A. MỞ ĐẦU
Trong văn học miền Nam Việt Nam, Bùi Giáng xuất
hiện trong đời sống văn chương, học thuật thời kỳ trước và sau năm 1975 trên bốn
lĩnh vực: sáng tác thơ, nghiên cứu triết học, phê bình văn học và dịch thuật. Đặc
biệt, thơ Bùi Giáng vừa thấm nhuần tư tưởng đạo đức, triết lý, vừa bí ẩn, hoang
liêu, hồn nhiên, đùa giỡn tựa như một cuộc rong chơi. Thơ như bầu khí quyển bao
bọc con người Bùi Giáng. Theo lời kể của nhà văn Mai Thảo, Bùi Giáng là người “Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra
thơ. Chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ”
Đó là cách làm thơ lạ lùng, mở ra một thế giới nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn,
thu hút độc giả và tác phẩm khá nổi tiếng tạo nên phong cách của ông phải kể đến
đó là tác phẩm “Mưa nguồn”.Tập
thơ “ Mưa nguồn” như một cánh cửa mở ra một không gian thơ
“vô tận”, vừa đầy ắp những hình ảnh, ngôn từ vừa thách thức, cợt đùa với độc giả
bằng sự rỗng rang, phi logic đến từ một tâm hồn thi sĩ – triết gia đầy bí ẩn.
B. NỘI
DUNG
1. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ BÙI GIÁNG VÀ TẬP THƠ “MƯA NGUỒN”
Bùi Giáng sinh ngày
17 tháng 12 năm 1926, quê ở làng Thanh Châu, xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh
Quảng Nam. Ông là con thứ hai trong gia đình có 8 người con. Thân sinh của Bùi
Giáng là cụ Bùi Thuyên, thân mẫu là bà Huỳnh Thị Kiều. Khi vào miền Nam ông được
gọi là Sáu Giáng. Thuở nhỏ, ông theo học Tiểu học ở Hội An, học trung học tại
Thuận Hóa - Thừa Thiên. Năm 1948, gia đình ông tản cư về Trung Phước. Từ 1950 đến
1952, ông chăn bò ở vùng Trung Phước. Đây là khoảng thời gian mà ông gọi là 15
năm chăn dê như Tô Vũ ngày xưa. Trong thập kỷ 60, 70 của thế kỉ XX, ông có dạy
học tại một số trường tư thục của Sài Gòn. Có thời gian ông điều trị bệnh ở dưỡng
trí viện Biên Hòa. Ông mất ngày 7 tháng 10 năm 1998 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mưa nguồn là tập thơ
đầu tay của Bùi Giáng. Cả tập có 141 bài thơ, tính đến nay đã tái bản 5 lần.
Đây là tập thơ tạo được ấn tượng lớn nhất đối với độc giả, khẳng định rõ phong
cách tác giả và được coi là tác phẩm “trong sáng” nhất của Bùi Giáng.
2.TẬP THƠ MƯA NGUỒN CỦA BÙI GIÁNG NHÌN TỪ
PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG
2.1 .Tập thơ Mưa nguồn – Cái tôi trữ tình đầy ắp những
kỷ niệm
Trong các sáng tác của Bùi giáng
luôn tỉnh táo trong nhận thức, kín đáo trong cuộc sống tình cảm riêng
tư.Trong Nỗi Lòng Tô Vũ, Anh Lùa Bò Vào
Đồi Sim Trái Chín, ông ghi lại đoạn đời chăn dê, chăn bò nơi núi rừng Trung
Việt với những cảm xúc chân thành đầy nhân ái :
“Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín
Anh ngó bốn
bề cây lá gió rung rinh”
(Anh Lùa Bò Vào Đồi Sim Trái Chín)
Bùi Giáng
còn thể hiện nỗi day dứt khôn cùng về cái chết của người vợ trẻ:
“Mỗi giây
phút mỗi bất ngờ
Mỗi đêm
tưởng tượng thẹn thò tình em
Tình em bao
xiết êm đềm
Tình tôi như
thể chênh vênh lạ thường”
(Thôn nữ)
Trong tập thơ còn tái hiện cuộc phiêu du trên những vùng miền,
linh đinh với trời đất
lạ với bao ân tình như
gió thoảng mây xa lại sâu sắc mặn mà.
Đó là Bình Dương trong
Ruộng Bình Dương, là
Lục Tỉnh trong bài Chào Thu Lục
Tỉnh:
Ngàn thông ơi ở đó đón bóng tà
Và giữ lại chuyện đời ta đi mất
Bước khúc khuỷu trong ngàn khe khóc lóc
Dặm mơ màng tăm tắp mấy mù khơi
(Giã Từ Đà Lạt)
Nhà thơ còn mang một giấc mộng
trầm luân tìm kiếm những vẻ đẹp hoài cổ đó là những mái nhà tranh, những bờ
ruộng cũ, đậm đà trong lời ca dao hồn hậu, thân tình:
“Viết thơ lạc mất mấy dòng
Viết trong tức tưởi sợ đồng lúa mong
Nước xanh lên dột đòng đòng
Ngày mai sẽ
mất hạt lòng thơ ngây”
(Ca Dao)
Vẻ đẹp hoài cổ không chỉ đơn giản
là cố hương, cố quốc, cố đô, mà
đó là tất thảy những gì đã lìa xa, xa mãi, để một hôm nhìn ngó lại bằng một
con mắt:
“Vì con mắt một lần kia đã ngó
Giưa nhân gian bủa dựng một bầu trời
Đài vũ trụ hồn nhiên bao rạng tỏ
Một nụ cười
thế giới sẽ chia đôi…”
(Ly Tao 2)
Hay:
Bây giờ đối diện riêng tôi
Còn hai con
mắt khóc người một con
(Mắt buồn)
Ta cũng tìm thấy một
cái tôi đi tìm lại thời ấu thơ xưa cũ:
“Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình
Những bận nào Quế Sơn Rù Rì con suối ngược
Nước trôi nguồn suối lũ cuốn
phăng phăng”
(Nỗi Lòng Tô Vũ)
Như vậy,
những biến cố trong cuộc đời cùng với tình yêu quê hương tha thiết, tấm lòng
luôn hướng về vẻ đẹp hoài cổ đã tạo nên cái tôi đầy ắp
những kỷ niệm trong thơ Bùi Giáng mà đặc
biệt nó được thể hiện một cách sâu sắc trong Mưa nguồn.
2.2. Tập thơ Mưa nguồn-Cái tôi trữ tình suy tư về thân phận con người.
Từ hiện thực
đau khổ của bản thân: đó là nỗi ám ảnh về cái chết của người vợ trẻ của mình.
Ông ý thức rõ cội nguồn của nỗi đau khổ nằm ngay trong bản chất của con người,
trong hiện hữu của chính nó. Những nghi vấn và hoài nghi có tính bản thể người luôn
hiện diện trong thơ Bùi Giáng:
“Em chết bên
bờ lúa Để lại bên đường mòn
Một dấu chân bước của Một bàn chân bé con
Anh qua miền cao nguyên Nhìn chân trời bữa nọ
Đêm cuồng mưa khóc điên…”
(Bờ lúa)
Bùi
giáng đã nhận ra sự hữu hạn của kiếp
người. Yêu thiết tha cõi trần gian, nhiều khi ông nhìn trời đất như đứa bé. Ông
hỏi sông: “Ngàn mây về mãi cuối trời xa.
Nước có bằng lòng đứng đợi ta”. Ông bập bẹ: “Trần gian ôi cánh bướm cánh chuồn chuồn. Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ
dại. Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn”. Ông kêu lên thảng thốt: “ồ gót chân, anh đứng ngó như ngây”. Ông
òa khóc không gìn giữ: “Em ra đi đời bưng
mặt khóc òa”. ..
Trong thơ
Bùi Giáng có thể thấy sự dịch chuyển, đổi thay của không gian, thời gian, bản
chất và hiện tượng. Bùi Giáng buộc mình ý thức sự ra đi của
xác thân, của tình yêu, của vạn vật trong cõi ban sơ:
“Em về mấy thế kỉ sau
Nhìn trăng
có thấy nguyên màu ấy không”
(Từ Kỷ Niệm
Đầu)
Dấu ấn trong sáng tác của Bùi Giáng ta thấy được sự tự tại
và tạo cho mình một cốt cách riêng, một minh triết trong đời sống để xác định
“cõi điên” của mình :
“Xin yêu mãi
yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn”
(Phụng Hiến)
Tấm lòng
nhân ái trải dài trong văn thơ của ông, ông luôn dấn thân vào
đời như một kẻ đương đầu với cuộc sống:
“Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những
đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù để thỏa dạ yêu em”
(Phụng Hiến)
Trong thơ của Bùi Giáng luôn mang chủ nghĩa xê
dịch và ông tự nhận mình là người điên viết những bài thơ bằng ngôn từ bất
chợt, bừng tỉnh để mong đời hãy hiểu lòng ông:
“Người điên ngôn ngữ điệp trùng
Dở chừng như mộng dở chừng như mê
Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói được nghiệp nghề người điên”
Như vậy,
trong tập Mưa nguồn, cho thấy cái tôi suy tư về thân phận con người của Bùi thi
sĩ được biểu hiện rất rõ. Ông đã đem đến cho bạn đọc những suy tư, những trăn
trở, hoài nghi về kiếp người.
3.TẬP THƠ MƯA NGUỒN CỦA BÙI GIÁNG NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT
3.1.Giọng điệu thơ
Ấn tượng
trong giọng điệu thơ Bùi Giáng mà chúng tôi bắt gặp đầu tiên đó chính là giọng
đối thoại.
Trong Mưa
nguồn, Bùi Giáng cũng đã tạo nên những cuộc đối thoại với trời đất thiên nhiên
hoa cỏ bốn mùa, đối thoại với người kim cổ Đông Tây, đối thoại với chính bản
thân mình:
“Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài…”
(Chào Nguyên
Xuân)
Như vậy
chúng ta thấy rằng, giọng đối thoại trong thơ Bùi Giáng được cất lên trong
những cuộc trò chuyện vô hình. Tức là, người sáng tạo như đang phân thân thành
nhiều nhân vật theo sự phát triển của dòng cảm xúc, để làm nên một cuộc đối
thoại ngầm - đối thoại trong độc thoại. Chính điều này tạo nên tính trữ tình
độc đáo trong thơ Bùi Giáng.
Khi thì nhà thơ bộc
lộ một giọng điệu , chân thành, tha thiết với tình yêu cuộc sống, yêu con người:
“Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! Cánh bướm cánh chuồn
chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn”
(Phụng hiến)
Đôi khi thi sĩ một giọng điệu mạnh mẽ, quyết liệt trước tình
yêu trần gian
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương
(Phụng hiến)
Có lúc nhà thơ lạimang giọng điệu đau khổ,
sững sờ trong tuyệt vọng:
“Từ đây chân bước về ta sợ
Không nói nữa rồi! tiếng bặt âm
(Tàn nhẫn)
Đằng sau nỗi giọng điệu buồn, tuyệt
vọng nhà thơ vẫn giữ cho mình sự tha thiết
“Ngày sẽ hết tôi sẽ không trở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu”
(Phụng hiến)
Mình ơi! Tôi gọi bằng nhà Nhà ơi!
Tôi gọi mình là nhà tôi
(Về buôn
bán)
Như vậy, dù ở những trạng
thái cảm xúc đối cực: buồn, vui, đau khổ, thất vọng, tuyệt vọng
thì thi sĩ Bùi Giáng vẫn cất lên giọng tha thiết, đắm
say. Nhà thơ luôn hướng
về độc giả như để giãi bày, tâm sự, như để cất lên tiếng thơ yêu
đời tha thiết và chính
giọng điệu tha thiết đã
là sợi dây lan truyền cảm
xúc đến mỗi độc gỉa.
3.2
NGÔN NGỮ
Trong Mưa
nguồn, Bùi Giáng còn có kiểu sử dụng từ ngữ sinh hoạt Ví dụ: “chết điếng, vén xiêm, nghĩ mà kinh, nhe răng, ù té, thì thôi, quái gì,
sực nhớ, chó sủa, chửa hoang, thôi rồi, bực quá, xương xẩu, lát nữa, lỗ chân
lông, mớ tóc, thôi chết, quả thật, gây cấn (gay cấn), lẽo đẽo, có vui gì, hoặc
có thể, không chịu nỗi, còn lưa, thôi đã uổng, rủ rê, ừ thế sao, phen này, phen
nữa, căng thẳng, ngại, không hề, mặc sức, mình mẩy, dù sao nữa…”
Trong Mưa nguồn, Bùi Giáng sử dụng các từ ngữ mà trật tự các yếu tố
trong từ và trật tự các từ trong cụm từ có sự đảo ngược so với mô hình ngữ pháp
quen thuộc của tiếng Việt như: lịch sử được gọi là sử lịch, phôi pha thì
gọi là pha phôi, xanh đời, xanh lá, xanh cây dùng thay cho đời xanh, lá xanh,
cây xanh, dại cỏ thay cho cỏ dại, sợ hãi được gọi là hãi sợ… Các từ như ngửa ngang, xanh trời, thu rừng,
khô cành, bay mây, thu sen…đều có cấu trúc đảo ngược như thế.Ở cụm từ được Bùi Giáng sử dụng theo cấu trúc
đảo ngược trật tự các từ. Ví dụ như: cười môi em, ngó nữa trăng, hường cánh hoa,
rừng đêm xanh, thơ ngây lệ, lưa thưa lá, bềnh bồng mây, giọt ngần sương, hồng
hoa đỏ, bước hờ hững đi, đuôi đứt, ngó mắt, nghe tai…
Những tìm tòi, sáng tạo của Bùi Giáng trong việc đảo các thành tố của từ
đã giúp ông tạo nên những từ ngữ lạ lùng, những hình ảnh tân kỳ, gây bất ngờ và
hứng thú cho độc giả. Từ đó cho thấy những kiểu kết hợp từ ngữ, cụm tử độc đáo này tạo nên những câu thơ in đậm cá
tính sáng tạo của ông.
3.3. Không gian và thời gian nghệ thuật
3.3.1.không
gian và không gian nghệ thuật
Tập thơ “Mưa nguồn” là những kỷ niệm khôn nguôi về mảnh
đất quê hương, là nỗi nhớ niềm thương về hoài niệm của quá khứ. Nó còn là những
mộng mị, chiêm bao về
kiếp người. Trong tập
thơ Mưa nguồn có hai loại
không gian chủ yếu đó là: Không gian của quê hương xứ Quảng và Không gian mộng
tưởng.
Trong Mưa nguồn, Bùi Giáng đã
mở ra nột không gian Quảng Nam - một trong những xứ nghèo của miền Trung - nơi mà những con
lũ trên non hằng
năm vẫn chảy về xuôi, cuốn trôi
phăng đồng. Những dòng nước đục cuộn
qua, vườn tược tiêu điều và lòng người
thê thảm lắm:
“Em về ở lại
đây thôi
Nghe mùa nước lũ nguồn trôi phăng đồng
Một trăm cây lá bên rừng
Gửi trong tiếng vọng xa chừng ngàn mây
Mười con xóm nhỏ bên này
Nhắc nhau
nhớ lại cái ngày bên kia”
(Tiếng vọng)
Cảnh vật từ những hòn đá bờ khe, từng chân
mây mái rạ, từng bóng nắng chiều, từng bờ sông bóng mạ… tất cả những hình ảnh
thân thương và thân quen của hồn quê
Việt đều mang trọn tâm tình con người mà
hóa thân vào thơ ông rất mực tự nhiên mà cũng
rất đỗi tài hoa:
“Nhìn, em nhé, bên bờ kia gió thổi
Lá xanh vườn theo cỏ mượt ngân nga
Tơ vi vút một đời thương nhớ tuổi
Của trăng dằm xuống
dọ dẫm bên hoa”
(Bờ Nước Cũ)
Như vậy, không gian quê hương
xứ Quảng với những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp chính
là nơi để cái tôi trữ tình
đầy ắp những kỷ niệm nương tựa. Ở
đó, ta thấy một hồn thơ luôn giao hòa với thiên nhiên và
cuộc sống, một tình yêu quê hương sâu đậm đã trở thành nỗi ám ảnh trong ông.
Bên cạnh không gian quê hương xứ Quảng, trong tập Mưa nguồn, không gian mộng tưởng, của chiêm bao, hư ảo đầy khắp. Nó
được dựng lên để tác
giả có thể thỏa những khát vọng,
những cảm xúc trong tâm
hồn mình. Trong Mưa nguồn, tràn ngập không gian đó là
một thế giới mộng. Nó được biểu hiện rõ ràng nhất thông qua danh từ “mộng”. Bùi Giáng để mộng kết hợp với
những danh từ chỉ địa điểm để chỉ ra nguồn gốc, xuất xứ của giấc mộng như: mộng nguồn - Thời gian xê xích có bao nhiêu / Những mộng nguồn bay giữa gió nhiều
(Anh đi về giữa) hoặc với những danh từ khác để xác định phạm vi, không
gian tồn tại của thế giới mộng. Thuộc trường hợp này có thể kể đến mộng giữa mộng, mộng giữa hoa tâm, mộng
trong tay, mộng trong sương…
Ý thức rõ
cuộc đời này vốn chóng qua, mỗi tích tắc trôi qua là một bước tịnh tiến tới điểm cuối cuộc đời. Thi sỹ vốn ham sống nên luôn nuối tiếc cuộc đời, ông muốn trở về
nơi bắt đầu để mong kéo dài cuộc lữ hành trần gian. Đây là tâm thế thường trực
của Bùi Giáng trong Mưa nguồn, là tâm
sự, là cảm hứng chính để ông sáng tạo ra từ mộng
nguồn đầy ám ảnh.
3.3.2.Thời
gian và thời gian nghệ thuật
Thời gian
hiện thực mà Bùi Giáng đề cập chủ yếu trong Mưa
nguồn là thời gian trong trạng thái phai
tàn.
‘Với tay sầu khổ hao mòn
Đầu nghiêng rũ tóc miệng tròn thơ ngây
Chiêm bao dàn rộng phai này
Liễu in giòng rụng thu đầy hồ phơi”
(Sầu Lục
tỉnh)
Trong tập Mưa nguồn, thời gian hiện thực được Bùi
Giáng phản ánh một cách tập trung nhất, rõ ràng nhất đó là hai thời điểm là chiều tối và mùa thu.
-
“Chiều xuống rồi tơ lòng rộn ràng
rối” (Nỗi lòng Tô Vũ)
- “Chiều đem mây trắng bủa xanh trời” (Em đi về giữa)
- “Gió đêm về mở hé” (Không đủ gọi)
- Sao đêm đổ xuống triều đầy (Mái hiên)
- Và sương sớm hay chiều buông liễu rũ (Một buổi trưa).
Khoảng thời
gian tiêu biểu thứ hai là mùa thu.
Qua tập thơ Mưa nguồn, tác giả Bùi Giáng dành 58 lượt từ
gọi tên mùa thu. Đây là một tỷ lệ khá cao,
là một dấu hiệu gợi mở ra nhiều
điều, tạo nên phong cách riêng của tác giả không thể không chú ý. Nhắc đến mùa
thu, người ta dễ liên tưởng đến nỗi buồn thương trước sự tàn phai. Trên cái nền
khung cảnh chung đó, mùa thu đi vào thi ca, đi vào lòng người với tâm trạng của
một mùa buồn - thương - tiếc. Bùi Giáng cũng không nằm ngoài thông lệ ấy.
Nếu thời gian
hiện thực trong Mưa nguồn đã đặt
con người và thiên nhiên vào trạng huống tàn lụi, và lẽ
dĩ nhiên, khi phải hằng ngày đối diện với sự tàn tạ của cỏ cây hoa lá, của tình
lứa đôi, của thân thế con người, chúng
ta luôn nuối tiếc thời gian vàng son, thời gian sinh sôi nảy nở của vũ trụ.
Chính những điều này đã dẫn đến một hệ quả là
kiểu thời gian tâm trạng trong
thơ Bùi Giáng. Trong Mưa nguồn, ta
thấy bóng dáng của thời gian tiếc nuối, thời gian ngóng trông, thời gian buồn
nhớ đầy khắp. Điều này tạo nên kiểu thời gian tâm trạng nổi bật trong tập thơ này.
Thật vậy,
đọc Mưa nguồn, độc giả thường xuyên
bắt gặp những từ ngữ chỉ những cung bậc cảm xúc, những sắc thái tình cảm như:Tiếc nuối
- nhớ thương: dấu chân
người xưa, nhớ nhung
trời bữa trước, tư lự sóng hôm sau, níu thu hường đã phai, níu lại dòng sông chảy, ngàn
sau hoài vọng, tiếc thương trần gian, xuân
sắp rụng mất rồi, ngày tháng tiếc thương, nỗi niềm xưa, thao thức nghe mùa tan, dư vang ngày trước đâu rồi, tìm xa vắng,
ghì giữ ân tình, thuở xưa kia, nhớ
vô cùng bữa nọ, thương tiếc mãi,
giòng hoài cảm, nhớ lại lần xưa,
lòng nhớ nhung, bến cũ ngậm ngùi, đợi khắp nẻo đường,
em đừng đi, tiếng cũ ngậm ngùi, ngàn thương nhớ, ngân lời hoài
vọng cũ, kỉ niệm đi về, nhớ đốt gan, đất
thương nhớ, canh dài tiếc thương, nhớ ngang ngửa dưới trăng, nắng buồn thương nhớ, một trời thu để nhớ nhung,
bàn chân nhớ phố xa…
Buồn đau: Khổ đau khôn hàn, đời xuân lay lắt, tuổi thơ buồn, giòng lệ khóc, nửa đời
khổ đau, sầu một thuở, đêm ứa lệ, sầu gieo
ngang ngửa, thế kỷ đau thương, những buổi chiều buồn, sầu hận thiên thu, sầu kỉ niệm, nỗi đời thê thảm, sầu hoang vu, đêm võ vàng, sầu
thiên cổ, đời bưng mặt
khóc oà, buồn tiêu tao, buồn tinh tú, sầu vĩnh hạ, hiu
hắt đợi, vàng võ mong, ngàn thu hận…
Biệt ly: Vĩnh biệt trần
gian, tơi bời ly biệt, ngàn năm ly biệt, mấy đời ly biệt, vĩnh biệt dĩ vãng,
người đi bỏ lại giữa người, giã từ vạn thuở, vĩnh biệt thiên thu, ngàn năm vĩnh
biệt, tiếng chào…xa rồi, đường thu chia ngả, ly biệt tơi bời, buổi mai ly biệt,
ly biệt mai sau, niềm ly biệt…
Nỗi đau là quá lớn,
biệt ly luôn hiện hữu như một nỗi nhức nhối tâm can, dường như thi
sỹ mang trong mình cả nỗi buồn nhân
thế bao la, rộng lớn. Bởi thế,
đọc Mưa nguồn, độc giả dễ bắt
gặp những từ ngữ chỉ đơn vị thời
gian rất lớn kết hợp với những từ ngữ chỉ
sự chia ly như: mấy ngàn năm ly biệt, mấy đời biệt ly, giã từ vạn thuở, vĩnh
biệt
thiên thu, ngàn năm vĩnh biệt, một đời ly biệt… Đọc Mưa nguồn, độc giả bắt gặp những đơn vị
từ ngữ chỉ thời gian lớn, khoảng cách xa, mức độ cao kết hợp với những từ ngữ
gợi lên nỗi đau như: ngàn năm khổ đau, khổ đau khôn hàn, nửa đời
khổ đau, đời sầu, sầu thiên cổ, sầu hoang vu, sầu một thuở, sầu ngàn năm, sầu
mấy dặm đường, sầu hận thiên thu, đời thê thảm, ngàn thu hận, buồn tinh tú,
nguyệt hờn, hờn núi sông…
Tác giả Mưa nguồn luôn chìm đắm trong những ám
ảnh thời gian khôn nguôi như thế, luôn giằng xé giữa thực tại phũ phàng và quá
khứ ăm ắp kỉ niệm. Trở về với quá khứ là một cách để tự an ủi lòng mình, một
cách để kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc với Bùi Giáng thật giản dị và cũng
thật đặc biệt, không giống bất cứ ai.
“Ta sẽ đợi nghe đời em kể lại
Thuở xưa kia… bờ nước ấy xưa kia
Ta sẽ đợi nghe đời em nói mãi
Bên đời ai
vạn đợi đã chia lìa”
(Xuân Thu
Trang Phượng)
Như vậy,
trong Mưa nguồn, những từ ngữ chỉ
thời gian luôn ngập tràn một sự buồn thương luyến nhớ. Ta dường như không thấy
bóng dáng của những ngày tháng hạnh phúc, vui vầy mà toàn những ngày buồn, đêm
nhớ, mùa đau thương. Có chăng, đó chỉ là những ngày vui trong quá khứ hiện về trong
hoài niệm hay những huyễn hoặc trong tương lai. Nhưng những niềm hạnh phúc nhỏ
nhoi này lại chỉ được hiện về trong rêu phong nỗi nhớ. Nó được cộng hưởng với
kiểu thời gian hiện thực héo úa cũng luôn hiện hữu làm nên biểu tượng về sự
phôi pha trong Mưa nguồn của Bùi
Giáng.
C.KẾT LUẬN
Bùi Giáng không phải là một nhà thơ của chủ
nghĩa tượng trưng. Nhưng với tập Mưa nguồn, nghệ thuật sử dụng các
hình ảnh biểu trưng được đã tác giả phối hợp tuyệt vời với trò chơi ngôn ngữ, vốn
là một sở trường của nhà thơ nhiều chất triết gia này. Mưa nguồn là
cả một thế giới mang tầm vóc vũ trụ, trong đó hình ảnh con người và tự nhiên
hòa lẫn vào nhau và vận động, xoay chuyển cùng nhau. Mưa nguồn là
thế giới mở ra từ biểu tượng Một thế giới mà con người là “hiện thể” hơn là chủ
thể. Trong thế giới ấy, mỗi hình ảnh, mỗi từ của bài thơ như những con xúc xắc
của trò chơi ngôn ngữ được gieo xuống tình cờ nhưng có sức thu hút lạ lùng để vẫy
gọi người thưởng thức thơ đi vào những cung đường bất tận. Mỗi bước đi vào thế
giới của Mưa nguồn đều đầy ắp những hình ảnh giàu sức gợi, những
cảm xúc có khi thì ồn ào mãnh liệt nhưng có lúc lại mơ hồ tan nhanh như sương
khói.
Tài liệu tham khảo
1. Bùi
Giáng, Mưa nguồn, NXB. Văn hóa – Văn nghệ, 2012.
2. Đỗ Lai
Thúy, Thơ như là mỹ học của cái khác, NXB. Hội nhà văn, 2012.
3. Đỗ Lai
Thúy, Mắt thơ, NXB. Hội nhà văn, 2012.
4. Northrop
Frye , “Three Meanings of Symbolism”, Yale French Studies, No. 9,
Symbol and Symbolism (1952), pp. 11 – 19, http://www.jstor.org/stable/2929052.
5. Oreste
F. Pucciani, “The Universal Language of Symbolism”, Yale French Studies,
No. 9, Symbol and Symbolism (1952), pp. 27 – 35, http://www.jstor.org/stable/2929054.
6. Paul De
Man, “The Double Aspect of Symbolism”, Yale French Studies,
No. 74, Phantom Proxies: Symbolism and the Rhetoric of History
(1988), pp. 3 – 16, http://www.jstor.org/stable/2930287.
7. René
Wellek, “The Term and Concept of Symbolism in Literary History”, New
Literary History, Vol. 1, No. 2, A Symbosium on Periods (Winter, 1970), pp.
249-270, http://www.jstor.org/stable/468631.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét