cũng rất độc đáo. Người miền Tây nướng trui cá lóc ngay mgoài đồng, lúc vừa mới bắt được cá. Từ họng con cá lóc, người ta xỏ vào một thanh tre, sau đó cắm đầu còn lại của thanh tre ấy xuống đất. Tiếp theo là dùng rơm khô có sẵn ngoài đồng ruộng chất lên và đốt. Cá lóc nướng như thế chín rất đều, thịt cá vừa tươi vừa ngọt lại thơm mùi rơm khô. Cái khéo và tay nghề người nướng cá ở chỗ dù nướng bao nhiêu con, tất cả đều chín một lượt, vẩy cá cháy đều đặn, mùi thơm quyến rũ. Cá lóc nướng trui thường ăn kèm với bún, bánh tráng, rau thơm các loại. Nước mắm thường chấm cá thường là nước mắm tỏi ớt, chanh đường, giấm hoặc nước mắm dầm me. Rau thơm đi kèm không thể thiếu là rau dấp cá, húng cây, húng lủi, dưa leo, khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, và các loại đọt non như đọt điều, đọt xoài, đọt cóc kèn.

Vùng Đồng Tháp Mười bạt ngàn tràm, lúa. Trước kia thảm thực vật ở đây khá phong phú, nhiều cây sao, dầu, bằng lăng xen lẫn trong các trảng cỏ ngút ngàn. Những cánh đồng hoang rậm rạp lau, sậy, cỏ năn, sen, súng, hoà cùng với mênh mông đồng lúa, vườn cây ăn trái. Các cánh đồng hoang cũng là nơi trú ngụ của hàng trăm loài cá nước ngọt, tôm, cua, ốc cùng nhiều loài thuỷ sinh có giá trị thương phẩm cao như ếch, nhái, rắn, rùa, sen… Chính điều kiện tự nhiên này đã mang lại cho họ một món ăn độc đáo, chỉ vùng này mới có, và mới dám ăn – thịt chuột:

"Cần chi cá lóc, cá trê

Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều."

Ở một số vùng đồng lúa bát ngát như An Giang, Hậu Giang, chuột đồng rất nhiều và đó là nguồn thực phẩm dồi dào và được ưa chuộng. Chuột đồng thường sống ở nơi hoang dã, rất tinh khôn và khả năng sinh sản vô cùng mạnh mẽ. Chuột đồng to như những con chuột cống ở khu vực đô thị, nhưng có điểm khác là Bộ lông của chuột đồng màu vàng nâu, trông giống màu lông của những con cheo, con mễn của vùng rừng thẩm ngút ngàn Nam Bộ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, chuột đồng thường sống thành từng đàn trong những hang thông nhau dưới đất. Để bắt được chuột đồng, trước hết người ta cố gắng tìm cho được cửa hang của chuột cùng các lối thoát hiểm phụ khác. Đầu mùa nước, khi những con đê xăm xắp, là lúc người ta đi săn bắt chuột rôm rả. Men theo các con mương, mọi người thi nhau dẫm đạp cỏ, vừa tiến dần đến đoạn có bao lưới. Chuột lớn, chuột bé nghe động chạy rối rít về phía trước, vô tình chui tọt vào các tấm lưới giăng đón sẵn. Chỉ độ quá trưa, những chiếc rọng đã đầy cứng chuột. Cũng có người săn chuột bằng cách đào hang của lũ chuột mới làm vội. Hang nào ít nhất cũng gần chục con, nhiều thì vài chục con. Bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long thường nấu thịt chuột đồng với cây hà thủ ô và lá câu kỷ để có một món ăn có tác dụng giúp cho cơ thể cường tráng, tăng tuổi thọ, và tăng cả sức mạnh nam giới. Ngoài ra khi gặp được một ổ chuột mới đẻ, bắt được những con chuột còn đỏ hỏn chưa mở mắt, gọi là chuột bao tử, người Nam Bộ đem rửa sạch bằng rượu đế, sau đó cắt bỏ Bộ lòng, rồi ngâm rượu chung với vài vị thuốc Đông y khác trong vòng 100 ngày sẽ có được một loại rượu thuốc nhiều tính năng bổ dưỡng, vì chuột bao tử còn giữ đầy đủ nguyên khí của chuột mẹ và chuột cha trao truyền. Trong sách “Món ăn bài thuốc”, dược sĩ Bùi Kim Tùng cho biết: do chuột đồng có khả năng sinh sản mạnh nên ăn thịt chuột đồng nhiều ngày sẽ giúp cho thận khí, tinh tuỷ đầy đủ, không đau lưng, hết mỏi gối, tóc đen. Dược sĩ Bùi Kim Tùng còn dẫn thêm rằng y sư Tuệ Tĩnh từng khẳng định thịt chuột đồng đực có vị ngọt chát, hơi ấm, không độc, dùng để chữa trị các chứng gẫy xương, phong lửa, các vết thương do dao rựa gây nên, hoặc trị cả bệnh hiếm muộn con cái. Bên cạnh loài chuột nhà chuyên phá phách và hôi hám, bẩn thỉu, các loài chuột đồng như chuột đồng Nam Bộ, thịt của chúng là những món ăn, bài thuốc, bổ dưỡng, thơm ngon, góp phần phục vụ nhu cầu ẩm thực cho con người. Bao nhiêu món ngon chế biến từ chuột đã lần lượt ra đời: chuột đồng rô ti, chuột đồng xào lăn, chuột nấu lá lốt, chuột cuốn, chuột xé phay, chuột nấu ngũ vị hương, chuột khìa nước dừa, chuột bỏ lò, chuột kho, chuột xào lăn, mắm chuột và khô chuột. Không riêng gì chuột, mà cá, ếch, rắn, rùa… trong mùa nước này cũng đều trở thành món ăn khó quên

Những món ăn dân dã cũng nói lên một điều người dân thôn quê có một cuộc sống vô cùng giản dị. Họ biết tận dụng những thứ có sẵn ở xứ sở mình chứ không xa hoa phung phí. Những món ăn của họ là những loại rau, củ, cây, trái… có sẵn quanh nhà và rất rẻ tiền. Chân thật và đầy tự hào họ nói về điều đó một cách rất tự nhiên:

Má ơi, đừng đánh con đau

Để con bắt ốc hái rau má nhờ.

Hay:

Má ơi, đừng đánh con hoài

Để con kho cá bằm xoài má ăn.

        2.2.2 Những món ăn mang dấu ấn của khí hậu

Một năm, Nam bộ chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa khô kéo dài sáu tháng, từ tháng 11 đến tháng 4 (âm lịch). Sáu tháng còn lại – từ tháng 5 đến tháng 10 (âm lịch) – là mùa mưa. Với khí hậu nắng nóng và mưa dầm như thế, canh là lựa chọn thường xuyên của người dân Nam Bộ. Hầu như ít khi nào mâm cơn của người Nam Bộ lại thiếu món canh. Đó có thể là món canh rau bình thường, giản dị:

Lá dền, đọt mướp ngọt canh

Chén tương, dĩa mắm nặng tình cố hương

Nguyên liệu của tô canh này là những ngọn rau thường gặp, được hái từ vườn nhà. Người dân Nam Bộ có thể nhặt tất cả các loại rau được hái từ vườn nhà, nấu thành tô canh rau tập tàng. Thêm một vài con cua nhỏ bắt ngoài đồng, người vùng này đã có món canh rau tập tàng cua đồng dân dã, mộc mạc mà ngọt ngào, đậm đà. Nhưng nhắc đến ẩm thực Nam Bộ thì không thể không nói đến món canh chua. Có thể nói canh chua gắn liền với bữa ăn hàng ngày của người dân nơi đây. Thật ra, chủ nhân đầu tiên của canh chua là người Khơme chứ không phải là người Việt. Tuy nhiên, trong quá trình cộng cư ở vùng đất mới, người Việt đã tiếp thu món canh này của người Khơme và biến đổi nó cho phù hợp với sở thích và điều kiện tự nhiên. Vì thế, món canh chua của người Việt phong phú và sử dụng nguyên liệu đa dạng, phong phú hơn canh chua của người Khơme. Canh chua dễ ăn do có vị chua chua ngọt ngọt, mát do được nấu từ nhiều loại rau, và đảm bảo dinh dưỡng do được nấu với cá, tôm. Vào mùa nắng nóng, canh chua là lựa chọn đầu tiên của người dân, do các đặc điểm trên. Cũng là món canh chua nhưng canh chua của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long có những nét khác biệt, độc đáo.

Vào tháng 9, tháng 10 (âm lịch), đồng bằng sông Cửu Long có lượng mưa nhiều nhất trong năm. Ta đã biết vùng châu thổ sông Cửu Long nằm ở hạ nguồn của sông Mê-kông, một trong những con sông lớn nhất vùng Đông Nam Á. Khi mưa lớn kéo dài, nước sông ở thượng nguồn dâng lên nhanh, đổ về hạ nguồn, tạo thành lũ ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Mùa lũ bắt đầu từ tháng 7 – tháng 8 (âm lịch). Người dân nơi đây quen gọi mùa nước lũ là “mùa nước nổi” Mùa nước nổi. Đến vùng này, ta thường nghe câu ca về mộ món ăn rất quen thuộc trong mùa nước nổi:

                                                                        Canh chua điên điển cá linh

                                                                       Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon

Cây điên điển còn gọi là muồng rút, điền thanh hạt tròn, thường gặp ở các đầm lầy, ruộng nước, từ vùng nước lợ đến vùng cao 500m, rải rác từ Hải Dương đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Người ta thường trồng điên điển để lấy phần thân phình to và xốp trắng ngập dưới nước làm nón và làm nút chai, thân cây làm củi đốt, cành lá làm phân xanh, lá cây làm thuốc. Ở cây điên điển, các bộ phận dùng làm thực phẩm là lá, hoa và hạt. Nhưng chỉ riêng ở Nam Bộ bông điên điển mới trổ nhiều và được chế biến các món “đặc sản” ngon miệng và bổ dưỡng.

Bông bông điên điển là loại bông đặc trưng của mùa nước nổi vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là loại bông nguyên liệu, tạo nên nồi canh chua độc đáo của người miền Tây. Bông điên điển giống bông so đũa nhưng nhỏ hơn và có màu vàng. Điên điển thường mọc dọc theo kênh rạch. Vào khoảng tháng 7 tháng 8 (âm lịch) hàng năm, khi nước lũ tràn về vùng châu thổ sông Cửu Long, những hàng cây điên điển lại vươn lên xanh biếc cả một quãng sông, bờ rạch. Và khi những cơn mưa cuối mùa vừa dứt hạt, nước dâng cao hơn chính là lúc cả cánh rừng hoa điên điển đã trĩu nặng bông. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất ngập nước này một loại bông giản dị rực rỡ, chứa đựng hàm lượng dinh dưỡng cao. Trước đây, người nông dân nghèo thường dùng bông điên điển để nấu cháo ăn qua ngày, cầm cự với cơn đói của những tháng ngày không có khả năng kiếm được tiền, không có gạo. Từ hoa điên điển, qua bàn tay khéo léo của các mẹ các chị đã trở thành những món ăn ngon đầy màu sắc. Đó có thể là món ăn chơi như món bánh xèo bông điên điển, gỏi hoa điên điển, dưa chua điên điển. Đến Châu Đốc (An Giang), trong những ngày mùa nước nổi, bạn sẽ được thưởng thức tô bún nước lèo độc đáo. Tô bún ở đây cũng giống như tô bún nước lèo ở Sóc Trăng hoặc tô bún mắm ở Cần Thơ.  Nhưng rau thì khác. Nếu như ở những địa phương trên người ta ăn bún với giá, hẹ, bắp chuối xắt nhuyễn thì ở Châu Đốc rau là bông điên điển. Bông điên điển còn được người dân dùng để ăn sống thay cho rau thơm.

Cá linh và bông điên điển tuy một là động vật, một là thực vật nhưng có lẽ do “hữu duyên” nên chỉ đến mùa nước nổi miền Tây chúng mới xuất hiện cùng nhau. Sau khi nấu cá linh với me sống, người địa phương chỉ cho thứ hoa vàng rực này vào. Chiều quê miền Tây mưa rả rích, có được món “canh chua điên điển cá linh” bốc khói trên mâm cơm thì không còn gì bằng. Về con cá linh, đặc sản của vùng nước nổi, trong quyển “Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam” của học giả Vương Hồng Sển có một giai thoại thú vị. Khi vua Gia Long bôn tẩu từ Vàm Nao (An Giang), chuẩn bị khởi hành ra biển thì bất ngờ có đàn cá nhỏ nhảy vào thuyền. Vua thấy thế không đi vì cho đó là điềm gở, báo trước việc không may. Nhờ vậy mà vua Gia Long thoát khỏi sự mai phục của quân Tây Sơn. Từ đó, vua bèn cho đặt tên loài cá ấy là cá “linh” để tỏ lòng tri ân. Đó là giai thoại về tên gọi đặc biệt của loài cá này. Theo quy luật, cá linh non đầu mùa xuất hiện ở vùng châu thổ sông Cửu Long vào tháng 7, tháng 8 âm lịch hàng năm,  khi nước lũ đổ về. Đến lúc nước nổi trắng ruộng đồng, cá linh rút vào đồng nước trốn sóng gió. Lúc bấy giờ cá cỡ đầu ngón tay út. Tới tháng 10 âm lịch, khi nước rút bớt, cá đã lớn hơn ngón cái. Thời điểm này, cá linh đã trưởng thành, theo kênh rạch tuôn ra sông lớn lội xanh mặt nước. Lúc bấy giờ, bà con ven bờ chuẩn bị các phương tiện: vó, chài, vợt, lưới thả, lưới giăng… để đánh bắt và chuẩn bị lu, khạp, muối hột để ủ cá linh tại chỗ. Ở đầu vàm sông Bình Thủy (Cần Thơ), vào mùa cá linh, nhiều ghe lớn neo đậu để đợi mua cá. Do cá linh rất nhiều, dễ bắt nên người dân vùng này đong cá linh bằng giạ như đong lúa.

Cá linh được chế biến thành nước mắm. Nước mắm cá linh đặc biệt thơm ngon hơn so với nước mắm làm từ các loại cá đồng khác (cá lóc, cá rô, cá sặt…). Cá linh thịt mềm, béo nên dễ chế biến món ăn. Từ con cá linh nhỏ bé, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Cá linh nướng, kho sả ớt, kho mía, kho quẹt, nấu chua ngọt với khóm, hoặc tẩm bột chiên giòn, cá linh trộn mắm đu đủ. Trong đó, đặc biệt hơn cả là cá linh nấu canh chua bông súng, hoặc canh chua bông so đũa. Không chỉ để chế biến món ăn đặc sắc, đầu và ruột cá linh xưa kia còn được chưng nấu thành một loại dầu để thắp đèn. Thứ dầu cá này hồi đó được ưa chuộng hơn dầu mù u do mỡ cá linh cháy đượm, ít khói.

Đất Tây Nam Bộ giàu phù sa, một năm hai mùa mưa nắng nên thực vật phát triển rất phong phú, đa dạng, tốt tươi. Người dân miền Tây thường sống tùy theo thực tế, không câu nệ nguyên tắc. Họ sống tự nhiên, hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh bông điên điển, bông so đũa, người dân Nam Bộ còn dùng nhiều loại lá non, bông khác nhau trong chế biến thức ăn:

                                                                   Mẹ mong gả thiếp về vườn

                                                    Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh

Bông bí, bông bầu, bông mướp được dùng nấu canh với tôm, “um” với mỡ hay với hột vịt. Vào mùa bông nở rộ thì người dân hái bông để luộc thay rau, ăn kèm với các món kho, món mặn. Bông cải trắng, cải ngọt, cải xanh là món ngon và cao cấp, dùng để xào tôm, xào thịt. Người bình dân thì ưa dùng bông chuối, bắp chuối có sẵn trong vườn để luộc, nấu canh chua. Thậm chí người miền Tây Nam Bộ còn dùng bông vạn thọ như một loại rau thơm, phụ gia cho các món gỏi tôm, gỏi cua.

Kể về những món ăn dân dã ở Nam Bộ mà quên đi món “bông súng – cá kho” thì thật là thiếu sót vô cùng. Bông súng là loại thực vật sống ở vùng đầm lầy có nhiều nhất là ở vùng Đồng Tháp Mười. Bông súng có hai loại, một loại hoa màu trắng, một loại hoa màu tím. Người dân thôn quê miền Tây ăn uống rất giản dị, bông súng có sẵn ngoài đầm cứ thế mà hái vào; cá có sẵn trong ao cứ thế mà bắt lên. Vào mùa mưa dầm, khó kiếm thức ăn, bông súng – cá kho là món ăn dễ kiếm và được nhiều người yêu thích. Bông súng – mắm kho thật giản dị nhưng không kém phần đặc sắc, ngon miệng. Người dân Đồng Tháp Mười rất tự hào về món ngon xứ sở mình:

Muốn ăn bông súng mắm kho

Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.

Bông súng là loại cây mọc dưới nước, giống như bông sen, nhưng lá và bông nhỏ hơn. Ở miệt quê miền Tây Nam Bộ, bông súng mọc hoang dã dưới ruộng, đìa, ao, đầm. Vào mùa mưa, bông súng nở rộ khắp mặt đầm. Lá súng nổi trên mặt nước, bông súng vượt hẳn lên cao. Ở quê, lớn nhỏ, giàu nghèo ai cũng đã ăn qua món bông súng, nhứt là món bông súng – mắm kho. Thực ra người miền Tây không ăn bông (hoa) súng mà chỉ dùng cọng bông súng, phần thân nối giữa bông và rễ cây. Cọng bông súng thường ăn với mắm kho như rau dừa, rau nhút, hay rau chốc, rau bồn bồn. Trước khi ăn, ta phải phải tước vỏ cọng bông súng như tước vỏ bạc hà, ngắt ra từng khúc cỡ một gang tay, rửa sạch. Mắm kho múc ra tô còn nóng hổi bóc khói thơm ngát. Cọng bông súng nhai nghe giòn giòn, có cái hậu ngọt, ăn nhiều không bị ê miệng hay rát lưỡi như ăn rau nhút. Nhưng cọng bông súng trắng mới đúng là cọng súng của miền Tây. Cọng bông súng Đà Lạt màu tía, tuy cọng bự bằng ngón tay nhưng cứng và lạt, không ngon.

Một món ăn cũng bình dị và đậm đà không kém bông súng – mắm kho là:

                                            Kèo nèo mà lại làm chua

                                        Ăn với cá rán chẳng thua món nào.

Kèo nèo (hay còn gọi là “cù nèo” theo cách phát âm của một số người dân miền Tây) là một loại rau cọng xốp, có rất nhiều ở miệt sông nước Nam Bộ. Kèo nèo có thân rễ dày và ngắn, sống ở đầm lầy, nước nông, chỗ ứ đọng nước. Khi trưởng thành, cây cao khoảng 45-60cm và độ sâu tối đa khoảng 15cm. Kèo nèo mọc nhiều nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó vốn là một loại bèo hoang, cỏ dại mà người ta phải nhổ bỏ, không cho chúng mọc lấn rau muống. Vào mùa nắng, cây thường khô cằn, chết lụi nhưng khi mùa mưa đến, kèo nèo lại trổ xanh tốt.  Kèo nèo có thể dùng nấu canh chua, ăn sống chấm với nước cá kho, đem trụng tái bóp gỏi hoặc làm dưa chua. Bông kèo nèo màu tím, dùng ăn sống với mắm. Từ vùng đồng bằng sông Cửu Long, kèo nèo đã chinh phục khắp nơi và trở thành một loại rau quen thuộc, không thể thiếu được trong các món lẩu, canh của người miền nam

     KẾT LUẬN

Người dân thôn quê hát lên những câu ca ấy cũng chính là cất lên tiếng nói tâm tình nhằm bày tỏ niềm tự hào về sự phong phú của những sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng và  cũng nói lên sự gắn bó của họ đối với quê hương xứ sở. Qua việc tìm hiểu những món ăn dân dã được người dân Nam Bộ xưa từ những lời ca, câu hò, điệu lý, chúng ta thấy được nét đẹp văn hóa trong suy nghĩ và ứng xử của những con người ở vùng quê sông nước nơi đây. Đó là nét đẹp rất đời thường nhưng cũng chính là cái hồn của dân tộc, của quê hương. Ngô Đức Thịnh từng nhận xét rất xác đáng rằng: “Món ăn Nam Bộ là sản phẩm độc đáo của miền đất mới, là kết quả của sự giao tiếp với nhiều dân tộc, với các làng văn hóa Đông Tây”. Nguồn tài nguyên thủy sản ở Nam Bộ đạt tới sự sung túc, phong phú hơn tất cả mới vùng trên đất nước ta. Vì thế, việc sử dụng nguồn đạm thủy sản trong bữa ăn người của Việt ở có chú trọng hơn so với người Việt ở Bắc bộ. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất được thiên nhiên ưu ái, dành nhiều ưu đãi. Đó là khí hậu nóng ẩm quanh năm, nắng nhiều, thời tiết ít biến động thất thường với hai mùa mưa, và khô rõ rệt, có lẽ đây là yếu tố bất biến lớn hơn cả trong cảnh quan thiên nhiên tác động đến văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ qua tiến trình lịch sử.  Và chính yếu tố này đã góp phần hình thành nét văn hóa, ẩm thực riêng của cư dân vùng châu thổ sông Cửu Long


                                                                                                                TPHCM, 11.06.2021

TRƯƠNG HOÀNG LONG

VĂN HOÁ GIAO TIẾP của NGƯỜI NAM BỘ qua TIỂU THUYẾT HỒ BIỂU CHÁNH – MỘT GÓC NHÌN                                                             ...